Các nước quy định sử dụng điện thoại trong giờ học thế nào?

Trường học Anh, Australia cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, trong khi trường học Mỹ cho phép sử dụng như là công cụ học tập.
Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Anh

Ở Anh, vào năm 2001, không trường học nào cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Đến năm 2007, 50% trường ban hành quy định cấm, hoặc yêu cầu học sinh giao nộp điện thoại trước khi vào học và năm 2012 tỷ lệ này lên 98%.

Xu hướng này được các nhà nghiên cứu khoa học ủng hộ. Theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế London xuất bản năm 2015, học sinh có kết quả học tập cao hơn khi trường học cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Ước chừng, hiệu quả của việc không sử dụng điện thoại ngang với việc học sinh giành thêm một tuần đi học trong mỗi năm học, với việc điểm thi tăng khoảng 6,4% so với khi sử dụng điện thoại trong giờ học.

Đặc biệt hơn, nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng điện thoại ảnh hưởng nhiều nhất đến học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn và những em học yếu trong lớp, với mức điểm thi trung bình tăng 14,23% so với trước khi điện thoại bị cấm.

Australia

Các trường học Australia khuyến khích học sinh không nên sử dụng điện thoại trong giờ học. Kể từ học kỳ I năm 2020 (từ tháng 2), Chính phủ Australia yêu cầu tất cả trường công cấm học sinh sử dụng điện thoại và đồng hồ thông minh từ khi đến trường cho đến khi rời khỏi trường vào cuối ngày.

Học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) sẽ bị cấm hoàn toàn việc mang điện thoại tới trường học. Nếu các em mang đi sẽ phải giao nộp cho giáo viên trước khi vào lớp. Học sinh trung học (từ lớp 7 đến lớp 12) sẽ được phép cầm điện thoại theo người, tuy nhiên sẽ phải tắt nguồn và không được sử dụng trong khi học.

Các trường hợp ngoại lệ sẽ được cân nhắc cụ thể và cho phép bởi hiệu trưởng mỗi trường, đặc biệt là với học sinh sử dụng thiết bị thông minh để theo dõi sức khỏe.

Trong trường, học sinh cần liên lạc với phụ huynh trong giờ học hoặc ngược lại thì sử dụng điện thoại của văn phòng nhà trường.

Mỹ

Việc mang và sử dụng điện thoại ở trường học Mỹ không bị cấm theo quy định của chính quyền liên bang Mỹ, với lý do nhiều trường học tin rằng điện thoại sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cho việc học tập.

Nổi tiếng nhất trong các quy định liên quan đến điện thoại ở Mỹ là câu chuyện của thành phố New York. Năm 2006, thị trưởng thành phố khi đó, Michael Bloomberg, quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại ở tất cả trường học, gây tranh cãi với nhiều phụ huynh và học sinh. Bất chấp phản đối từ các gia đình, luật cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường học có hiệu lực đến tận năm 2015, khi ông Bloomberg rời ghế thị trưởng và ông Bill de Blasio lên thay.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học của Mỹ chỉ ra rằng phần lớn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ không phải để học mà để gửi tin nhắn cũng như đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng học của học sinh.

Nghiên cứu của tiến sĩ Kuznekoff, thuộc Đại học Ohio và tiến sĩ Titsworth, thuộc Đại học Nebraska, đăng tải trên tạp chí Communication Education, đã chỉ ra độ chi tiết trong ghi chú bài giảng, điểm kiểm tra trắc nghiệm và vấn đáp của học sinh Mỹ sẽ giảm dần khi sử dụng điện thoại trong lớp học.

Trung Quốc

Học sinh Trung Quốc hầu như được phép sử dụng điện thoại ở trường học, với gần 70% số học sinh tiểu học và trung học cơ sở sở hữu điện thoại thông minh. Tuy nhiên, từ tháng 11/2018, ở tỉnh Sơn Đông, việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng đã bị cấm tại toàn bộ trường cấp 1 và cấp 2.

Một nghiên cứu của hai giáo sư Yang và Asbury (Đại học York, Anh) và giáo sư Grifffiths (Đại học Nottingham Trent, Anh) chỉ ra sinh viên đại học ở Trung Quốc có tỷ lệ "nghiện điện thoại" và sử dụng điện thoại trong giờ học để làm việc riêng nhiều hơn so với các nước khác. Lý do có thể là việc chuyển tiếp từ môi trường phổ thông căng thẳng, gò bó, sang một môi trường đại học nhiều tự do khiến các em sử dụng điện thoại nhiều hơn đáng kể so với trước đó.

Nhật Bản

Theo chính sách mới nhất được thông qua vào tháng 7/2020, học sinh Nhật Bản từ cấp 2 sẽ được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp, điều cần thiết với tần suất thiên tai lớn ở Nhật Bản. Thay thế quy định trước đó từ năm 2009, quyết định năm 2020 được đưa ra sau trận động đất lớn ở Osaka, thủ phủ phía Nam của Nhật Bản vào tháng 6/2018, khiến nhiều học sinh bị mắc kẹt, và một em tử vong.

Với quy định này, học sinh sẽ được mang điện thoại trong từ nhà đến trường để phòng tránh trường hợp nguy hiểm. Sau khi tới trường, các em sẽ được yêu cầu cất điện thoại vào những tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.

Hàn Quốc

Kể từ 2012, toàn bộ học sinh Hàn Quốc bị cấm mang điện thoại đến trường, trừ những trường hợp cụ thể như đi dã ngoại hay hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Quyết định này được đưa ra sau nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gần 20% giới trẻ Hàn Quốc bị nghiện điện thoại thông minh hoặc mạng Internet.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thử nghiệm cho phép sử dụng, nhưng áp dụng phần mềm quản lý điện thoại học sinh dựa vào GPS. Phần mềm iSmartKeeper có thể giúp giáo viên hạn chế việc sử dụng điện thoại của học sinh chỉ ở những cuộc điện thoại, tin nhắn. Việc sử dụng phần mềm này, cũng như nhiều phần mềm theo dõi, hạn chế sử dụng điện thoại của các em nhỏ đã vấp phải nhiều lo ngại khác về quyền riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ nhỏ.

Việt Nam

Ngày 15/9 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Trước đó theo Thông tư 12 năm 2011, học sinh bị cấm dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức.

Thông tư 32 đã nhận được ý kiến trái chiều từ cả nhà trường lẫn phụ huynh học sinh.

Theo Vnexpress
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.