Thống kê cho thấy, nếu như năm 2000 chỉ khoảng 500.000 người ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn biết và sử dụng TPCN (chiếm 0,5% dân số) thì đến năm 2017, số người dùng đã tăng lên 21,48% dân số. Hầu hết các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán và sử dụng TPCN.
Tuy nhiên thực tế trong quá trình quản lý, Cục ATTP nhận thấy những vi phạm phổ biến của doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh TPCN như: Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo của pháp luật; sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm chức năng không đúng với các quy định của pháp luật…
Để quản lý mặt hàng này, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, đặc biệt đến năm 2010, TPCN chính thức được quản lý bởi Luật ATTP và NĐ số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật ATTP, dưới đó là các Thông tư của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… đối với TPCN. Nhưng thực trạng này vẫn không mấy khả quan. Nói về việc áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: Hiện nay có trên dưới 10 doanh nghiệp được cấp một số hồ sơ gửi đến chúng tôi đang phối hợp với các ban ngành chức năng khác để thẩm định cấp giấy chứng nhận. Dự kiến có trên 100-200 doanh nghiệp sản xuất TPCN ở Việt Nam tới đây đạt tiêu chuẩn GMP.
“Chúng ta không lo thiếu TPCN chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt. Nếu không nghiêm khắc quản lý để tình trạng như hiện nay thì hệ quả doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc cũng chẳng khác doanh nghiệp đầu tư sơ sài, không đảm bảo tiêu chuẩn… Điều này ảnh hưởng trước hết đến quyền lợi người tiêu dùng”- ông Phong nhấn mạnh.