Theo thông tin đăng tải trên báo Tiền Phong, trường hợp của thí sinh N.H.N.H ở quận 3 (TP.HCM) đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm mầm non trường ĐH Sài Gòn là một điển hình.
H. dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm môn Văn xét tuyển đại học và kết quả đạt được 3,25 điểm. Trong đợt thi môn năng khiếu, H. đạt kết quả rất tốt, trong đó, môn Kể chuyện - Đọc diễn cảm: 10 điểm và môn Hát - Nhạc: 9,5 điểm. Tổng điểm tổ hợp các môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu của H. đạt là 22,75 điểm.
Ngày 9/8, Trường ĐH Sài Gòn công bố điểm chuẩn, trong đó ngành Sư phạm Mầm non lấy 22,25 điểm. “Đinh ninh đã trúng tuyển, H. và gia đình vui mừng song khi tra cứu tên trong danh sách trúng tuyển thì không có. Lên trường hỏi thì mới biết là H. trượt đại học, không trúng tuyển vào trường ĐH Sài Gòn”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, cha của H. kể lại.
Theo ông Tuấn, sau khi phản ánh với trường ĐH Sài Gòn thì được biết con ông không trúng tuyển do không đạt tiêu chí tuyển sinh ngành sư phạm theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Năm ngoái H. thiếu 0,5 điểm nên không đậu vào ngành Sư phạm Mầm non, năm nay cháu quyết tâm thi lại lần thứ hai và chỉ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Sài Gòn. Giờ không trúng tuyển nên cả cháu và gia đình đều rất hụt hẫng”, ông Tuấn nói.
Điểm chuẩn trúng tuyển của ĐH Sài Gòn |
Tương tự, thí sinh Đ.V.T dự thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm xét tuyển đại học vào ngành Sư phạm Âm nhạc với kết quả môn Văn là 5,5 điểm. T. đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm Âm nhạc (tổ hợp N01) của Trường ĐH Sài Gòn và có kết quả thi năng khiếu khá cao, trong đó môn năng khiếu 1: 8 điểm; năng khiếu 2: 8 điểm. Tổng điểm tổ hợp N01 (gồm môn Văn và 2 môn Năng khiếu) của T. đạt là 21,5 điểm.
Theo điểm chuẩn trường ĐH Sài Gòn công bố, ngành Sư phạm Âm nhạc có điểm trúng tuyển là 18, tức điểm của T. cao hơn 3,5 điểm. Tuy nhiên, T. vẫn trượt ngành Sư phạm Âm nhạc của Trường ĐH Sài Gòn.
T. cho biết, gia đình liên hệ với Trường ĐH Sài Gòn và nhận được phản hồi từ một chuyên viên phòng đào tạo qua Email rằng T. thiếu điều kiện điểm môn Văn. “Theo quy định của Bộ thì các ngành Sư phạm phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng quy định. Trường xét môn Văn theo công thức: điểm môn Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6 trở lên thì mới đạt điểm sàn. Theo cách tính này thì điểm tôi là 5,5+(0,25/3), ít hơn hơn 6”, thí sinh T. cho biết.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh tỏ ra băn khoăn vì quy định “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” ở đâu ra? Không thấy nhà trường thông báo…
Các thí sinh nhập học vào trường ĐH Sài Gòn sáng 12/8 |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Infonet, đại diện trường Đại học Sài Gòn cho biết, nhà trường áp dụng theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về quy chế tuyển sinh ĐH đối với các ngành Sư phạm.
Trong đó có quy định, đối với các ngành đào tạo giáo viên nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này.
Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định. Điểm sàn hệ đại học đối với các ngành Sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì điểm sàn của 1 môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành Sư phạm, trình độ đại học là 6 điểm.
Hai trường hợp thí sinh trên mặc dù tổng điểm cao hơn điểm chuẩn xét tuyển nhưng môn Văn của các em đều không đạt 6 điểm, theo đúng quy chế của Bộ GDĐT, các em không đủ điều kiện trúng tuyển.