Tháng 6/2016, chị Trần Thị H. trú tại TP.HCM mang bầu tháng thứ 3. Chị phát hiện trên chân và tay mình có các vết bầm tím. Chị thấy lạ nhưng nghĩ do bầu bí nên mới bị xuất huyết dưới da.
Ung thư da
Sau đó, chị H. đã đi khám tại bệnh viện Từ Dũ và kể cho bác sĩ về vết bầm tím lạ lùng. Chị H được khuyên sang BV Y dược TP.HCM kiểm tra. Bác sĩ đã khám cho chị H. và kết quả xét nghiệm khiến chị và gia đình hết sức sốc: Chị bị ung thư máu.
Bé Vũ Văn M., 11 tuổi, trú tại Quảng Ninh cũng bị vết bầm tím trên da. Mẹ của cháu M. kể, cháu khoẻ mạnh từ lúc sinh ra. Đi học, cháu còn cao lớn hơn cả bạn bè cùng trang lứa. Cách đây hai tháng, cháu xuất hiện các vết bầm ở chân dù chỉ ngã nhẹ.
Mỗi lần va chạm nhẹ vào bàn ghế là hôm sau chân, tay cháu cũng bị bầm lại. Chị nghĩ con bị xuất huyết dưới da nên không đi kiểm tra. Vết bầm mãi không hết, cháu không đau vẫn ăn khoẻ, ngủ khoẻ nên chị chủ quan.
Công việc bận rộn cứ cuốn chị đi và quên vết bầm tím hay xuất hiện trên da con. Chỉ đến khi, chị thấy con nổi một hạch ở tai phải. Hạch to mà không đau, chị mới cho con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị ung thư máu.
Nghe bệnh của con, cả gia đình đều sốc. Những triệu chứng vết bầm trên da chị không bao giờ để ý đến nào ngờ đó chính là những chỉ điểm của căn bệnh ác tính.
Bé Vũ Quỳnh C. 3 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội cũng bị ung thư máu với những vết bầm tím trên da. Mẹ của C. kể khi bé 2 tuổi cháu bị các vết bầm trên da kèm theo chảy máu chân răng, chảy máu cam. Khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương bác sĩ chẩn đoán bé bị bạch cầu cấp – một bệnh ung thư máu.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Việt Hương, cán bộ khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương, ung thư máu là bệnh lý ác tính nhưng nếu phát hiện sớm bệnh vẫn có thể chữa khỏi được. Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến bệnh ung thư máu là dễ bị bầm tím và chảy máu không kiểm soát được.
Điều này xảy ra bởi vì các tế bào máu bình thường liên tục bị thay thế bằng các tế bào bạch cầu non bất thường. Điều này khiến cho các tiểu cầu (yếu tố làm đông máu) bị mất đi, và máu không thể đông lại.
Vết bầm tím còn là triệu chứng của hội chứng Cushing
Không chỉ là dấu hiệu của bệnh ung thư máu, theo thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết Thái Hà, bầm tím còn là dấu hiệu của hội chứng cushing. Đây là hội chứng do người bệnh sử dụng quá nhiều hormone cortisol trong cơ thể.
Ví dụ như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lượng trú tại Xuân Trường, Nam Định. Sau một thời gian bị đau nhức vai gáy, ông đã đi tiêm và uống thuốc bác sĩ kê. Thuốc có chứa corticoid nên sau 4 tháng sử dụng, trên tay của ông Lượng bắt đầu xuất hiện các vết bầm tím trên da. Ông đi khám da liễu ở quê, bác sĩ cũng chẩn đoán xuất huyết dưới da, kê thuốc uống không hết. Ông đi khám lại ở Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán hội chứng cushing.
Đây là bệnh làm cho da mỏng, dễ bầm tím, cùng với nhiều triệu chứng khác, như bướu mỡ giữa vai, khuôn mặt tròn, và những vết rạn da màu hồng hoặc màu tím.
Nếu bệnh nhân không phát hiện kịp thời và ngưng sử dụng thuốc có thể dẫn đến hiện tượng suy tuyến thượng thận ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu hội chứng Cushing không được điều trị kịp thời, các biến chứng khác có thể xảy ra, chẳng hạn như loãng xương, do các tác hại của cortisol quá mức, tăng huyết áp, sỏi thận, tiểu đường, nhiễm trùng thường xuyên hoặc bất thường, giảm khối lượng cơ và sức mạnh.
Theo Infonet