Kiến thức không có trong sách
Cái chết của cậu bé 6 tuổi trường Gateway (Hà Nội) nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh chưa kịp nguội thì dư luận lại giật mình trước vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng do cô giáo đốt cồn dạy về phòng cháy chữa cháy ở Hà Nam. Hai vụ việc khác nhau nhưng đều khiến cha mẹ học sinh bất an, lo lắng về sự an toàn của con em mình trong trường học, rộng hơn là con đường từ nhà đến trường. Mức độ thường xuyên và liên tục của các vụ tai nạn khiến người ta giật mình về những lỗ hổng trong việc đào tạo kỹ năng phòng chống tai nạn cho trẻ nhỏ.
Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh. |
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH từng kể với phóng viên, cách đây 13 năm, khi ông còn làm Giám đốc Chương trình Quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, ông luôn canh cánh nỗi niềm về sự an toàn của trẻ nhỏ. Ông đã từng làm việc với Bộ GDĐT, cụ thể là Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non... để tìm giải pháp cho sự an toàn của học sinh trong trường học. Nhưng sau chừng ấy năm, chương trình giáo dục vẫn còn thiếu hẳn chương trình giảng dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bài học về cách thoát hiểm, bài học phòng chống xâm hại và bạo lực...
Những câu chuyện đau lòng trên các phương tiện truyền thông đại chúng về trẻ em đuối nước, trẻ em bị ngã từ ban công chung cư cao tầng, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em bị bỏ quên trên ô tô... tất cả đều xuất phát từ việc trẻ em thiếu kỹ năng đối mặt với nguy hiểm. Những kiến thức phòng thân ấy, hoàn toàn không có trong sách vở. Trẻ phải bước ra ngoài vùng an toàn, phải tự học từ cuộc sống. Theo ông An, muốn trẻ có được sự an toàn từ nhà đến trường, thì điều tiên quyết là phải dạy cho trẻ em những kỹ năng tự thoát thân, rơi vào bất cứ tình huống nào cũng phải nhanh trí đối mặt và xử lý.
Thuộc lòng kỹ năng sinh tồn
Bao nhiêu kỹ năng với trẻ là đủ? – Học thoát thân khỏi ô tô đã khóa kín? Học cách sang đường an toàn? Học cách nhận diện đâu là yêu râu xanh?... Rất vô cùng. Ngay cả với người trưởng thành, trang bị được hết các kỹ năng mềm để tự tin sống là điều không tưởng.
Theo TS Vũ Việt Anh, việc dạy trẻ không phải lý thuyết suông, trải nghiệm suông hay bắt con “bơi” trong một “biển” kỹ năng rồi không biết đến bao giờ mới vận dụng kỹ năng đó. Hãy dạy con từ từ, ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ có thể dạy con mọi lúc mọi nơi, linh hoạt khi dắt con sang đườn hay đưa con đi siêu thị… Để có thể tự tin dắt con ra khỏi cửa, hãy dạy con 6 kỹ năng sinh tồn cần phải phòng thân sau:
1. Kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp tai nạn
Các tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ trong cuộc sống, nhưng nếu bình tĩnh xử lý, tỷ lệ an toàn, sống sót của các con sẽ cao hơn. Theo đó, phụ huynhh cần hướng dẫn con ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp trong mọi tình huống. Các kỹ năng xử lý, băng bó vết thương, kỹ thuật ép tim lồng ngực, kỹ thuật chữa nghẹn, hóc... cũng có thể dạy con qua hình ảnh và các câu chuyện mẹ kể mỗi tối.
Ảnh: TTXVN |
2. Kỹ năng phòng chống đuối nước
Phụ huynh nên khuyên các con không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Dạy con chỉ bơi khi có bố mẹ bên cạnh, hoặc ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển.
Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao, mang theo phao bên người.
Hãy dạy con khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn.
Hãy nói rõ nguyên tắc: tuyệt đối con không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
3. Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Hướng dẫn con tham gia giao thông an toàn là một trong những kỹ năng thiết yếu nhất. Dạy con đi đúng luật, hiểu đúng các tín hiệu giao thông và biển báo. Không dàn hàng ngang. Không đua xe, đánh võng, lượn lách… Điều quan trọng là cha mẹ, người thân phải nghiêm túc chấp hành ATGT, làm gương cho con khi tham gia giao thông.
