Cuốn sách của Vivien Stewart bàn về 5 hệ thống giáo dục khác nhau - Úc, Canada, Trung Quốc (Thượng Hải), Phần Lan và Singapore. Mặc dù có sự khác biệt chi tiết về chính sách và thực tiễn cũng như trong bối cảnh văn hóa và hệ thống chính trị ở các quốc gia này nhưng không thể phủ nhận rằng có một số “chung” là đòn bẩy để họ cải cách giáo dục thành công.
1. Lãnh đạo có tầm
Các nhà lãnh đạo của các nước sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến thường chia sẻ niềm tin về tầm quan trọng của giáo dục, về một xã hội dân trí cao, bình đẳng hơn, phát triển một xã hội đa văn hóa và một nền kinh tế phát triển mạnh. Ví dụ, tầm nhìn đến năm 2020 của Trung Quốc sẽ đưa giáo dục phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao với đầu vào trực tuyến từ hàng triệu người.
Thông thường, cải cách giáo dục thường được “kích hoạt” bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội hoặc chính trị. Những nỗ lực cải cách có thể mang lại sự cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian 3 - 5 năm nhưng thành công ở quy mô lớn đòi hỏi thời gian dài hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo một là rào cản, hai là động lực thúc đẩy sự tiến bộ. Hiểu được điều này, Thủ tướng Ontario (một tỉnh bang của Canada) thường tập hợp các bên liên quan như giáo viên, phụ huynh, doanh nghiệp, học sinh - để giải quyết vấn đề phát sinh trong ngành giáo dục và duy trì sự hỗ trợ bền vững cho các cải cách giáo dục ở Ontario suốt nhiều năm.
2. Giáo viên và lãnh đạo trường có thành tích cao
Có một điểm chung giữa các nền giáo dục thành công là bất kể họ đang theo đuổi chiến lược cải cách nào thì chất lượng của một hệ thống giáo dục đều dựa trên chất lượng giáo viên của họ. Nhiều hệ thống như Úc, Ontario, Singapore…đã tạo ra các khuôn khổ và quy trình mới để đào tạo các nhà lãnh đạo trường học và cả giáo viên để trình độ giảng dạy liên tục được nâng cao.
3. Dung hòa chính sách và cuộc sống
Khi tiến hành cải cách thường xảy ra “khoảng trống thực hiện” giữa các chính sách được ban hành và những gì thực sự xảy ra trong trường học. Có những mâu thuẫn thường xuyên như mục tiêu của trường học và định hướng mâu thuẫn của hệ thống giáo dục.
Ở nhiều quốc gia cải cách thành công, sự nhất quán đạt được chính là từ các chương trình giảng dạy, giáo trình học phù hợp với mục tiêu quốc gia…
4. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Chi phí giáo dục cao không hẳn sẽ dẫn đến hiệu quả cao. Trên thực tế, nhiều quốc gia có nền giáo dục cao có chi tiêu tương đối khiêm tốn. Ở nhiều quốc gia, họ không chi nhiều ngân sách vào các tòa nhà, thể thao, vị trí hành chính hoặc các chức năng giáo dục đặc biệt riêng biệt. Họ có xu hướng tạo ra sự cân bằng thương mại khác nhau giữa quy mô lớp học, thời gian cho giáo viên… để làm sao cống hiến hết mình cho sự phát triển chuyên môn.
5. Đặt sinh viên vào trung tâm
Sinh viên trong mỗi quốc gia đều có động lực, sự nhiệt tình khác nhau, cường độ tập trung và thời gian học của sinh viên trong các hệ thống giáo dục mạnh mẽ trên thế giới là thành tích đáng nổi bật. Các hệ thống giáo dục bậc cao luôn thúc đẩy sinh viên học tập chăm chỉ thông qua các ưu đãi trong và ngoài trường học.
Học sinh trong lớp học Phần Lan phần lớn cho phép học sinh tự khám phá và tự học. Giáo viên được đào tạo rất tốt để khuyến khích học sinh theo phương pháp này. Còn ở Ontario, trọng tâm là học sinh. Giáo viên làm việc, trao đổi, hỗ trợ từng sinh viên để tạo ra nhiều con đường học tập hiệu quả.
6. Hiện đại hóa giáo trình
Nhận thức được thế giới kỹ thuật số ngày càng kết nối mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra toàn cầu, nhiều quốc gia đã phát triển giáo dục theo hướng toàn cầu. Một số nước đang nỗ lực hiện đại hóa giáo trình để hoàn thành các “mệnh lệnh” của thế kỷ 21 và hình thành quan hệ đối tác quốc tế để chuẩn bị cho sinh viên học tập và hoạt động trong một thế giới toàn cầu hóa, chứ không chỉ riêng trong quốc gia.