Một ngày cuối thu đầu đông tại Hà Nội, các thành viên lớp KTS 64K, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội gặp lại nhau, hồi tưởng lại kỷ niệm xưa. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, năm nay kỷ niệm đúng 60 năm ngày họ nhập trường đại học, cũng là từng đấy thời gian, tất cả thành viên của lớp tự hào vì những đóng góp tích cực bằng nỗ lực học tập và làm việc chuyên môn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1964, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chọn ra 25 sinh viên trúng tuyển khoa Xây dựng có thi vẽ năng khiếu để chuyển về Lớp Kiến trúc sư thuộc Bộ Kiến trúc. Đến năm 1967, lớp được nhập về Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, rồi năm 1969 Khoa Kiến trúc lại tách riêng thành Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Lớp Kiến trúc sư rất được quan tâm và do một thứ trưởng phụ trách, cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bây giờ với công tác quy hoạch, kiến trúc. Ngày ấy, lớp Kiến trúc sư 64K có 25 người, trong đó gần 1/3 là học sinh từ miền Nam tập kết ra học. Với đầu vào được lựa chọn khắt khe, cộng với yêu cầu cao về mỹ thuật, họ đều là những sinh viên rất xuất sắc, ngoài học giỏi còn có năng khiếu về thẩm mỹ.
Lớp 64K là lớp học đầu tiên và duy nhất học chương trình đào tạo 6 năm, thí điểm đào tạo theo chương trình của Liên Xô. Sinh viên được sự hợp giảng dạy của các thầy giáo kiến trúc sư giỏi tốt nghiệp Trường Đại học Đông Dương như KTS Nguyễn Nghi, Đoàn Văn Minh, Đoàn Ngọ, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh và các thầy giáo vừa đi học ở các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan. Điểm chung của các giảng viên của lớp KTS là dù được tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của các nền giáo dục khác nhau từ châu Âu nhưng đặc biệt chú trọng bản sắc dân tộc, có phương pháp dạy học linh hoạt, không bắt học sinh phải theo một trường phái hay phong cách nào cố định mà tôn trọng sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong lớp.
Trong 2 năm đầu học hội họa, lớp cũng được họa sĩ Đặng Quý Khoa, nhà điêu khắc Trần Tía là những thầy có tiếng, giảng dạy cẩn thận từ chì đến bột màu, nước… Nhờ vậy, trong cả quá trình học và sau này khi làm nghề, tất cả thành viên trong lớp đều ý thức rất rõ về tính độc đáo trong các tác phẩm, sản phẩm của mình. Chỉ cần có ý tưởng trùng với bạn học khác, họ sẵn sàng bỏ bản thiết kế cũ đi để làm lại. Cũng nhờ tình yêu, lòng tự trọng với nghề mà sau 60 năm, dù tất cả thành viên trong lớp đều theo đuổi nghề kiến trúc và những công việc liên quan đến kiến trúc nhưng không một ai bị “đá chân”, “giẫm chân” vào nhau khi hành nghề.
Trong suốt quá trình học tập, lớp 64K đã biến “nguy” thành “cơ” vào khoảng thời gian lớp học buộc phải sơ tán. Vào năm thứ nhất, lớp 64K học tập trung tại bãi Phúc Xá (Hà Nội). Ở Hà Nội được gần một năm, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhà trường phải sơ tán nên cả lớp cũng chuyển đến các vùng quê Thụy Vân (Phú Thọ) và Quế Võ (Bắc Ninh). Điều kiện nơi sơ tán vô cùng thiếu thốn, để bảo đảm an toàn, phòng học được đặt dưới hầm, sinh viên phải ở nhờ nhà dân hoặc các lán trại ngoài đồi cọ. Học cụ thiếu thốn, các thành viên trong lớp còn phải khắc phục khó khăn để theo đuổi đam mê bằng cách thức đêm để vẽ. Đèn dầu thiếu thốn họ thắp đèn thật nhỏ nhưng nhiều lúc mải học, họ chỉ nhận ra mình đã tiến quá sát vào cây đèn dầu leo lét khi mùi tóc bị cháy khét lẹt. Khó khăn là vậy nhưng tất cả lớp 64K đều tham gia trồng cấy gặt lúa, dạy trẻ học giúp dân, sống đoàn kết, giản dị nên được người dân ở các địa phương rất quý.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tất cả thành viên trong lớp có lẽ là họ đã cùng nhau cứu được một người dân bị mắc kẹt thoát khỏi cơn lũ lớn. Khi ấy, các thành viên trong lớp đã giữ giằng tay nhau để tạo thành một tường thành gắn kết không rời, kể cả có lúc nước siết bản thân họ bị nhấc bổng lên, chân không chạm đất. Nhưng khi nghĩ rằng chỉ cần mình buông tay sẽ gây nguy hiểm tới tất cả các thành viên khác, họ lại gồng mình giữ chặt tay những người bạn. Khó khăn, vất vả nhưng với các thành viên trong lớp 64K thời gian đi sơ tán chính là những ngày tháng đáng quý, giúp họ hiểu hơn về thực tiễn, gắn bó chặt chẽ hơn với nông thôn, nông dân. Nét vẽ của họ nhờ vậy mà cũng mang tính thực tiễn và gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam hơn.