4. Kỹ năng thoát hiểm nhà cao tầng, kỹ năng phòng chống cháy nổ
Đất chật người đông, ở chung cư cao tầng đang là xu hướng phổ biến ở các thành phố lớn. Các khu nhà cao ốc mọc lên san sát nên việc sống, làm việc, di chuyển trong các tòa nhà cần tuân thủ những nguyên tắc an toàn để sống sót. Cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng thoát hiểm khi có thảm họa, chẳng hạn: Gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114. Hoặc có thể dạy con, muốn dập tắt được đám cháy thì chúng ta phải làm giảm hoặc cách ly một trong ba yếu tố gây nên cháy (Nhiệt, Nhiên liệu và Ôxy). Dạy con sử dụng các dụng cụ và vật liệu như cát, bột đá, nước, chăn mền ướt... để thoát hiểm. Hướng dẫn trẻ sử dụng bình cứu hỏa một cách hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
5. Cách xử lý khi phát hiện mùi gas trong nhà
Khi phát hiện có mùi gas trong nhà, phụ huynh hãy dạy con tuyệt đối không bật công tắc điện, cầu dao, kể cả điện thoại di động... điều này sẽ làm chập điện gây cháy nổ. Hãy tìm cách mở tất cả các cửa một cách nhẹ nhàng, tránh gây ma sát cửa. Dùng quạt giấy hoặc dùng các vật liệu nhẹ quạt cho khí gas thoát ra ngoài, làm giảm nồng độ để không thể gây nổ, gây ngạt và ngộ độc gas. Sau công đoạn đó, con mới có thể tiếp cận và khóa van gas, thông báo cho cha mẹ để gọi nhà cung cấp gas đến xử lý. Trường hợp khác, khi phát hiện ngọn lửa cháy trên bình gas không được chạy, nếu chạy ngọn lửa của bình gas sẽ tạo nhiệt và gây cháy các vật xung quanh, hậu quả cực kì nghiêm trọng. Dạy trẻ phải giữ bình tĩnh tìm cách dập ngọn lửa trên bình gas bằng cách dùng bình cứu hỏa xịt trực tiếp vào ngọn lửa hoặc dùng chăn ướt phủ lên. Sau đó, dội nước liên tục làm nguội van bình gas. Van gas lúc này rất nóng nên không thể khóa lại được. Dùng vật tiếp xúc gián tiếp di chuyển bình gas ra nơi thoáng gió, tiếp tục dội nước đến khi khóa được van gas lại. Gọi điện nhà cung cấp gas đến xử lý nốt phần còn lại. Con có thể yên tâm thực hiện các công đoạn này vì bình gas không nổ khi đã cháy.
6. Đề phòng chó và súc vật cắn
Một trong những nguy hiểm rình rập ngoài đường chính là chó và súc vật. Hãy hướng dẫn con tránh xa những con chó lạ. Cha mẹ tuyệt đối giữ cho trẻ an toàn khi tiếp xúc với chó, đừng bao giờ để chúng lại một mình.
Luôn nhắc con đừng bao giờ đùa giỡn khi chúng đang ăn hoặc đang cho con bú. Khi đi qua bất cứ con chó lạ nào, hướng dẫn con nên bước đi chậm rãi và đừng bao giờ cho chúng có cơ hội tiến đến gần. Nếu chó trở nên dữ tợn, thì không nên bỏ chạy hay la hét mà hãy bình tĩnh, bước đi bình thường và đừng nhìn chúng. Khi không may bị chó cắn, cần nhanh chóng sơ cứu, xử lý vết thương.
7. Kỹ năng quản lý cảm xúc
Phụ huynh nên thường xuyên, tâm sự, trao đổi, động viên khích lệ con. Không quá áp lực cho con, so sánh, kỳ vọng vào con. Một trong những điều khiến con có thể tự tin ra đời chính là được bố mẹ tin tưởng.
Hãy luôn cho con thấy cha mẹ tin vào con, tin vào những gì con làm!