Cơn sốt thâu tóm đất trên toàn cầu

(Ngày Nay) - Bà Chhek Sambo mưu sinh trên một mảnh đất bé nhỏ nằm giữa một thung lũng màu mỡ dưới ngọn núi thiêng Phnom Kulen của Campuchia. Trong gần 20 năm, bà cùng các thành viên khác trong gia đình đã cấy lúa, gieo khoai sắn, trồng xoài, chuối và vải trên mảnh đất này...
Bà Chhek Sambo và những người cùng làng
Bà Chhek Sambo và những người cùng làng

Đây cũng là nơi họ nuôi gà, nuôi vịt và chăn bò. Mảnh đất mang đến nguồn thức ăn hàng ngày cho họ, và nghề nông cũng là nghề duy nhất họ từng làm. Không một nơi nào khiến bà cảm thấy gắn bó hơn, và không một điều gì khác bà muốn làm hơn là ngày ngày cuốc đất trên mảnh đất của mình.

Nhưng bà Sambo có một rắc rối không nhỏ: Bà có thể sẽ mất mảnh đất này. Như hàng triệu nông dân nghèo khác ở khắp nơi trên toàn thế giới, bà Sambo và 117 gia đình khác trong làng Skuon không có giấy tờ sở hữu đất chính thức. Và giờ đây, nhiều người đang muốn sở hữu mảnh đất này.

Đó là chuyện thường ngày đang diễn ra ở Campuchia, nơi những vụ việc tranh chấp đất đai đang làm chao đảo cuộc sống và sinh kế của khoảng nửa triệu con người. Phần lớn trong số đó là những nông dân sản xuất quy mô nhỏ tự cung tự cấp. Không có đất, họ không còn cách nào để nuôi sống bản thân dù chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất.

Cơn sốt thâu tóm đất trên toàn cầu ảnh 1

Rất nhiều vụ tranh chấp đất đai ở Campuchia khởi đầu bằng một tờ đơn kiện và sau đó đã dẫn đến những vụ ẩu đả thật sự. Những vụ việc tồi tệ nhất còn dẫn đến thương vong. Những người dân làng thường phản kháng lại khi bị giải phóng mặt bằng, nhưng họ thường chịu thua trước lực lượng thi hành án.

Những người nông dân mất đất ở Campuchia là một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh khủng hoảng nhân đạo ở quy mô toàn cầu. Theo Viện nghiên cứu Chính sách Địa cầu, một làn sóng thâu tóm đất đai đang diễn ra trên khắp thế giới, góp phần thay đổi thế cờ địa chính trị quốc tế. Làn sóng này nổi lên mạnh mẽ kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 kéo theo tình trạng tăng giá lương thực thực phẩm ở khắp các quốc gia.

Những nước xuất khẩu lương thực bắt đầu hạn chế lượng xuất khẩu. Còn những nước nhập khẩu, đặc biệt là các quốc gia giàu có ở vùng Vịnh, thì “hoảng sợ” và tìm cách thuê hoặc mua đất nông nghiệp ở các quốc gia khác để tự sản xuất lương thực thực phẩm cho mình. Những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trong làn sóng này là những nước nghèo như Campuchia, nơi người nghèo vốn đã phải chật vật trong cuộc mưu sinh.

Cơn sốt thâu tóm đất trên toàn cầu ảnh 2

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chính sách, thì trên phạm vi toàn cầu, làn sóng thâu tóm đất nông nghiệp của các tập đoàn thương mại lớn không nhằm mục đích giải quyết vấn đề nuôi sống người nghèo. Theo tổ chức quốc tế về xóa đói giảm nghèo Oxfam, hai phần ba các thương vụ bán đất nông nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ở những nước trong tình trạng nghèo đói kinh niên.

Trong vài năm trở lại đây, có ít nhất hơn 200 triệu ha đất nông nghiệp đã được cho thuê hoặc sang nhượng trên khắp thế giới.

Bà Sambo không hiểu tại sao một đại gia nào đó lại muốn có mảnh đất của mình. Nhưng các nông trang trồng sắn đã mọc lên khắp nơi quanh ngôi làng của bà để đáp ứng nhu cầu từ các nước láng giềng như Thái Lan hay Trung Quốc. Sắn là một trong những nông sản xuất khẩu hàng đầu của Campuchia. Loại củ này được chế biến để sử dụng cho rất nhiều mục đich: từ làm miến cho tới làm keo hoặc sản xuất dược phẩm. Campuchia không có nhiều cơ sở chế biến để sản xuất trên quy mô lớn, nhưng lại có rất nhiều đất để trồng sắn.

