Vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư, nhưng Manulife vẫn không chịu trả tiền

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bà Lan gửi tiết kiệm một khoản tiền để chữa bệnh ung thư cho chồng và được nhân viên SCB tư vấn tham gia gói đầu tư mới, thực tế là bảo hiểm của Manulife. Cuối năm 2022, bà Lan cũng mắc bệnh ung thư và mong mỏi nhận lại được số tiền đã đóng để điều trị cho 2 vợ chồng, nhưng Manulife kiên quyết từ chối.
Trụ sở của Manulife tại quận 7.
Trụ sở của Manulife tại quận 7.

Gửi tiết kiệm để dành điều trị ung thư, bị lừa đóng bảo hiểm

Chia sẻ với Ngày Nay, ông Trần Ngọc Trang (SN 1962, ngụ quận 10) cho biết, bản thân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng từ tháng 12/2018 và đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Trang vốn là lao động tự do, vợ là bà Trần Thị Kim Lan (SN 1967) ở nhà nội trợ nên nguồn tiền chữa bệnh chủ yếu do người thân ở nước ngoài gửi về.

Ngày 7/6/2021, để dư được một số tiền, bà Lan đến Ngân hàng SCB – Chi nhánh Ba Tháng Hai (quận 10) gửi tiết kiệm, dự phòng trong quá trình chữa trị bệnh ung thư cho chồng.

Tại đây, bà Lan được giao dịch viên Nguyễn Thị Dương của SCB tư vấn gói tiết kiệm mới, trong vòng 3 năm được lấy lại gốc và lãi, tặng kèm quyền lợi khám chữa bệnh không tốn phí. Do chỉ có mục đích gửi tiết kiệm và tin tưởng phía ngân hàng, bà Lan đồng ý tham gia và đưa 50 triệu đồng tiền mặt cho nhân viên của SCB để đóng tiền tham gia năm đầu sản phẩm Tâm an đầu tư. Trên Giấy nộp tiền thể hiện số HĐ 2902284479, nhưng Hợp đồng bà Lan nhận được lại có số 2902386308. Đến nay, bà Lan đã đóng 100 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng.

Theo bà Lan, nhân viên Nguyễn Thị Dương của SCB tư vấn, hướng dẫn khách hàng ký vào hồ sơ bảo hiểm không phải là đại lý của Manulife. Bà Đoàn Thị Kim Nụ, đại lý của Manulife là người đứng tên trên bộ hồ sơ bảo hiểm, nhưng bà Lan khẳng định chưa từng gặp hay được bà Nụ tư vấn. Sau khi phát hiện mình bị lừa gửi tiền tiết kiệm nhưng thực chất là đóng bảo hiểm, bà Lan có liên hệ với nhân viên Nguyễn Thị Dương và người này thừa nhận đã tư vấn sai cho khách hàng.

Vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư, nhưng Manulife vẫn không chịu trả tiền ảnh 1

Nhiều khách hàng của Manulife đã lớn tuổi hoặc mắc bệnh nặng, nhưng hãng bảo hiểm này vẫn không giải quyết.

Bà Lan cũng khẳng định trong hồ sơ bảo hiểm của mình có rất nhiều thông tin sai sót như không kê khai tình trạng sức khỏe trong quá trình làm hồ sơ, bản thân bà làm nội trợ và chăm sóc chồng bị bệnh nặng nên không có thu nhập, nhưng được kê khống trong hồ sơ là làm nghề kinh doanh và tiết kiệm với mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 10/2022, bà Lan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và đang quá trình điều trị bằng hóa xạ trị. Vợ chồng ông Trang, bà Lan cùng mắc bệnh ung thư khiến kinh tế gia đình hiện đã kiệt quệ, do đó mong muốn được Manulife hoàn lại toàn bộ số tiền 100 triệu đồng đã đóng để có tiền điều trị căn bệnh ác tính.

Từ tháng 6/2023 đến nay, vợ chồng bà Lan đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, làm việc với Manulife, trình bày hoàn cảnh gia đình, cũng như cung cấp các bằng chứng về việc họ bị lừa tham gia bảo hiểm và đề nghị được hoàn tiền, nhưng không đạt được kết quả. Trong 2 ngày 16 và 23/10 vừa qua, Manulife bất ngờ gửi thông báo bằng văn bản cho bà Lan, từ chối hoàn tiền vì cho rằng không đủ chứng cứ về các sai phạm trong quá trình tham gia bảo hiểm.

