Lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới này, chúng ta thấy Bộ đang chủ trương hướng tới việc đề cao “chương trình” hơn là “sách giáo khoa”. Thế nhưng, đội ngũ nhà giáo vẫn đang còn nhiều người mơ hồ về chương trình bởi họ đã quá quen với sách giáo khoa trong giảng dạy suốt mấy chục năm qua.
Ngay cả khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông mới thì dư luận vẫn hướng vào thị phần của sách giáo khoa. Mấy ngày nay, chúng ta vẫn thấy lãnh đạo của Bộ chia sẻ về việc tổ chức, cá nhân nào chọn sách giáo khoa mà thôi.
Còn nhiều giáo viên chưa rõ cặn kẽ chương trình tổng thể, chương trình môn học
Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua đã khá lâu nhưng đến thời điểm này thì những cụm này có lẽ vẫn xa lạ đối với một số giáo viên.
Các nhà trường thì cũng chỉ mới nói về việc chuẩn bị thay đổi sách giáo khoa, rất ít khi làm rõ được cụm từ “chương trình” khác với “sách giáo khoa” ở chỗ nào. Nhìn chung, nhiều giáo viên vẫn đang mơ hồ về sự khác biệt trong lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây.
Chính vì vậy, chỉ có những giáo viên thường xuyên đọc báo, những giáo viên cốt cán đã đi tập huấn thì mới phân biệt rạch ròi được “chương trình” và “sách giáo khoa” khác nhau như thế nào và lần thay đổi này cái nào quan trọng hơn.
Cái khó là chương trình môn học chi tiết thường rất dài và đọc hết cũng không phải là điều dễ dàng. Vì nó dài nên các báo cũng không thể nào đăng tải chi tiết được mà để ở dạng file nén và tạo liên kết địa chỉ nên số lượng giáo viên đọc chương trình mới phải nói là chưa nhiều.
Chúng tôi đã trò chuyện và tìm hiểu vấn đề này với nhiều giáo viên phổ thông ở các cấp học, giáo viên ở nhiều địa bàn khác nhau. Đa phần đều nhận được câu trả lời là chưa đọc chương trình môn học và đang còn lơ mơ về cụm từ này.
Trong khi đó, một số môn học không còn đứng độc lập nữa mà sẽ tích hợp lại như các môn học ở cấp Trung học cơ sở, đó là: môn Lý, Hóa, Sinh sẽ là môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử Địa lý sẽ là môn Lịch sử và Địa lý.
Ngoài ra còn thêm một số hoạt động trải nghiệm, một số môn học đưa lên, đưa xuống các cấp học khác. Những điều này nhiều giáo viên chưa được rõ tường tận, trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện ở lớp 1 vào năm học tới.
Bộ Giáo dục đang định hướng như thế nào?
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ cũng đã nhiều lần đề cập đến chuyện chương trình và sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng có lẽ chưa liên tục và đồng bộ.
Đáng lẽ ra khi Bộ đã xác định chương trình quan trọng hơn sách giáo khoa thì Bộ cần hướng tới vấn đề quan trọng nhất cho lần thay đổi này là chương trình các môn học.
Thế nhưng, hình như không chỉ giáo viên, dư luận xã hội còn nhiều người mơ hồ về chương trình bởi ngay cả lãnh đạo Bộ cũng chưa chú trọng tuyên truyền về chương trình mà lại đang hướng vào sách giáo khoa nhiều hơn.
Khi trả lời báo chí về thắc mắc về vấn đề kiểm tra trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo.
Chúng ta thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành.
Chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”.
Một khi xác định chương trình quan trọng hơn, sách giáo khoa chỉ là công cụ, là tư liệu cho giảng dạy, học tập và kiểm tra không theo sách giáo khoa mà theo chương trình môn học thì việc định hướng dư luận sẽ đơn giản hơn.
Bởi thực tế, dạy và học hướng vào chương trình, kiểm tra theo chương trình thì sách giáo khoa chỉ là chất liệu để làm sáng tỏ cho chương trình mà thôi. Song, hình như những gì đang diễn ra thì lại không phải vậy.
Sách giáo khoa vẫn rất quan trọng đối với các nhà xuất bản nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có tới 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa được công bố.
Dù chưa đi vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng chúng ta đang thấy những bất cập xảy ra giữa Luật giáo dục năm 2019 và Nghị quyết 88 của Quốc hội cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 ở năm học 2020-2021.
Bởi, theo Luật giáo dục 2019 thì “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn".
Nhưng nếu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì "cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh".
Tuy nhiên, tháng 7/2020 thì Luật giáo dục mới có hiệu lực mà theo lộ trình của Bộ thì tháng 3 thì sách giáo khoa phải chọn xong rồi để tập huấn và chuẩn bị cho năm học mới.
Thiết nghĩ, khi đã xác định “chương trình” quan trọng hơn sách giáo khoa mà lần thay đổi này lại khác hoàn toàn với các lần trước nên Bộ cần tuyên truyền nhiều hơn qua các kênh khác nhau để giáo viên và dư luận hiểu rõ về vấn đề này.
Hơn nữa, khi xác định “chương trình” mới là quan trọng thì việc lựa chọn sách giáo khoa nào, ai là người chọn sách giáo khoa cũng sẽ giản đơn hơn, không phức tạp như những gì mà dư luận đang chứng kiến.