Đại diện lãnh đạo tỉnh Ishikawa cho biết cho tới thời điểm hiện tại, chưa thấy có thông tin về người Việt Nam trong thống kê thương vong do động đất. Tỉnh vẫn đang khẩn trương tiến hành công tác thống kê thiệt hại về người.
Đại diện tỉnh cho biết do đặc thù tình hình, công tác thống kê còn có những khó khăn và bày tỏ mong muốn đại sứ quán cùng các hội đoàn người Việt Nam tại địa phương cung cấp thêm thông tin nếu có cho các cơ quan chức năng của tỉnh.
Theo chính quyền tỉnh, trong số khoảng 5.000 người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại Ishikawa, có khoảng 600 người sinh sống và làm việc trên Bán đảo Noto, vùng tâm chấn của trận động đất lớn vừa qua. Tỉnh cho biết đang tích cực triển khai công tác cứu hộ tại các khu vực bị thiệt hại.
Đại diện chính quyền tỉnh bày tỏ cảm kích trước sự quan tâm chia sẻ ngay lập tức của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam đối với sự cố thiên tai tại tỉnh; đánh giá cao việc Đại sứ quán cử đoàn công tác tới địa phương và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về tình hình người Việt Nam tại khu vực thiệt hại.
Đại diện tỉnh ghi nhận và cam kết sẽ chú ý đề nghị của Đại sứ quán liên quan tới việc phối hợp chặt chẽ với các nghiệp đoàn, công ty tiếp nhận thực tập sinh cũng như các nhóm thiện nguyện người Việt Nam trong khu vực để bảo đảm an toàn và cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các thực tập sinh và công dân Việt Nam trong tỉnh.
Trong 2 ngày 1-2/1, tình trạng mất điện, gas và nước xảy ra ở nhiều nơi. Một số nhóm công dân Việt Nam đã gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Nhưng từ ngày 3/1, chính quyền địa phương đã tổ chức điều các xe chuyên dụng cấp nước cho các khu vực khó khăn. Các nhóm cộng đồng Việt Nam tại Ishikawa cơ bản đã được cấp nước phục vụ sinh hoạt cơ bản.
Đoàn công tác của Đại sứ quán đã lắng nghe các đề nghị và thảo luận về phương thức phối hợp với chính quyền sở tại, nghiệp đoàn và hội đoàn người Việt tại địa phương để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho cộng đồng người Việt Nam tại khu vực thiên tai.
Để thực hiện công tác bảo hộ thực tập sinh, người lao động, xác định sự an nguy của thực tập sinh, người lao động Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng và kịp thời ứng phó trước các tình huống khẩn cấp, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh, người lao động thực hiện ngay các công việc sau: Liên lạc ngay với thực tập sinh, người lao động đang làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình người lao động; thống kê số lượng thực tập sinh, lao động đang làm việc bị ảnh hưởng (nếu có) và những khó khăn gặp phải, cần được hỗ trợ gấp.
Đồng thời, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nghiệp đoàn quản lý, công ty tiếp nhận và các bên có liên quan nắm tình hình lao động và phương án ứng phó, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do động đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người lao động như tạm thời không cho ở trong các nhà cũ, không chắc chắn, có nguy cơ đổ sập do động đất...; duy trì liên lạc với thực tập sinh, người lao động để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống động đất, lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp; thông báo tới người lao động số điện thoại liên lạc khẩn cấp tại Nhật Bản của Ban quản lý lao động: +81.70.1479.6888 và Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81.80.3590.9136.