Các nhà nghiên cứu Canada đã sử dụng một chỉ số về chất lượng chế độ ăn uống được sử dụng trên khắp thế giới làm cơ sở cho nghiên cứu. Chỉ số này được sử dụng nhiều ở Mỹ, tạo thuận lợi cho việc so sánh với Canada. Các kết quả nghiên cứu mới cho thấy chỉ số chất lượng chế độ ăn uống giữa Canada và Mỹ chỉ chênh nhau chưa tới 2 điểm phần trăm.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ kết quả khảo sát sức khỏe cộng đồng người dân Canada trong giai đoạn 2004-2015 do Cơ quan thống kê Canada cung cấp. Năm 2004, chỉ số chất lượng về chế độ ăn uống của người Canada đạt trung bình 36,5 trên thang điểm 100. Năm 2015, chỉ số này tăng lên 39 điểm. Tại Mỹ, năm 2004, chỉ số trung bình là 34,9 và giai đoạn 2010-2011 là 37,1.
Theo Giáo sư Michel Lucas thuộc Khoa Y Đại học Laval, chỉ số này là lời cảnh báo rõ ràng mà người dân Canada cần chú ý về chế độ ăn uống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ số về tiêu thụ trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thịt đỏ về cơ bản vẫn giữ nguyên từ năm 2004 đến năm 2015, trong khi nhu cầu sử dụng rau có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là người Canada đã cải thiện phần nào chỉ số khi tăng lượng tiêu thụ các loại hạt, axit béo giàu hàm lượng omega-3 và natri. Các chuyên gia cũng khuyến cáo hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, nước trái cây, thịt đỏ, thịt nguội và muối.
Theo nghiên cứu, phụ nữ thường đạt mức điểm cao hơn so với nam giới liên quan chất lượng trong chế độ ăn uống. Người Canada trong độ tuổi từ 19 đến 30 ít chú ý đến chế độ ăn uống, với mức điểm dưới ngưỡng trung bình, 33 điểm (năm 2004) và 35,5 điểm (năm 2015). Ở các nhóm tuổi khác, kết quả này có sự cải thiện. Ngoài ra, trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng liên quan tới chế độ ăn uống. Cụ thể, những người có bằng tốt nghiệp trung học tương đương được ghi nhận 34,8 điểm (năm 2004) và 35,3 điểm (năm 2015), trong khi những người có bằng đại học đạt 38,7 điểm (năm 2004) và 41,4 điểm (năm 2015). Một điểm đáng lưu ý khác là người nhập cư chú ý đến chế độ ăn uống tốt hơn. Theo Giáo sư Michel Lucas, người nhập cư thường có truyền thống văn hóa ẩm thực chú trọng hơn đến các loại rau, đậu và hạt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thay vì thường quy cho các yếu tố thương mại và môi trường tác động đến thói quen ăn uống, thì cần chú trọng các chiến lược và phương pháp tiếp cận thông tin, đề cao trách nhiệm cá nhân của những người lãnh đạo có thẩm quyền hoạch định chính sách của nhà nước liên quan đến việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh của người dân.