Lý giải về sự ra đi này, một cộng tác viên trật tự đô thị tại quận 1 nói họ có khó khăn: áp lực giữ vỉa hè luôn thông thoáng từ cấp trên; trực tiếp làm việc với người vi phạm nên thường xuyên bị chửi mắng, đe dọa; mức lương quá thấp.
"Mức lương quá thấp" ở đây là mức lương khoán, vào khoảng hơn 2 triệu đồng - một mức thu nhập quá thấp so với mức sống tại TP HCM hay so với "quyền uy" của bộ đồng phục mà họ mang trên mình.
Điều này khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện ở An Giang. Năm ngoái, tỉnh này có gần 300 cán bộ cơ sở nghỉ việc. Khi báo đài tìm đến nơi, họ bắt gặp những vị “cán bộ” cầm bằng đại học, nhưng thu nhập từ việc đi làm dâu trăm họ mỗi tháng chỉ hơn một triệu đồng. Họ bỏ việc để đi làm công nhân, hòng nuôi sống gia đình.
Trong lần công tác mới đây, tôi gặp một người như thế. Đó là ông Hiền, Trưởng ban nhân dân (trưởng ấp) ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Thời điểm ấy, ông Hiền đang chuẩn bị tổ chức Tết Chol Chnam Thmay cho đồng bào Khmer.
Ông Hiền nói, "làm cái anh cán bộ ấp, việc gì cũng đến tay". Nhưng phụ cấp thì chỉ gần được 1 triệu đồng/ tháng. Mỗi tháng, cán bộ ấp phải lên xã họp khoảng 10 lần. Mỗi lần "lên xã" đều phải đi xuồng mất 50 nghìn. "Chả lẽ không uống cốc cà phê". Mà lỡ uống cốc cà phê thì coi như mất gần hết tiền phụ cấp tháng. Chưa kể lên huyện, lên tỉnh học.
Ông Hiền đã làm trưởng ấp 3 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 2,5 năm). Hỏi ông có nhiều cán bộ cơ sở nghỉ việc không, người đàn ông khắc khổ này chỉ cười cười. Rồi ông bảo, không có nhà tôi may mặc, chạy chợ thì tôi chả đủ nuôi mình nói gì đến chuyện chăm lo gia đình.
Có lần, ông Hiền phải từ chối một lớp học tiếng Khmer kéo dài vài tháng trên tỉnh. Dù đó là điều tối quan trọng. "Học lâu thế thì tôi chịu", người đàn ông gầy nhẳng, da đen sạm nói. Ông Hiền không nói chịu gì nhưng tôi nghĩ chắc là kinh tế. Rồi ông vội chữa ngượng: sống lâu vậy đồng bào Khmer nói gì mình đều hiểu, chỉ nói lại hơi khó khăn.
Đến năm 2015, cả nước có 256.608 cán bộ, công chức cấp xã và 922.533 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Dùng máy tính chia ra thì được kết quả: mỗi xã có gần 23 cán bộ công chức và gần 83 người hoạt động không chuyên trách… Con số này là lớn hay nhỏ, tùy theo cách tính.
Con số trên có lẽ chưa bao gồm những người làm cộng tác viên trật tự đô thị, dân phòng… tại một số đô thị. Những người có thể coi là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
Chưa có một công trình nghiên cứu nào về những cán bộ thuộc dạng "bên lề" Nhà nước như những người tôi nêu ở trên. Chỉ biết, trước đây, ngay cả cán bộ chủ chốt cấp xã như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch, ủy viên quân sự, ủy viên thư ký… cũng chưa được coi là cán bộ "trong biên chế".
Cái vị trí lửng lơ, không hẳn là cán bộ, cũng chẳng phải là dân của họ, đồng lương không đủ uống cốc cà phê, có lẽ là di sản của một thời hạn chế “thoát ly sản xuất”.
Trong một văn bản cũ về chế độ dành cho cán bộ cơ sở, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 do Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký, tôi bắt gặp một chỉ đạo nhiều ý nghĩa: việc đãi ngộ cán bộ cơ sở phải dựa “tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất số người thoát ly sản xuất trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất”.
Có nghĩa là, đã có một thời, chúng ta không đề cao công tác quản lý ở cơ sở, không muốn có nhiều cán bộ vì sợ việc hợp tác xã không ai làm. Thời ấy, nhân sự trực tiếp cầm cuốc cầm liềm là quan trọng nhất. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Ở thì hiện tại, chúng ta cần rất nhiều nhân sự dạng này: Từ ông trưởng ấp đến nhân viên quản lý vỉa hè… Đó đều là những công việc nghiêm túc, cần người làm chuyên trách toàn thời gian.
Thời đại mới, xã hội trở nên phức tạp nhiều thành phần, quản lý nhà nước cần chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Nếu ngân sách Nhà nước không thể cáng đáng nổi lực lượng cán bộ quá lớn thì cần phải thành lập các công ty công ích hay thuê ngoài.
Không thể cố duy trì những lực lượng mang danh Nhà nước, mặc trang phục Nhà nước nhưng chỉ được hưởng "hỗ trợ thường xuyên", "hỗ trợ hàng tháng", "phụ cấp" với mức thấp đến phi lý. Mức thu nhập đó chỉ có thể tạo ra cán bộ lợi dụng vị thế để kiếm chác. Như vậy, cái được hẳn ít hơn những mất mát.
Cái thời đất nước cần kêu gọi tinh thần tình nguyện, vừa cầm cuốc vừa cầm sổ cơ quan, vừa sản xuất vừa làm cán bộ đã qua. Bây giờ, họ là một nhân lực của thị trường lao động. Trong thị trường ấy, thu nhập của họ chỉ bằng 1/4 thợ nề, xe ôm. Trên thực tế, gần dân nhất, họ mới là những người làm việc trực tiếp, là người vất vả.
Và những cộng tác viên đô thị, những ông trưởng ấp (cũng là một dạng cộng tác viên) ấy, sẽ phải làm việc với tâm thế nào, đối xử với dân ra sao, khi họ biết rằng biên chế của các cơ quan hành chính trong cả nước vẫn liên tục tăng, còn những cán bộ cắp ô thì phó chủ tịch Quốc hội phải thừa nhận là... chưa thể giảm được.