Càng hội nhập, học sinh miền núi càng phải gìn giữ, nuôi dưỡng 'hồn' dân tộc

(Ngày Nay) - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, với gần 12,3 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái... song cũng là vùng khó khăn nhất cả nước.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong những ngày đầu Xuân mới, Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về bức tranh sáng- tối trong đời sống của người dân tộc hiện nay, nhất là học sinh miền núi.

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết trong những năm qua, những chính sách nào đưa về miền núi dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi cuộc sống người dân tộc?

Bà Cao Thị Xuân: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành đồng bộ, toàn diện hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tôc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) bao gồm: Hệ thống chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng DTTS&MN (Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn) ngoài ra Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN: Chính sách phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm; chính sách vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; chính sách giao đất, giao rừng; thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững đối với vùng đồng bào DTTS&MN…

Có thể khẳng định rằng: việc triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách dân tộc đã thu đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Tình hình kinh tế - xã hội đã có bước phát triển toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ dân tộc  được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc được giữ vững ổn định, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm của vùng DTTS&MN thấp, điều kiện tự nhiên chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, sự chênh lệch về khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước còn lớn. Vì vậy trong giai đoạn tới, vùng DTTS&MN rất cần có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cũng như hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức quốc tế và cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài nước…  

Các chính sách và đầu tư cho Giáo dục vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả như thế nào?

Bà Cao Thị Xuân: Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Trong đó, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS, miền núi luôn được ưu tiên chú trọng, như: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số theo quyết định số 1210/QĐ – TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012 – 2015 và lộ trình đến năm 2020 theo quyết định số 1625/QD – TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường PTDTNT theo Quyết định 1640/QD – TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phổ cập cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định số 239/2010/QD – TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015 theo Quyết định số 2123/QDD – TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học; chính sách cử tuyển; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS…

Cùng với việc ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho người dạy và người học là việc tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục vùng DTTS, miền núi.

Mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi được củng cố và phát triển. Đến nay, phần lớn thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở; các huyện đã có trường trung học phổ thông (THPT); nhiều trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Hiện nay, cả nước có 308 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô hơn 88 nghìn học sinh, có 876 trường phổ thông dân tộc bán trú với quy mô gần 141 nghìn học sinh, 5 trường dự bị đại học với quy mô trên 3000 học sinh /năm. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi đến lớp tăng; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Các chính sách tập trung cho các đối tượng người nghèo, người DTTS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác đã thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa xã hội to lớn, giúp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo đối vùng DTTS và miền núi.

Trên thực tế, dù đã có chính sách ưu tiên như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ học tập (tiền, gạo, sách, vở đồ dùng học tập)… nhưng cứ vào năm học mới, ngành giáo dục lại “đau đầu” vì HS miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn bỏ học. Theo bà, những chính sách trên đã thực sự đi vào đời sống của người dân chưa?

Bà Cao Thị Xuân: Mặc dù giáo dục – đào tạo vùng DTTS, Miền núi đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng tình trạng học sinh DTTS bỏ học ở các địa phương miền núi vẫn là một trong những thách thức không nhỏ của nhà trường và chính quyền các địa phương. Theo tôi tình trạng học sinh bỏ học do một số nguyên nhân sau:

- Đời sống kinh tế của một bộ phận đồng bào dân tộc chưa ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao:

Vùng dân tộc, miền núi là vùng có nhiều khó khăn: điều kiện tự nhiên, diện tích rộng, thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, bị chia cắt, từ đó tạo ra các vùng dân cư phân tán, cách biệt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển.  Tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, thu nhập thấp, đời sống khó khăn ảnh hưởng đến động cơ, thái độ học tập của con em đồng bào các dân tộc.

- Nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc chưa cao:

Ở vùng dân tộc thiểu số một bộ phận đồng bào chưa nhận thức đầy đủ về ích lợi, vai trò của việc học tập với việc nâng cao chất lượng cuộc sống.Vẫn còn hiện tượng, một số gia đình còn chưa quan tâm đến việc học tập của các em học sinh, thậm chí do nhiều nguyên nhân khác nhau (như thiếu lao động trong gia đình, hay đi từ nhà đến trường, lớp học quá xa…) mà nhiều gia đình không cho con em đến trường. Một số học sinh dân tộc chưa xác định được động cơ học tập, chưa có nhu cầu học tập, chưa chuyên cần, chăm chỉ đi học.

- Phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa của từng dân tộc cũng ảnh hưởng tới việc đến trường và chất lượng học tập của học sinh.

Với đặc điểm ở vùng dân tộc thiểu số, có nhiều ngày lễ hội trong năm và  thường diễn ra trong nhiều ngày, bên cạnh đó tục tảo hôn, tập quán du canh, du cư vẫn còn ở một số dân tộc, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ học hoặc học không hết cấp…

- Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở vùng dân tộc, miền núi mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc dạy chữ dân tộc cho học sinh thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, theo bà, ngoài dạy chữ, vấn đề dạy văn hóa hiện nay có hiệu quả không?

Bà Cao Thị Xuân: Như chúng ta đã biết, văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc. Các dân tộc trong quá trình sinh tồn và phát triển đều có một nền văn hoá riêng. Bản sắc văn hóa là đặc thù, là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi; những giá trị đặc trưng riêng của dân tộc. Đó chính là cái "hồn", là sức sống nội sinh biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mỗi quốc gia trong quá trình giao lưu và hội nhập.

Giá trị văn hoá đích thực luôn có sức mạnh cảm hoá con người hướng tới Chân - Thiện - Mĩ. Đất nước Việt Nam với hơn 54 thành phần dân tộc, với sắc thái văn hóa dân tộc khác nhau. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với biết bao biến động thăng trầm, nhưng chúng ta vẫn tự hào gìn giữ được một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên con đường hội nhập và phát triển, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một vấn đề mang tính cấp thiết, cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp và toàn xã hội, bởi trong những năm qua, kinh tế hội nhập đã làm cho nước ta có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội…song cũng đem lại không ít thách thức cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa. Bên cạnh những yếu tố tích cực trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, một số nét văn hóa cổ truyền dường như đang bị mai một dần. Văn hóa của các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập cũng đang bị mất dần đi một số nét đẹp truyền thống. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung là bổn phận của mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội. Tuy nhiên môi trường giáo dục được kỳ vọng nhiều hơn cả là ở trường học, đặc biệt là học sinh các trường khối dân tộc nội trú (DTNT).

Trường phổ thông DTNT là mô hình trường học đặc biệt, ở đây tập trung đông đảo các thành phần học sinh dân tộc vì thế việc giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với các môi trường khác. Giáo dục về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa không chỉ được thể hiện qua những hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn thể hiện ở một số hình thức khác. Đó là thiết kế phòng trưng bày hiện vật gồm những sản phẩm văn hoá của các dân tộc như trang phục, trang sức, vật dụng trong đời sống, sinh hoạt của các dân tộc để các em học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong các ngày lễ hội. Đó cũng là cách để trực tiếp khơi gợi ở các em học sinh ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc từ ngàn đời của dân tộc.

Xin cảm ơn bà!

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).