Trùng nội dung học bạ
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, trên thực tế, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được tổ chức trên quy mô toàn quốc với sự huy động rất lớn về nhân lực, vật lực, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp bình quân luôn ở mức trên 98%. Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ một bộ phận rất nhỏ học sinh trượt tốt nghiệp.
“Kỳ thi tốn kém như vậy mà chỉ để đánh trượt vài phần trăm học sinh là lãng phí. Với góc nhìn này, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông là nên làm. Tuy nhiên, nếu cấp giấy đó rồi thì có cần thi không? Nếu không thi thì cần có giấy chứng nhận này, nếu thi thì lại không cần”, ông Khang nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Khang cho rằng, thực chất hiên nay có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông của học sinh, đó chính là học bạ. Học sinh sau khi thi kết thúc chương trình các môn học, được ghi và học bạ là đã hoàn thành chương trình. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh phải hoàn thành chương trình lớp 12 mới được dự thi Trung học phổ thông quốc gia.
“Vì vậy, nếu cấp giấy chứng nhận nữa thì thừa. Trong khi đó, giấy này chỉ có tác dụng trong quốc nội, không ai thừa nhận khi du học hay làm gì khác. Thậm chí, bằng tốt nghiệp cấp đàng hoàng còn không được công nhận mà người ta phải kiểm tra đầu vào. Vì vậy, theo tôi, nếu không thi tốt nghiệp nữa thì nên cấp giấy chứng nhận, nếu vẫn thi tốt nghiệp thì không cần vì học bạ đã xác nhận rồi”, ông Khang nêu quan điểm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, việc có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông là chồng chéo. “Học bạ đã ghi hoàn thành chương trình. Cấp thêm giấy chứng nhận thì ranh giới giữa giấy này, học bạ và bằng tốt nghiệp khác nhau như thế nào?” ông Hòa đặt câu hỏi.
Cần làm rõ giá trị từng loại văn bằng
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng lại có quan điểm khác. “Tôi cho rằng việc này đáng lẽ phải làm từ lâu, học xong phải cấp chứng nhận cho người ta là tất yếu, bình thường”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm học sinh trung học phổ thông học hết lớp 12, nếu các em đỗ tốt nghiệp thì được cấp bằng trung học phổ thông. Với học sinh học xong nhưng không đỗ tốt nghiệp hoặc không có nhu cầu thi tốt nghiệp thì cấp chứng chỉ chứng nhận đã học hết chương trình.
“Điều quan trọng là giá trị sử dụng như thế nào. Ví dụ với công việc không cần tốt nghiệp trung học phổ thông thì hoàn toàn giấy chứng nhận đó đó có giá trị, không cần bắt các em trình bằng tốt nghiệp. Chúng ta phải bỏ đi lối sính bằng cấp. Nhưng đồng thời cũng phải làm rõ với học sinh được cấp bằng tốt nghiệp thì bằng đó giá trị khác như thế nào, hơn thế nào, để những học sinh không học đến nơi đến chốn, không đạt trình độ thì không cho tốt nghiệp. Không thể vì tỷ lệ tốt nghiệp cao mà hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá xuống, như thế giá trị của bằng tốt nghiệp không phản ánh đúng chất lượng giáo dục và thực sự không khích lệ học sinh phấn đấu. Hiện nay tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, nhiều học sinh ỷ vào tỷ lệ tốt nghiệp cao không chịu học, không có động lực học. Chúng ta cải tiến nhưng phải làm rõ giá trị của từng loại văn bằng, giấy chứng nhận”, ông Lâm phân tích.
Cũng theo ông Nguyễn Tùng Lâm, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình có thể giao quyền cho hiệu trưởng các trường trung học phổ thông.
“Hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về giấy chứng nhận của trường mình vì nếu không đảm bảo chất lượng thì uy tín, thương hiệu của trường sẽ bị đánh giá thấp”, ông Lâm nói.