Chương trình đã cung cấp những đánh giá cụ thể về tiềm năng chuyển đổi của 9 cơ sở công nghiệp cũ buộc phải di dời tại Hà Nội. Đồng thời các chia sẻ về quá trình phát triển và phương pháp tiếp cận di sản công nghiệp cùng kinh nghiệm trong quản lý, thẩm định, chuyển đổi các mô hình di sản công nghiệp (DSCN) tại châu Âu góp phần tạo động lực cho sự hình thành và phát triển dự án tái thiết DSCN tại Việt Nam. Tại sự kiện các đại biểu tham dự bày tỏ mối quan tâm về thúc đẩy nhận diện các DSCN và cơ hội triển khai các nghiên cứu chuyên sâu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác cho các mô hình di sản công nghiệp thí điểm tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Văn hóa Đức và ông Thierry Vergon, giám đốc Viện Pháp đồng chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để chúng ta được trao đổi về tương lai của các công trình công nghiệp này và đề xuất các yếu tố đổi mới cho sự tồn tại của các di sản công nghiệp, phù hợp với con người, khí hậu đi cùng với tiến bộ bền vững và đổi mới. Qua đây, chúng tôi đề xuất tới các nhà hoạch định về kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề tái thiết di sản công nghiệp”.
Ông Thierry Vergon - Tùy viên văn hóa- Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội. |
Bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết: “Các nội dung và các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa là lĩnh vực khá mới mẻ và thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên thành phố rất quan tâm và hi vọng rằng di sản công nghiệp sẽ trở thành 1 phần di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố Hà Nội” (ảnh chi tiết vui lòng xem ở trang sau).
Đại diện từ góc nhìn tại Việt Nam, PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan – Đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp Châu Á tại Việt Nam, đã có những trình bày rất chi tiết về thực trạng, cơ hội và thách thức trong vấn đề tái thiết bền vững các dự án di sản công nghiệp. Bà nhận định: “Chúng ta có các công trình công nghiệp có giá trị di sản nhưng chưa có di sản công nghiệp. Vì khái niệm này chưa được pháp lý hóa, chưa đưa vào các văn bản pháp luật, vậy nên chúng ta không thể dán nhãn và bảo vệ các di sản này. Những nội dung này mới chỉ đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia và chưa hề được đưa vào các hệ thống giảng dạy. Đó chính là những rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại Việt Nam”.
Các diễn giả tham dự Hội thảo. |
Về phía Châu Âu, Đại diện Ban lãnh đạo, Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp (TICCIH) - Giáo sư Helmuth Albrecht đã trình bày về quá trình nhận diện và phát triển DSCN tại Châu Âu và kiến nghị cho DSCN tại Việt Nam. Giáo sư Helmuth Albrecht cho biết: “Di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội.”
Từ góc nhìn các nhà đầu tư, ông Nguyễn Bùi Vũ đồng sáng lập tổ hợp Complex 01, địa điểm được chuyển đổi từ nhà máy in cũ và KTS Huy Phạm sáng lập 282 design, không gian được chuyển đổi từ nhà máy sản xuất mũ cối, đã có những nhận định về tiềm năng đầu tư trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Hà Nội
Bên cạnh đó tại Hội thảo có sự góp mặt đại diện của 2 đơn vị thiết kế công ty Wilmotte & Associés. đến từ Pháp và công ty Böll Architekten GmbH đến từ CHLB Đức. Mỗi đơn vị đã trình bày cụ thể 1 dự án chuyển đổi di sản công nghiệp trình diện trên các khía cạnh về quy trình và các giải pháp thiết kế, chuyển đổi hài hòa vừa tôn vinh giá trị di sản đồng thời tạo điểm nhấn đổi mới phù hợp với bối cảnh hiện đại. Cụ thể là công trình Vườn ươm Startup lớn nhất thế giới Station F tại Pháp được chuyển đổi từ nhà máy ga lửa và trung tâm văn hóa Gempt Halle được chuyển đổi từ nhà máy sản xuất dây điện.
Cùng với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, đầu tư, chương trình còn có sự góp mặt của đại diện cộng đồng văn hóa sáng tạo đến từ ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật Heritage Space.
Với nghiệm học tập, làm việc nhiều năm cùng sự hiểu biết sâu sắc về các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các dự án cộng đồng, ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh vai trò của các tổ chức văn hóa, sáng tạo trong việc thúc đẩy các dự án tái thiết di sản công nghiệp của thành phố.
Chương trình “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới & Bền vững” được tổ chức nhằm đẩy mạnh cơ hội phát triển các dự án tái thiết di sản công nghiệp (DSCN) trong bối cảnh thành phố Hà Nội chính thức quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ.
Chuỗi hội thảo được hỗ trợ tổ chức bởi Quỹ Văn hóa Pháp Đức, Viện Goethe, Viện Pháp, ĐSQ Vương quốc Hà Lan, Hội đồng Anh Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Doanh Nghiệp Xã hội bền vững Việt Nam VSSE, ĐH Kiến trúc Hà Nội và 282 Workshop. Chương trình cũng có sự đồng hành đến từ các tổ chức: Vì Một Hà Nội Đáng Sống, Hanoi Ad Hoc và Heritage Space.
Theo kỳ họp thứ 7 của HĐND TP Hà Nội, 9 cơ sở công nghiệp quy mô lớn tại địa bàn đang đứng trước quyết định buộc phải di dời. Trong khi nghị quyết mở ra cơ hội cho phát triển tái thiết di sản tại Việt Nam, thành phố cũng đang đứng trước các thách thức chuyển đổi khi chưa có chính sách, quy định, phương thức thẩm định DSCN và chưa có mô hình tái thiết di sản thành công nào. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế sáng tạo dành cho DSCN cũng chưa thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư do nhận thức về các khu vực công nghiệp cũ được gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn, kém hấp dẫn. Thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy DSCN nắm giữ tiềm năng lớn để tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo và mang lại các giá trị kinh tế cho khu vực địa phương.