Bài 1: Huyết mạch giao thông bị tắc nghẽn vì thiếu vốn
Ngã tư Dầu Giây là đầu nối giao thông huyết mạch nằm trên Quốc lộ 1A (QL 1A), cách TP.HCM hơn 60 km về phía nam, ngã rẽ lên QL 20 đi Đà Lạt và đường tỉnh 269 nối QL 1A với QL 51 đi sân bay Long Thành đang khởi động, cảng Gò Dầu, cảng Cát Lái và TP.Vũng Tàu.
Hệ luỵ của dự án chậm tiến độ
Trước nhu cầu giao thông không xung đột, ngay từ giữa năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho cải tạo, xây dựng lại nút giao ngã tư Dầu Giây. Thời điểm ấy, tiền nâng cấp QL 1A và đường tỉnh 769 theo dự án BT phục vụ vận tải bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu đã hoàn tất, còn dư khoảng 1.200 tỷ nên Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án xây dựng cầu vượt.
Thiết kế cầu vượt nút giao Dầu Giây được xây dựng với mặt cắt ngang cầu là 16 m, gồm 4 làn xe cơ giới, cầu có 10 nhịp. Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 20) được chỉ định làm chủ đầu tư dự án Nút giao thông (NGT) Dầu Giây.
Trong gói NGT Dầu Giây, ngoài cầu vượt còn thi công mở rộng tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Thống Nhất dài 1,5 km tính từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt. Đoạn đường này sẽ được mở rộng với mặt cắt ngang 20,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, đồng thời xây dựng mương thoát nước dọc 2 bên và chiếu sáng đô thị theo dải phân cách ở giữa đường. Tổng vốn đầu tư cho hạng mục cầu vượt và mở rộng 1,5 km là 299 tỷ đồng bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.
Ngày 12/2/2017, UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ phần BT20 - Cửu Long đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu vượt nút giao Dầu Giây thuộc địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Dự kiến, nút giao Dầu Giây sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018.
Thế nhưng đến nay, hết tháng 6/2020 mà cầu vượt chỉ đạt tiến độ 40% về xây dựng và toàn NGT Dầu Giây chỉ hoàn thành khoảng 60%. Công trình thi công đã dừng lại hơn 3 tháng, nhưng trên thực tế thì việc thi công phần cầu đã dừng từ tháng 1/2019. Thời điểm ấy, ông Hồ Sỹ Hiệp - Chỉ huy phó công trình cho biết lý do là chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng nên không thể thi công được.
Đã quá hạn hơn 2 năm nhưng công trình chưa hoàn thành. Ảnh: Xuân Thời |
Việc công trình thi công dừng lại khi đang làm dở dang khiến giao thông trở nên nguy hiểm, đời sống khu vực thị trấn Dầu Giây và cả người đi đường trở nên ngột ngạt, bức xúc, các điểm đầu thi công thì thường xuyên xảy ra tai nạn.
Từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ chết người do tai nạn vì sự bất cập của công trình như thiếu biển báo, không có đèn đường, các hạng ngạch đã thi công tạm cho giao thông mới làm đã xuất hiện nhiều hố voi…
Người dân lo lắng mùa mưa đang đến, cách thi công NGT Dầu Giây như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều tai nạn, đáng nói nhất là công trình không đèn chiếu sáng ban đêm, xe thi công rỉ sét để choáng tầm nhìn, mặt đường đầy hang hố...
Bất cập do… thiếu vốn
Ông Đỗ Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty BT 20 Cửu Long, cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang thiếu vốn, nguyên nhân do UBND huyện Thống Nhất đưa ra số tiền đền bù dự án là 21 tỷ, nhưng hiện tại chúng tôi phải trả tiền đền bù lên đến 132 tỷ, nâng cao hơn dự toán hàng trăm tỷ nên chúng tôi phải xoay nguồn vốn để đền bù và giải phóng mặt bằng. Chúng tôi phải đền bù luôn phần tiền của các dự án trước”.
