Nhưng kể từ hồi cuối tuần trước, công việc tìm kiếm thức ăn trở nên khó khăn hơn nhiều, khi nhiều nhóm người hôi của, trong đó một số có vũ khí, đã ập tới các cửa hàng để cướp đi mọi thứ có giá trị còn lại: Hàng điện tử, đồ gia dụng và phương tiện giao thông.
"Giờ thì tất cả thực phẩm đã cạn kiệt" - Jaques Charbonnier, 63 tuổi, sinh sống trên đảo St. Martin, nói trong một cuộc phỏng vấn - "Người ta đang đánh nhau trên đường phố để tranh giành những gì còn lại".
Trong vài ngày mà siêu bão Irma đổ bộ tới khu vực Đông Bắc vùng biển Caribbe, khiến hơn 20 người thiệt mạng và 90% số nhà cửa trên một số hòn đảo bị san phẳng, an ninh ở một số cộng đồng người bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã bắt đầu tan vỡ.
Người dân trên đảo St. Martin cùng nhiều nơi khác trong khu vực, đã kể về tình trạng vô pháp luật và thiếu trật tự trong lúc những người sống sót phải vật lộn với lụt lội nghiêm trọng, thiếu nước, thiếu điện và sóng điện thoại.
Khi có nhiều báo cáo về tình trạng tuyệt vọng của người dân ở vùng biển Carribe hồi cuối tuần qua, chính phủ anh, Pháp và Hà Lan - các nước có vùng lãnh thổ trong khu vực này - đã bắt đầu phản ứng. Họ phản bác lại những chỉ trích cho rằng đã phản ứng quá chậm trễ và không hiệu quả. Cả Pháp và Hà Lan đều nói rằng họ sẽ triển khai thêm binh sỹ để vãn hồi trật tự, cùng hàng viện trợ.
Phần lãnh thổ của Hà Lan trên đảo St. Martin cũng đang hứng chịu tình trạng hôi của các cửa hàng, dù vấn đề này đã giảm.
"Tình trạng hôi của đã diễn ra trong vài ngày, nhưng binh sỹ Hà Lan cùng cảnh sát đã được triển khai trên các tuyến phố để ngăn chặn nó" - Paul De Windt, thuộc tờ Daily Herald của Hà Lan, cho hay - "Một số kẻ còn ăn trộm hàng xa xỉ, nhưng phần lớn những kẻ này thường trộm nước uống và bánh quy".
Siêu bão Irma đã đổ bộ trực tiếp vào khu vực Carribbe từ hôm thứ Tư tuần trước phá hủy nhiều sân bay, cảng biển, gây mất điện và ngừng hệ thống cấp nước, khiến cho hàng chục nghìn người dân cùng du khách bị cô lập, không thể di chuyển ra khỏi khu vực này.
Cuộc khủng hoảng ở Caribbe càng trở nên trầm trọng hơn kể từ hôm cuối tuần trước, khi cơn bão Jose quét qua. Dù nhiều hòn đảo bị ảnh hưởng bởi siêu bão Irma đã tránh được ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão thứ hai, nhưng sức mạnh của nó đã làm chậm các nỗ lực cứu hộ.
Trong hôm đầu tuần này, giới chức còn tuyên bố có thêm 2 người chết được phát hiện trên St. Martin, nâng tổng số người chết do siêu bão Irma ở Caribbe lên 27. Còn theo người dân sống trên hòn đảo này, con số người thiệt mạng do bão Irma thực tế còn cao hơn nhiều.
Dù các báo cáo trên chưa được xác nhận, nhưng ít nhất nó đã gây ra nỗi sợ hãi với người dân trên đảo rằng họ sẽ bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới, khi phần lớn các tuyến đường đã bị chặn. Nhiều tin đồn thất thiệt cũng lan tràn, như tin đồn có hàng trăm người thiệt mạng, một số là do những tù nhân trốn thoát khỏi một nhà tù gần đó sát hại.
Dù chính phủ Pháp đã bác bỏ thông tin trên, nhưng một số người dân vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về bạo lực, người dân đánh nhau để tranh cướp thực phẩm, và những kẻ hôi của có vũ trang. Nhiều người dân còn nói rằng những kẻ mang súng đã đột nhập khách sạn Flamboyant ở Marigot, thủ phủ của St. Martin phía Pháp, và cướp đồ của du khách.
Để khắc phục tình trạng trên, Pháp đã triển khai lực lượng thủy quân lục chiến tới đây và đã thực hiện ít nhất 23 vụ bắt giữ liên quan tới hôi của.
Giới chức Mỹ cũng đã triển khai chiến dịch sơ tán 1.200 công dân Mỹ khỏi đảo St. Martin bằng chuyên cơ quân sự C-130.
Cuba cũng bị ảnh hưởng từ siêu bão Irma, đặc biệt là ở khu vực bờ biển phía Bắc của quốc đảo này. Dù chưa có báo cáo về thiệt hại nhân mạng hay về cơ sở hạ tầng, nhưng Havana cũng chịu một số thiệt hại nhất định. Người dân thủ đô đã phải trải qua một đêm cuối tuần trong bóng tối do chính quyền cắt điện đề phòng trường hợp xấu.
Tại thành phố ven biển Matanzas, nhiều ngôi nhà một tầng đã bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước, và thiệt hại đối với hai hòn đảo hút khách, Cayo Romano và Cayo Coco, cũng rất nặng nề. Một đoạn video đăng tải trên Facebook cho thấy nhiều khách sạn chỉ còn thấy nóc.
Chính phủ Cuba đã nhanh chóng triển khai các chiến dịch cứu hộ, tăng cường thêm lực lượng an ninh tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng lúc phái nhiều đoàn xe tải chở lương thực cùng các trang thiết bị hạng nặng tới để di dời các mảnh vỡ cỡ lớn.
"Cuba tổ chức cứu hộ rất có tổ chức" - Orlando Eorlsando, 53 tuổi, nói khi đứng trước ngôi nhà có cánh cửa được gia cố bằng ván gỗ ở Havana - "Ưu tiên hàng đầu của chính phủ là sự an toàn của người dân và bảo vệ sự sống".