Sớm chuẩn hóa ngân hàng đề thi
Sau khi Bộ GDĐT công bố đề thi minh họa, đa số các giáo viên đều cho rằng, tỉ lệ kiến thức lớp 10 và 11 trong đề thi tham khảo của các môn chỉ chiếm phần rất nhỏ. Điều này góp phần giảm rất nhiều áp lực cho giáo viên và học sinh.
Dẫu thế, theo các chuyên gia giáo dục, thực tế đã cho thấy, một đề thi phục vụ cho 2 mục tiêu đã tạo ra nhiều bất cập, bởi nếu phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia. Kỳ thi 2018 đã minh chứng cho điều ấy. Khảo sát kỳ thi THPT quốc gia 2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV cũng nhận định rằng, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của Bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp Quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy khó đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.
Về vấn đề này, theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), trong quá trình đổi mới thi cử, việc cần phải cải tổ đầu tiên là việc làm đề thi. Ngân hàng câu hỏi phải được xây dựng từ câu hỏi được thử nghiệm trên chính người học để phân biệt độ khó - dễ khác nhau, sau đó ma trận câu hỏi sẽ chọn đưa vào bài thi.
Trong khi đó, từ năm 2016, Bộ GDĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đề thi, xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện công tác này theo quy trình khoa học, chặt chẽ từ xây dựng ma trận đề thi, công bố đề minh họa, đề thử nghiệm theo môn và theo bài đến xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Cũng theo Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018 – 2020 đã từng được Bộ GDĐT công bố (sau đó ngay lập tức thu hồi), việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 ngốn kinh phí không nhỏ, tới hàng chục tỉ đồng. Và theo lộ trình đổi mới thi cử, kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2020. Bộ GDĐT cho hay, từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình GDPT mới. Nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài trên máy tính.
Như thế, trong vòng 2 năm 2019, 2020 dữ liệu câu hỏi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia có được chuẩn hóa không, hay vẫn điều chỉnh theo từng năm?
Đề thi cũng góp phần chống gian lận thi cử
Về đề thi minh họa THPT quốc gia 2019, cô giáo Nguyễn Quỳnh Mai- Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, so với đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 10% (khoảng 4 câu) và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018. Sự điều chỉnh này tương đối hợp lý nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kỳ thi. Ngoài ra, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.
Trước những giải pháp đổi mới thi THPT quốc gia 2019, những đổi thay trong việc tính điểm xét tốt nghiệp THPT, hướng ra đề…vẫn còn đó những lo lắng về việc phòng chống gian lận thi cử, bệnh thành tích trong việc nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương. Ông Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, vấn đề là nếu chúng ta có đề thi tốt, phù hợp với trình độ học sinh thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Do đó, phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào thì thi mức độ đó. Hiện nay học sinh được đánh giá 70% là khá - giỏi, vậy khi thi phải ra kết quả đó. Chứ lúc học thì được 7-8 điểm, nhưng khi thi chỉ được 3-4 điểm thì rõ ràng thành tích không phù hợp với kết quả thi.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Hòa, nên đánh giá chất lượng giáo dục từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở kỳ thi. Tuy nhiên từ đề thi tham khảo vừa qua, ông Hòa cho rằng Bộ GDĐT đã làm cho kỳ thi thực tế hơn, phù hợp hơn với học sinh, phù hợp với việc dạy và học.
Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), trong quá trình đổi mới thi cử, việc cần phải cải tổ đầu tiên là việc làm đề thi. Ngân hàng câu hỏi phải được xây dựng từ câu hỏi được thử nghiệm trên chính người học để phân biệt độ khó - dễ khác nhau, sau đó ma trận câu hỏi sẽ chọn đưa vào bài thi.