Theo ông Phạm Sanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thống Nhất cho biết: “Tiền đền bù ngay đầu dự toán UBND đã khuyến cáo Ban Quản lý Dự án 7 đưa ra 21 tỷ chứ không phải UBND Huyện đưa ra, vì theo Giấy CNQSD đất đã bị cắt trong Giấy CNQSD Đất bắt buộc, sổ đỏ cũ chuyển sang sổ hồng từ năm 2011. Khi ấy, đã có trường hợp ông Phạm Xuân Thời được Cục Quản lý Đất đai yêu cầu trả lề đường lại trong sổ của dân vì đất ấy chưa đền bù để thu hồi” .
Trên thực tế, ngay khởi đầu thông tin cầu vượt sẽ khởi công năm 2016, người dân ven QL 1A đã làm đơn tập thể gửi Thủ tướng và Bộ GTVT, không đồng tình cho việc thi công cầu vượt vì cho rằng độ dốc vốn đã nguy hiểm, khi có khoảng cong dưới chân cầu càng khiến giao thông nguy hiểm hơn. Trong đơn, người dân xin mở vòng xoay và thêm rộng làn đường hoặc làm hầm chui thay vì làm cầu vượt. Ông Nguyễn Trọng Cứ (Hai Cứ) là một người dân sinh sống lâu năm ở khu vực này, chia sẻ: “Nếu họ mở vòng xoay hay hầm chui, dân chúng tôi hiến đất chứ không cần bồi thường gì cả”.
Trong biên bản cuộc họp tại UBND huyện Thống Nhất giữa Sở GTVT, Ban quản lý Dự án 7, Các phòng, ban thuộc UBND huyện và đại diện của nhân dân theo chỉ đạo của Bộ GTVT ngày 26/10/2016 đã xác định làm cầu vượt và sẽ có phương án hỗ trợ đền bù thỏa đáng cho người dân sống ven mặt tiền QL 1A đúng luật.
Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông khi công trình tạm ngừng thi công. Ảnh: Xuân Thời |
Việc hiệp thương đền đất của UBND huyện Thống Nhất phải được sự nhất trí của UBND tỉnh Đồng Nai kéo dài 3 năm và cuối cùng phải chi trả đền bù thỏa đáng cho dân, chứng tỏ quá trình quản lý đất đai còn nhiều bất cập.
Về quy trình, đền bù từ dự toán 21 tỷ mà thực tế phải chi trả 132 tỷ, nguyên nhân vì trước đó giấy CNQSD đất của dân bị thu hồi và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Thống Nhất đã cắt phần đất lề đường bên phải theo chiều Bắc - Nam 7m, còn bên trái bị cắt 9m. Khi người dân chứng minh đất bị cắt chưa được đền bù thì chính đơn vị chủ đầu tư đưa ra bản đồ đền bù từ mép đường mương. Sau hơn 6 tháng xác minh đường mương chưa được đền bù, Ban đền bù được sự đồng ý của tỉnh Đồng Nai đã đền ra đến mép đường nhựa. Tuy nhiên, quyết định đền bù có nhiều hộ đền đất trồng cây lâu năm nên dân lại tiếp tục đòi quyền lợi phải đền đất ở (ONT).
Hơn 3 tháng sau, phó chủ tịch tỉnh họp liên sở và đồng ý đền đất ở. Thời gian tranh chấp kéo dài 3 năm làm giá đất thực tế tăng gấp 6 lần. Đầu tháng 6/2019, chủ đầu tư Bộ GTVT đề nghị cho đền bù bên phải trước để thi công, nhưng khi làm xong phần đường bên phải đơn vị thi công đã không thể thi công do vấp phải phản đối của dân địa phương vì họ tự ý thông báo sẽ bóp nhỏ dự án rút hẹp lại một làn đường.
Mới đây, ông Đỗ Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty BT 20 Cửu Long, cho biết thêm: “Chúng tôi đang tìm vốn và sẽ khởi công lại vào tháng tới”.
Bài 2: Ngừng thi công, cầu vượt thành… cầu giăng bẫy