Chiến lược vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của từng doanh nghiệp và người dân.
Một số doanh nghiệp ở Bình Dương chủ động triển khai mô hình công nhân vừa ăn ở, vừa sản xuất trong nhà máy. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN.
Một số doanh nghiệp ở Bình Dương chủ động triển khai mô hình công nhân vừa ăn ở, vừa sản xuất trong nhà máy. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN.

Tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh

Cuối năm 2020, người dân và các doanh nghiệp hy vọng ở kịch bản Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh, diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp trọng điểm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Mặc dù COVID-19 diễn biến khó lường nhưng tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 trên cả nước vẫn đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch COVID-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện...

Trở lại bối cảnh của quý II năm 2020 là lúc Việt Nam đang bị tấn công bởi làn sóng COVID-19 với thời kỳ đất nước thực hiện giãn cách toàn xã hội nên tăng trưởng rất thấp, 6 tháng đầu 2020 chỉ tăng trưởng 1,8%. Chính vì vậy, mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021 là một mức tăng trưởng khá.

Ngoài đo lường bằng tăng trưởng GDP, đi vào các chỉ tiêu thành phần sẽ thấy được toàn diện “sức khoẻ” của nền kinh tế. Chỉ số lạm phát cũng làm cho nhiều nhà phân tích bất ngờ và ngạc nhiên. Trong khi những nền kinh tế hàng đầu đang phải “đau đầu” giải bài toán lạm phát.

Đối với Việt Nam, chỉ số lạm phát đang là 1,47% của 6 tháng – thấp nhất trong 5-6 năm gần đây. GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Cách tính lạm phát, CPI của chúng ta vẫn theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam là một nền kinh tế mở, xuất khẩu rất nhiều và nhâp khẩu cũng rất lớn, có rất nhiều chuỗi giá trị về cung ứng hàng hóa của thế giới đang được thực thi ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách thức điều hành để kiểm soát tốc độ tăng giá trong phạm vi hiện nay. Việt Nam chủ động được sự tăng giá trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Có thể 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ tăng lên nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát mà Chính phủ đặt ra. Nêu vấn đề, vì sao công nghiệp chế biến chế tạo là đầu tàu của công nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức 10%, trong khi trung tâm công nghiệp là Bắc Ninh, Bắc Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, Tổng cục Thống kê cũng đã giải thích là nếu không bị dịch bệnh, Bắc Giang sẽ tăng trưởng 30-40%, nhưng giờ chỉ tăng trưởng 20%. Bắc Ninh nếu không có dịch bệnh sẽ tăng trưởng 20%, nhưng vì dịch bệnh nên chỉ tăng trưởng 10%.

Về xuất nhập khẩu, tổng thể kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn nhập khẩu nên chúng ta có ở trạng thái thâm hụt, nhưng theo GS.TS Trần Thọ Đạt, khi chúng ta đánh giá cán cân thương mại ở quá trình phục hồi của nền kinh tế và các chỉ số kinh tế vĩ mô, nên đánh giá toàn cảnh trong một thời gian dài. Xuất khẩu của chúng ta không tăng nhanh như nhập khẩu do ảnh hưởng bởi dịch ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Khi các khu vực đó phục hồi lại, mức độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sẽ cao hơn.

Tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết ước tính khoảng 26.000 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho những người gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Từ những giải pháp ở tầm vĩ mô cho tới những nhiệm vụ cụ thể nhưng cấp bách, Người đứng đầu Chính phủ luôn sâu sát trong công tác chỉ đạo.

Dưới sự chỉ đạo rất sớm, quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết đã được thảo luận kỹ lưỡng, xây dựng cụ thể để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay, theo tập hợp ban đầu của Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số ước tính khoảng 160 nghìn tỷ chi cho các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động… Trong đó, riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu của Nghị quyết 68 là hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau:

Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Nhìn lại nửa đầu năm, trong bối cảnh khó khăn, ngay khi Chính phủ vừa được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân.

Trong số những những kết quả nhiều mặt đạt được trong 6 tháng đầu năm, riêng về an sinh xã hội, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, điều quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Câu nói của cha ông ta thường xuyên được Thủ tướng nhắc đến tại các cuộc họp về các chính sách hỗ trợ người dân, đó là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người, vì thế những người yếu thế, những người lao động, doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ. Hơn lúc nào hết, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải gần dân, sát dân, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.

Chiến lược vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển ảnh 1
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại điểm tiêm Khu công nghiệp Trà Nóc 1, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Cơ hội mang tên vaccine COVID-19

Trong bối cảnh khó khăn nhưng ngân sách 6 tháng chúng ta vẫn thu được 57,7% do sự phát triển rất mạnh của thị trường chứng khoán… Về chi, chúng ta ưu tiên hàng đầu của tuyến đầu phòng, chống dịch, Chính phủ sẵn sàng bỏ ra 14.000 tỷ đồng để mua vaccine COVID-19.

Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với với tiến độ triển khai vaccine, tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường. Cùng với quá trình phục hồi này, một cơ hội rõ rệt COVID-19 mang lại chính là những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, phương thức làm việc và các mô hình kinh doanh mới sau đại dịch.

Chúng ta đã rất thành công, trở thành một "điểm sáng" trong việc truy vết, cách ly và điều trị trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay chưa bắt kịp tốc độ so với nhiều nước.

Đợt bùng phát dịch thứ 4 là đợt bùng phát rất lớn, phức tạp. Số ca nghi nhiễm nhiều, nhu cầu xét nghiệm sẽ tăng, điều trị sẽ rất vất vả và tốn kém. Đồng thời, số người cách ly tăng lên, số nơi phải phong tỏa cũng gia tăng, tạo gánh nặng rất lớn cả về y tế và kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với nguy cơ tiềm ẩn các "đốm" dịch xuất hiện bất cứ khi nào trong cộng đồng như hiện nay, cần xem vaccine chính là cơ hội hiệu quả để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn về năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế. Nếu tận dụng tối đa năng lực và điều kiện của hệ thống y tế hiện tại, mỗi người đủ 2 mũi tiêm và nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng thì có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày.

Như vậy dự kiến đến hết năm 2021 sẽ thực hiện được miễn dịch cộng đồng. Con số dự kiến này là cao hơn rất nhiều so với tốc độ tiêm chủng trung bình trong thời gian qua. Để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?