Giáo sư dịch tễ học Hajo Zeeb tại Đại học Bremen của Đức cho rằng tiêm chủng “giải quyết được một phần của vấn đề, nhưng không phải là tất cả”. Mặc dù tiêm phòng có tác dụng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên vaccine không phải là hiệu quả 100%, hơn nữa điều đáng lo ngại là khả năng miễn dịch đang suy yếu theo thời gian, dẫn đến việc các quốc gia chuyển sang tiêm phòng tăng cường.
Dù tiêm chủng không phải là một giải pháp hoàn chỉnh, nhưng thực tế cho thấy vaccine có thể ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.
Giáo sư Zeeb cho biết thêm, trong khi số ca nhiễm mới thậm chí có thể cao hơn so với mùa thu và đông năm ngoái, nhưng “chắc chắn không cao hơn nếu xét về tỷ lệ nhập viện”. Giáo sư Zeeb cho rằng “đây là tin tốt, nói lên tác dụng của việc tiêm chủng".
Căn cứ vào tình hình và số liệu dịch tễ hiện tại ở các quốc gia châu Âu, có thể chia những nước này thành 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Malta, nơi 80% dân số trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, có số ca nhiễm mới, tử vong và nhập viện rất thấp.
Nhóm thứ hai là các quốc gia như Anh, Đức và Áo đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng trong khoảng 60-70%, chưa đủ để ngăn chặn các ca nhiễm mới gia tăng. Việc nới lỏng các hạn chế ở Anh cũng là một nguyên nhân dẫn đến các ca bệnh lây nhiễm mới.
Nhóm thứ ba là những quốc gia tụt hậu về tiêm chủng so với mặt bằng chung châu Âu. Ba quốc gia vùng Baltic và một số quốc gia ở Trung Âu, chẳng hạn như Slovenia, đang phải chứng kiến tỷ lệ mắc mới hằng ngày rất cao.
Tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này chỉ là 50% tổng dân số, đã khiến phần lớn dân số của họ không được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2 và số ca nhập viện cũng như tử vong cao hơn nhiều so với các nước láng giềng phía Tây.
Nhóm nước cuối cùng là những quốc gia tụt hậu nhất về tiêm chủng tại châu Âu là Bulgaria và Romania. Hệ thống y tế bị quá tải đang dẫn tới thảm họa y tế đáng lo ngại tại 2 quốc gia Đông Âu này.