Việc Manulife từ chối trả tiền khiến vợ chồng bà Lan rất buồn và thất vọng. Hiện tại, ngoài việc đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, ông Trang vẫn thường xuyên tham gia cùng nhiều khách hàng khác đến trụ sở của Manulife tại quận 7 với hy vọng mong manh nhận được tiền.

Manulife vẫn bảo lưu quyết định từ chối trả tiền

Theo hồ sơ chị Nguyễn Thị Thùy Thương (ngụ TP.Thủ Đức), tháng 11/2020, vợ chồng chị đến SCB gửi tiết kiệm thì được 2 nhân viên giới thiệu sản phẩm đầu tư hợp tác giữa ngân hàng và Manulife, có lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, đóng mỗi năm 100 triệu đồng thì sau 8 năm có thể rút ra 1,2 tỷ.

Vợ chồng chị Thương đồng ý tham gia 2 hợp đồng với số tiền 100 triệu đồng/người/năm, đến nay họ đã đóng 600 triệu đồng cho Manulife. Ngày 24/8 vừa qua, chị Thương làm việc với Manulife và được nhân viên cho biết đây là hợp đồng bảo hiểm chứ không phải sản phẩm đầu tư. Điều này khiến khách hàng này rất sốc vì chỉ muốn gửi tiết kiệm, hoàn toàn không có nhu cầu mua bảo hiểm.

Trong 2 hợp đồng của vợ chồng chị Thương, mọi thông tin từ sức khỏe, nghề nghiệp, mức thu nhập đều bị kê khai sai so với thực tế. Sau đó, vợ chồng khách hàng này đã đề nghị SCB và Manulife hủy hợp đồng, trả lại số tiền đã đóng.

Vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư, nhưng Manulife vẫn không chịu trả tiền ảnh 2

Nhiều khách hàng của Manulife thường xuyên đến trụ sở của Manulife căng băng rôn với hy vọng đòi được tiền.

Sau đó, Manulife đồng ý hủy hợp đồng của chồng chị Thương, trả lại 300 triệu đồng vì “lý do nhân đạo”, còn hợp đồng của chị Thương, Manulife cho rằng không đủ chứng cứ xác thực có sai phạm nên từ chối hoàn tiền. Điều này khiến chị Thương rất bức xúc vì 2 hợp đồng ký cùng ngày cùng tháng cùng năm, cùng một sự việc và cùng một thời điểm, nhưng một hợp đồng được giải quyết, còn một hợp đồng lại bị từ chối. Không chỉ chị Thương, nhiều trường hợp khách hàng là vợ chồng cùng tham gia 2 hợp đồng, nhưng chỉ được trả lại tiền 1 hợp đồng, còn lại từ chối với cùng lý do tương tự.

Giữa tháng 10 vừa qua, trước việc hàng trăm khách hàng thường xuyên có mặt tại trụ sở của Manulife (quận 7, TP.HCM), một lãnh đạo của hãng bảo hiểm này đã có mặt hứa hẹn sẽ gặp và đối chất riêng với từng khách hàng.

Từ ngày 6/11, Manulife bắt đầu thực hiện các buổi đối chất với 2 nhân viên của Manulife cùng 2 bảo vệ gặp riêng từng khách hàng trong phòng kín. Nói là đối chất, nhưng thực tế nhân viên của Manulife khẳng định công ty bảo lưu quyết định từ chối hoàn phí bảo hiểm và không giải thích gì thêm. Nhân viên của Manulife chỉ ghi nhận ý kiến, bằng chứng khách hàng cung cấp trong biên bản làm việc, công ty sẽ xem xét, đánh giá thêm.

Cho rằng Manulife cố tình “câu giờ”, không có thiện chí trả tiền nên nhiều khách hàng đã từ chối tham dự đối chất riêng với hãng bảo hiểm này. Hiện nay, rất nhiều khách hàng vẫn đang miệt mài gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đồng thời thường xuyên đến trụ sở cùng các văn phòng của Manulife căng băng rôn với hy vọng có thể lấy lại được số tiền mồ hôi, xương máu mà họ có dấu hiệu bị lừa tham gia bảo hiểm.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).