Người làm vợ, làm mẹ là phải biết chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất vào những ngày lễ, Tết.
Cô Nguyễn Kim Loan (SN 1969) vốn là con gái gốc Hà Thành. Ở cái tuổi gần 50 nhưng cô vẫn toát lên vẻ đẹp của sự dịu dàng, nết na, thùy mị, đảm đang của người phụ nữ đất kinh kì.
Năm cô 20 tuôi, cô kết hôn với một người đàn ông cùng một quê, vậy là cuộc đời của cô chẳng bao giờ thoát ra khỏi Hà Nội.
Ngày cô Loan đi lấy chồng, mẹ cô "hồi môn" bằng những bài khấn, những phong tục cúng lễ trong những ngày lễ Tết, ngày rằm hay mùng một. Cô Loan tâm sự: "Mẹ sợ về nhà chồng còn bỡ ngỡ vì ngày xưa ở nhà đông anh em, đâu có phải để ý chuyện bếp núc hay cúng lễ gì đâu. Thế nên trước khi đi lấy chồng, mình được mẹ trao tay cho những bài khấn, lễ được chép tay cẩn thận, bắt mình học thuộc lòng nên bây giờ vẫn nhớ y nguyên như ngày nào".
Cô Loan cũng thừa nhận, mình là người may mắn khi có mẹ chồng tốt tính: "Bạn bè mình đứa nào đi lấy chồng cũng sợ mẹ chồng. Nhưng mình may mắn khi mẹ chồng mình là người sống rất đức độ. Những gì mình không biết, mẹ sẽ chỉ dạy từng chút một, nhưng chỉ dạy một vài lần cho mình nhớ. Đặc biệt là vấn đề cúng, lễ liên quan tới tâm linh".
Cận cảnh mâm cơm mặn cúng Táo Quân.
Với kinh nghiệm "làm dâu", trách nhiệm của một người "giữ lửa" trong gia đình cô Loan chia sẻ kinh nghiệm trong ngày ông Công, ông Táo như một vị chuyên gia: "Những lễ vật không thể thiếu trong ngày này gồm 3 bộ vàng mã, mũ mão, 1 mâm cỗ mặn, một mâm cỗ chay, hoa quả bánh kẹo và 3 con cá chép sống. Tuy nhiên, vẫn có thể thay thế cá chép sống bằng cá chép giấy hoặc một con cá chép rán để cúng đều được".
Cô Loan chuẩn bị mâm cỗ mặn khá cầu kì gồm 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, một đĩa xào, một đĩa luộc,... và không thể thiếu là vàng mã, trầu cau, bánh chưng và hoa tươi.
Tiếp lời, cô Loan cũng cho hay, lễ phẩm có thể thay đổi theo từng nhà, từng hoàn cảnh. Nhưng chung quy lại, tất cả đều phải có thành tâm, nguyện ý. Cô Loan chuẩn bị mâm cỗ mặn khá cầu kì gồm 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, một đĩa xào, một đĩa luộc,... và không thể thiếu là vàng mã, trầu cau, bánh chưng và hoa tươi. Tuy nhiên, mỗi gia đình vẫn có thể thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị gia đình.
Từ chiều hôm trước, cô Loan cùng con gái đã ra chợ chuẩn bị hết mọi sính lễ để chuẩn bị cúng ngày Táo Quân thật tươm tất. Hoa quả, vàng mã, mâm cỗ mặn cũng đã được chuẩn bị đầy đủ để đón rước Táo quân.
Một trong những việc khó khăn nhất là làm thế nào để thuộc các bài khấn, lễ khi mỗi ngày lễ là có một bài khác nhau. Bản thân cô quan niệm, người phụ nữ như người giữ lửa trong gia đình, đàn ông chẳng mấy ai coi trọng việc cúng, lễ như người phụ nữ.
Cô cũng chia sẻ kinh nghiệm vào ngày này là ngày duy nhất có thể lau bàn thờ, rút chân hương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. "Gia đình nào cũng đều có 3 bát hương, bát ở giữa là quan Thần linh. Thổ Công, còn hai bát hương bên cạnh là 2 bên gia tiên. Vì vậy, việc dọn dẹp ban thờ trước tết rất quan trọng".
Cô Loan lí giải vì sao chỉ có ngày Táo Quân mới được phép lau dọn ban thờ: "Vào ngày Táo Quân, các ông Công, ông Táo của mỗi nhà đều bận lên trời để báo cáo sau một năm. Vì vậy, được coi như gia đình đó không có tín ngưỡng bảo vệ. Và việc lau dọn ban thờ thường diễn ra vào ngày 23 tháng chạp đến Giao thừa năm mới là phải dừng lại".
Cô Loan cho biết thêm: "Việc lau dọn ban thờ cũng đòi hỏi người lau dọn phải cẩn thận và tỉ mỉ. Trước hết là phải tự làm sạch cho bản thân, tắm rửa sạch sẽ, tốt nhất là nêm tắm với là mùi già để tẩy uế.
Sau đó, dùng chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Tiếp đến là lau bát hương bằng nước gừng hoặc rượu.
Cuối cùng là rút chân hương, chỉ nên để lại 3-5-9 chân hương còn lại trên bát, còn lại đem thả sông hoặc đêm đi đốt, tránh vứt lung tung".
Tiểu Lâm