Trong điều kiện ấy, thầy trò lớp 64K vẫn hoàn thành các đồ án công trình và đô thị hiện đại. Khoảng thời gian này cũng là những ngày họ thả hồn vào với thiên nhiên, tận hưởng hương đồng gió nội. Nhiều người tranh thủ ngày nghỉ mang giấy bút ra vẽ phong cảnh bởi với những tâm hồn nghệ sĩ, cảnh rừng cọ Phú Thọ hay vùng chiêm trũng Bắc Ninh đều là những cảnh đẹp đầy hấp dẫn.
Năm 1969, trong khi đang làm đồ án tốt nghiệp thì lớp 64K lại được chuyển về Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mới được thành lập. Lớp 64K là khóa đầu tiên làm đồ án tốt nghiệp ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Dù số lượng rất ít, nhưng những sinh viên của lớp như KTS Vũ Đại Hải, Trịnh Hồng Đoàn (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), Hoàng Như Tấn (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Ngọc Bình (nguyên Phó vụ trưởng Văn phòng Chính phủ), Tô Thị Toàn (Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội), Nguyễn Hữu Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ-Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc Trường ĐH Kinh doanh công nghệ), Nguyễn Huy Phổ, Hoàng Nam Sơn, Trần Bút, Nguyễn Kháng Chiến (Giám đốc Sở Xây dựng Long An), Vũ Vinh (Phó giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn)... dù ở cương vị nào cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước từ đó đến nay.
Trong số họ có nhiều người giữ vị trí quản lý; nhiều người có những đóng góp về học thuật, về nghề bằng các giải thưởng quốc tế, quốc gia, đào tạo ra nhiều thế hệ học trò thành danh; già nửa lớp mang học hàm, học vị GS, PGS, TS; có người được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động, Trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu, Người xây dựng Thủ đô nhưng tất cả họ đều yêu thương nhau như những ngày đầu nhập học. 6 năm họ ở cùng nhau, học cùng nhau, miền Nam, miền Bắc đùm bọc, yêu thương. Ngày ấy, mỗi dịp được nghỉ, họ lại đến thăm gia đình một vài bạn, để rồi cả gia đình đều yêu quý các thành viên của lớp như con cháu trong nhà và cả bậc phụ huynh cũng trở nên thân thiết với nhau.
Có lẽ nhờ những kỷ niệm gắn bó ấy mà giờ đây dù đã xấp xỉ tuổi 80 nhưng họ vẫn thường xuyên gặp nhau, nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, tưởng nhớ người bạn kiến trúc sư Đào Ngọc Lũy đã hy sinh trên đường sang làm chuyên gia giúp bạn Lào về quy hoạch; cùng động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, công việc. Nhiều thành viên của lớp vẫn không ngừng hoạt động, cống hiến cho xã hội, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, là tác giả của những công trình khoa học nghệ thuật; miệt mài học tập, làm thiết kế kiến trúc, ra sách, vẽ tranh. Nhiều người vẫn đóng góp tích cực cho các hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị, Hội Bảo tồn di sản...