Trong khi đó, một hội đồng cố vấn độc lập của FDA chỉ khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 3 của Pfizer/BioNTech cho những người trên 65 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
FDA khuyến nghị tiêm liều tăng cường Pfizer cho người lớn tuổi
Theo TTXVN, ngày 17/9, một hội đồng cố vấn độc lập của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 3 – liều tăng cường - của Pfizer/BioNTech cho những người trên 65 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Khuyến nghị này thu hẹp đáng kể so với đề nghị trước đó là sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường đại trà cho toàn bộ những người trên 16 tuổi ở Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, mặc dù khuyến nghị của hội đồng cố vấn không có giá trị ràng buộc đối với FDA, nhưng vẫn cần được tham khảo.
Ông Peter Marks thuộc cơ quan quản lý vaccine hàng đầu của Mỹ lưu ý thêm rằng khuyến nghị có thể được điều chỉnh và tùy theo quyết định cuối cùng của FDA, một ban hội thẩm riêng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ tiến hành họp vào tuần tới để quyết định xem những đối tượng cụ thể nào đủ điều kiện được tiêm mũi 3 và tiêm vào thời điểm nào.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo đã sẵn sàng triển khai tiêm mũi thứ 3 từ ngày 22/9 tới, nếu được các cơ quan y tế chấp thuận nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới đang có dấu hiệu gia tăng do sự lây lan của biển thể Delta.
Trước mắt, những nhóm đối tượng được xác định có nguy cơ cao cần tiêm mũi 3 là các nhân viên chăm sóc y tế, người mắc bệnh nền như tiểu đường, tim, béo phì hay có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong 3 loại vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson&Johnson thì hiện mới chỉ có Pfizer/BioNTech được cho phép tiêm mũi thứ 3 cho những người đã tiêm 2 mũi đầu bằng loại vaccine này. Moderna cho biết đã gửi dữ liệu về việc tiêm liều tăng cường hồi đầu tháng nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Trong khi đó, Johnson&Johnson vẫn chưa có động thái nào trong vấn đề này.
Nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch của cơ thể suy giảm theo thời gian, nhưng vẫn đủ khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Dữ liệu tổng hợp của nhà khoa học Sara Oliver thuộc CDC cũng cho thấy khả năng bảo vệ chống lại các ca bệnh nhẹ giảm dần song việc chống lại các ca bệnh nặng vẫn còn hiệu quả.
Nhật Bản sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân từ cuối năm nay
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia của MHLW ngày 17/9 đưa ra kết luận việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết khi các nghiên cứu nước ngoài cho thấy hiệu quả của các loại vaccine hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia này, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các quan chức của MHLW cho biết các phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2. Nhóm chuyên gia của MHLW sẽ thảo luận ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nào trước trên cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm ở các nước khác.
Liên quan tới khả năng tiêm kết hợp vaccine của nhiều nhà sản xuất, MHLW cho biết các mũi 1 và 2 đều phải là vaccine do một hãng sản xuất, nhưng Bộ này sẽ sửa đổi quy định để cho phép người dân được tiêm mũi vaccine tăng cường do hãng khác sản xuất trong một số tình huống nhất định.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.
Ngoài các đối tượng này, vaccine của AstraZeneca còn được sử dụng cho một số trường hợp ngoại lệ như những người dưới 40 tuổi nhưng bị dị ứng với các thành phần của các vaccine của Pfizer và Moderna, hay những người đã được tiêm mũi thứ 1 bằng vaccine của AstraZeneca ở nước ngoài.
Một nhóm nghiên cứu của MHLW đang giám sát các phản ứng phụ của vaccine của AstraZeneca.
Giới khoa học Trung Quốc nghiên cứu về liều tăng cường của vaccine do Sinopharm sản xuất
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm có thể giúp phục hồi mức độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm, sau khi lượng kháng thể này bị giảm xuống vài tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Vaccine của Sinopharm là một trong những vũ khí chính của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19. Vaccine này cũng được sử dụng ở các quốc gia như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Campuchia.
Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho các đối tượng có nguy cơ cao hơn trong dân số, khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng mức độ kháng thể sẽ suy yếu theo thời gian.
Theo kết quả phân tích các mẫu máu của các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine của Sinopharm, khoảng 5 tháng sau mũi thứ 2, nồng độ trung bình của kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ giảm xuống 70% so với thời điểm 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3, nồng độ kháng thể đã tăng trở lại gấp 7,2 lần, so với mức độ ghi nhận ở thời điểm 5 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Mặc dù vậy, nghiên cứu không đề cập liệu những thay đổi về nồng độ kháng thể có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine hoặc cách kháng thể tăng cường hoạt động chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu cũng cho thấy phản ứng của tế bào - một yếu tố quan trọng khác trong hệ thống miễn dịch của con người - cũng được cải thiện sau khi tiêm mũi thứ 3. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Liều tăng cường có thể mang tới phản ứng dịch thể và tế bào một cách mạnh mẽ và nhanh chóng".
Một số loại vaccine khác ngừa COVID-19 cũng cho thấy sự suy giảm về lượng kháng thể theo thời gian và các nhà sản xuất vaccine coi đây là lý do để triển khai thêm mũi tiêm tăng cường. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cần có nhiều dữ liệu hơn để quyết định liệu có cần mũi tiêm thứ 3 hay không.