Ngày 14.1, phiên tòa xét xử vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC) tiếp tục diễn ra với phần tự bào chữa của các bị cáo.
“Bị cáo rất ân hận!”
Là người đầu tiên được tự bào chữa, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, trình bày bản thân quá đau xót khi nghe mức án 12 - 13 năm tù mà Viện KSND tối cao đề nghị.
Đối với cáo buộc cố ý chỉ đạo Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) và PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, bị cáo Thực nói tài liệu tại cơ quan điều tra và chứng cứ mới tại tòa chứng minh bản thân bị cáo không đề xuất chỉ định thầu hợp đồng EPC số 33.
Theo bị cáo Thực, việc PVPower ký hợp đồng căn cứ nghị quyết HĐTV, bản thân không chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý. Bị cáo Thực nói thêm, quá trình thực hiện có nhiều văn bản về hợp đồng, bị cáo không nhận được và mong muốn Viện KSND tối cao xem xét lại quy kết cáo buộc tội cố ý làm trái quy định nhà nước.
Trong việc chỉ đạo cấp vốn, theo bị cáo Thực, chứng cứ cho thấy bị cáo không ký cả 4 lần cấp vốn dựa trên hợp đồng thiếu căn cứ. Bị cáo dẫn chứng 3 lần không nhận được báo cáo, 1 lần bút phê xem xét giải quyết khi không biết tính pháp lý của hợp đồng. “Mấy hôm nay, chứng kiến nhiều lãnh đạo tập đoàn (PVN - PV) đứng trước tòa, tôi vô cùng đau xót, vì một số người làm sai mà nhiều lãnh đạo vướng lao lý. Mức án đề xuất với bị cáo cũng nặng nề, khiến bị cáo đau xót”, bị cáo Thực nói.
Được gọi lên tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, trình bày trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo luôn thành khẩn khai báo, giao nộp nhiều tài liệu, giúp cơ quan chức năng kết thúc điều tra sớm vụ án và mong HĐXX ghi nhận việc này. Bị cáo Khánh xin nhận trách nhiệm của mình, dù cho rằng sai phạm do cấp dưới gây ra, và nói: “Ngay trong thời gian bị tạm giam, bị cáo rất ân hận nên đã nhờ luật sư nói với gia đình vay mượn tiền khắc phục thiệt hại. Điều này giúp lương tâm bị cáo thanh thản. Bị cáo thành khẩn, ăn năn hối hận, mong HĐXX xem xét, dành cho bị cáo sự khoan hồng, giúp bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây cũng là bài học cho tất cả những người khác, làm sao trong mọi việc luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Cựu thuộc cấp hỏi Trịnh Xuân Thanh “có bao giờ chất vấn lương tâm?”
Sau 2 cựu lãnh đạo của PVN tự bào chữa, đến phiên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN. Bị cáo Sơn trình bày đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án, mong HĐXX xem xét thêm cách tính thiệt hại của các giám định viên, cũng như cơ sở pháp lý, hiệu lực của hợp đồng EPC số 33.
Bị cáo Sơn phân trần chỉ phụ trách việc cấp vốn, thanh toán cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong một giai đoạn, nên mong HĐXX xem xét trách nhiệm của bị cáo trong vụ án. Bị cáo cũng xin nhận trách nhiệm thay bị cáo Ninh Văn Quỳnh và Lê Đình Mậu trong vụ này.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC, trình bày trong quá trình điều tra vụ án, số tiền bị cáo chiếm đoạt đã tự nguyện khai báo với cơ quan điều tra, dù cơ quan chức năng chưa hỏi. Đáng chú ý, bị cáo Hòa cho hay, tại phiên tòa ngày 13.1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, có ý nói buộc tội với mình, do vậy, trước sự tham dự của cả hai gia đình chứng kiến phiên xét xử ngày 14.1, bị cáo Hòa đề nghị "sếp" cũ "không buộc tội bị cáo hay người khác khi bào chữa".
Trình bày ngắn gọn, bị cáo Hòa xin cho mình nói một lời với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. "Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa này, anh có bao giờ chất vấn lương tâm vì ai mà bao nhiêu người phải đến dự phiên tòa ngày hôm nay không?", bị cáo Hòa nói, rồi quay trở về chỗ ngồi.
Theo Thanh Niên