Theo trang worldometers.info, tới hết ngày 11/8 các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 337.797 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 8.371 ca tử vong. Hiện nay, có 214.836 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 11/8/2020 (Theo số liệu của worldometers.info). |
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.
Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực và cũng đang dẫn đầu về tổng số nạn nhân tử vong do đại dịch, với trên 5.800 người. Trong khi đó, với số ca mắc mới ở mức cao gần 3.000 người/ngày, Philippines tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Thái Lan cho phép mở cửa trường học, cảnh báo làn sóng thứ hai
Trong bối cảnh Thái Lan đã trải qua 78 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng và ngày thứ hai hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm bệnh, ngày 11/8, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC) của Thái Lan ra thông báo có thể mở lại các lớp học như bình thường, song các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Theo đó, dù có thể mở cửa hoàn toàn như bình thường từ ngày 13/8, nhưng các trường phải đảm bảo thực hiện 5 biện pháp y tế công cộng, bao gồm kiểm tra sức khỏe, đăng nhập ứng dụng phòng chống COVID-19 có tên gọi ThaiChana, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh tay, và thực hiện giãn cách xã hội.
Trong khi đó, Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Thanarak Plipat cho biết nước này cần chuẩn bị nhân sự cho các tổ chức và cộng đồng để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai COVID-19 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là người dân không được hoảng loạn nếu làn sóng thứ hai xuất hiện. Hiện Bộ Y tế Thái Lan đang hỗ trợ nghiên cứu, đồng thời lên kế hoạch mua càng nhiều vaccine ngừa COVID-19 càng tốt.
Ngày 11/8, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.351 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong.
Thái Lan đã trải qua 78 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: Thailand Medical News. |
Philippines chấp nhận thử vaccine COVID-19 của Nga
Tổng thống Philippine President Rodrigo Duterte cho biết đã chấp nhận đề nghị của phía Nga về tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19 tại nước này, đồng thời tuyên bố ông sẵn sàng là một trong những người đâu tiên tiêm thử nghiệm vaccine do Nga sản xuất như một cử chỉ thể hiện sự tin cậy và biết ơn.
"Ngay khi vaccine đến tay, tôi sẽ tiêm cho mình công khai. Hãy thử nghiệm với tôi trước, với tôi thì sẽ ổn", ông Duterte phát biểu vào tối 10/8.
Trước đó, Tổng thống Duterter cũng đề nghị Trung Quốc ưu tiên cho Philippines tiếp cận với vaccine mà nước này đang phát triển. Ông cũng dự đoán vaccine COVID-19 sẽ được phân phối trên toàn thế giới vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Tính đến hết ngày 11/8, Philippines ghi nhận tổng cộng 139.538 ca mắc COVID-19, với 2.987 ca mắc mới trong ngày, và tổng cộng 2312 ca tử vong.
Mẫu vaccine phòng COVID-19 của Sinovac được giới thiệu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN. |
Campuchia tạm ngừng các chuyến bay từ Philippines
Ngày 11/8, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo xác nhận thêm 15 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 266 trường hợp. Hiện đã có 220 trường hợp mắc COVID-19 tại Campuchia khỏi bệnh và nước này không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay từ Philippines từ ngày 13/8. Quyết định này được đưa ra sau khi 1 chuyến bay từ Philippines, chở theo 119 hành khách, hạ cánh xuống thủ đô Phnom Penh cuối tuần qua, đã có 13 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này cũng đã ngừng các chuyến bay đến từ Malaysia và Indonesia từ ngày 1/8 sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ các chuyến bay này tăng mạnh.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể quay lại trường học bắt đầu từ tháng 9.
Singapore ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong hơn 4 tháng
Ngày 11/8, Singapore thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 61 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong hơn 4 tháng qua tại đảo quốc sư tử.
Singapore đã áp đặt lệnh phong tỏa vào giữa tháng 4 sau khi ghi nhận nhiều ổ dịch tại các khu nhà dành cho khoảng 300.000 lao động nước ngoài. Tuần trước, Singapore tuyên bố đã khống chế được dịch bệnh tại các địa điểm này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân nhập cư tại Singapore. Ảnh: Straits Times. |
Trong khi đó, cùng ngày Bộ Công thương Singapore (MTI) cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2020 của nước này thấp hơn dự báo trước đó. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch COVID-19 và môi trường bên ngoài không thuận lợi, khiến "đảo quốc sư tử" phải giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2020.
Báo cáo của MTI cho biết tăng trưởng GDP quý II/2020 của nước này ở mức -13,2% tính theo năm, giảm so với con số ước tính lần đầu đưa ra là -12,6%. Do đó, tăng trưởng GDP cả năm 2020 có thể sẽ ở mức -7% tới -5%, thấp hơn so với dự báo ban đầu là -7,0% tới -4,0%.
Nguyên nhân GDP sụt giảm mạnh trong quý vừa qua chủ yếu do các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh áp dụng từ 7/4 tới 1/6 cũng như nhu cầu bên ngoài yếu. Ngoài ra, hoạt động kinh tế tại rất nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt của Singapore bị gián đoạn nghiêm trọng hơn dự báo do tác động của đại dịch COVID-19.
Một nhà hoạt động giơ tấm biển cập nhật con số ca mắc COVID-19 tại Jakarta nhằm nâng cao nhận thức về phòng dịch. Ảnh: Jakarta Post. |
Indonesia phát triển vaccine COVID-19 riêng
Ngày 11/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết trong 3 tháng qua, quốc gia này đã phát triển một loại vaccine riêng với nhãn hiệu Merah Putih (Đỏ Trắng – màu quốc kỳ của Indonesia) và dự kiến nghiên cứu này có thể hoàn tất vào giữa năm 2021.
Tổng thống Widodo cho hay vaccine nói trên được phát triển với sự hợp tác giữa công ty dược nhà nước Bio Farma của Indonesia với công ty Sinovac của Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hàn Quốc và các đối tác khác để có thể tiêm chủng cho tất cả người dân Indonesia.
Hôm 21/7, Sinovac đã chuyển cho Bio Farma 2.400 liều vaccine được để tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba. Theo Giám đốc điều hành Bio Farma, ông Honesti Basyir, quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này được lên kế hoạch thực hiện trong 6 tháng và sẽ kết thúc vào tháng 1/2021. Ông Basyir cho biết nếu quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 diễn ra suôn sẻ, Bio Farma sẽ tiến hành sản xuất trong quý I/2021. Công ty này đã chuẩn bị các cơ sở sản xuất với công suất tối đa 250 triệu liều mỗi năm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN. |
Cùng ngày 11/8, Chính phủ Indonesia thông báo chính thức kéo dài thời gian giảm giá điện đến hết tháng 12/2020 đối với các hộ gia đình có mức tiêu thụ điện năng từ 450 Volt Ampe (VA) đến 900 VA. Chính sách giảm giá điện trên sẽ được áp dụng đối với gần 32 triệu hộ gia đình, với tổng ngân sách trợ cấp bổ sung ước tính lên tới 12.180 tỷ rupiah (khoảng 828 tỷ USD), trong đó các hộ gia đình có mức sử dụng điện 450 VA/tháng sẽ được miễn giảm 100% và hộ gia đình có mức tiêu thụ 900 VA/tháng được miễn 50%.
Ngoài các đối tượng là các hộ gia đình, Chính phủ Indonesia cũng hướng đến trợ giúp giá điện những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) theo mức thang áp dụng giống với các hộ gia đình.
Đây là một trong những hình thức kích cầu mà chính phủ đang thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với xã hội, trợ giúp người dân và nhanh chóng vực dậy nền kinh tế đất nước.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN. |