Với bà Sambo, việc có được giấy tờ sở hữu đất là mối quan tâm hàng đầu để đảm bảo sinh kế cho gia đình. Ở tuổi 49, bà vẫn luôn sống theo lối tự cung tự cấp. Khi bà còn nhỏ tuổi, thì gia đình bà cũng như rất nhiều gia đình khác đã sống du canh du cư, cứ vài năm lại thay đổi chỗ ở một lập. Cuộc nội chiến bùng lên từ những năm 1960 đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của ngươi nông dân Campuchia. Từ năm 1975 đến năm 1979, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã cố gắng tạo ra một xã hội nông nghiệp không tưởng bằng cách buộc người dân thành thị lao dịch trên các cánh đồng ở nông thôn. Khoảng 1,7 triệu người đã chết vì đói khát, dịch bệnh và bạo lực. Chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 nhờ sự tham gia của Quân tình nguyện Việt Nam, nhưng chiến tranh vẫn còn âm ỉ diễn ra một thời gian dài sau đó.

Khi hòa bình lập lại và người dân lại bắt đầu trở lại canh tác trên đồng ruộng, thì ít người nghĩ tới việc phải có giấy tờ sở hữu đất đai. Việc không có giấy tờ sở hữu cũng là lẽ thường tình tại Campuchia và nhiều quốc gia khác, nơi chiến tranh loạn lạc đã làm đảo lộn cuộc sống người dân: gia đình lưu lạc, nhà cửa bị phá hủy, hồ sơ lưu trữ của nhà nước bị thất lạc. Chỉ đến khi có nhu cầu chuyển nhượng đất, người nông dân Campuchia mới nghĩ đến việc phải đi làm giấy tờ. Và thường thì họ đã quá muộn - một nhà đầu tư giàu có nào đó có thể đã nhòm ngó mảnh đất của họ, thậm trí có thể đã mua nó mà những người làm chủ trên thực tế không hề biết.

Đó chính là những gì đã diễn ra tại ngôi làng nhỏ của bà Sambo. Trưởng làng quyết định bán đất cho một gia đình đại gia giàu có và thế lực. Lo sợ cho sinh kế của mình, bà Sambo cũng những người hàng xóm đã phải dựng lều ngay trên cánh đồng, ăn ở sinh hoạt ngày đêm để bám trụ đất đai. Khi vị đại gia xuất hiện, họ đã cố gắng ngăn chiếc ô tô chở ông. Sambo đã phải ngồi tù 45 ngày, còn chồng bà thì ngồi tù 6 tháng.

Người làng Skuon chỉ đủ ăn hai bữa: sáng và tối. Tương ớt thường xuyên là thứ thực phẩm duy nhất trên bàn ăn. Họ nghèo và đói như hàng triệu người nông dân nghèo khổ nhất của thế giới.

Các vụ tranh chấp đất đai đẩy người nông dân thêm sâu vào tình cảnh khốn cùng. Nhưng quyền sử dụng đất thường ít được nhắc tới trong các cuộc đối thoại quốc tế về an ninh lương thực.

Theo tính toán của các chuyên gia, thế giới cần tăng sản lượng lương thực thêm tới 70% trong tương lai để đáp ứng nhu cầu của 9 tỷ con người. Trào lưu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang diễn ra tại khắp các nước đang phát triển. Nhưng theo chuyên gia Olivier De Schutter, báo cáo viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề quyền lượng thực, thì xu hướng cơ giới hóa và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn sẽ không giải quyết vấn đề xóa đói, mà ngược lại còn có thể khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Đầu tư quy mô lớn vào đất nông nghiệp sẽ không có hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo bằng việc tăng cường khả năng tiếp cận đất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi cho các cộng đồng nông dân địa phương.

Bà Sambo và những người hàng xóm hiểu điều này hơn ai hết, đặt biệt là trong những tháng mùa khô giữa tháng 12 và tháng 5. Giống như hàng triệu nông dân nghèo khác trên thế giới, bà Sambo không có gì ngoài một đôi thùng để gánh nước tưới ruộng. Không có cách gì để trồng lúa nước nếu trời không mưa.

Trong những năm gần đây, người làng Skuon kiếm được ít đồng ra đồng vào nhờ trồng sắn thuê cho một công ty chế biến mới mở. Nhưng không ai hứng thú với điều này. Họ kiếm được tối đa không quá 3 đô la Mỹ một ngày. “Tôi kiếm được vài đồng, nhưng công ty đó lấy đi mọi thứ”, bà Sambo cho biết. Đối với bà, lựa chọn tốt hơn vẫn là được giữ lại nông sản và sự tự chủ trên mảnh đất của mình.

Cơn sốt thâu tóm đất trên toàn cầu ảnh 3

Người làng Skuon vốn mạnh mẽ và tháo vát, họ đã tồn tại qua chiến tranh và diệt chủng. Bà Sambo hình dung về một cuộc sống lý tưởng là khi cả làng có một cái ao lớn để cùng nhau nuôi cá, có đủ nước để trồng lúa trong mùa khô. Trong cuộc sống đó, họ sẽ không phải đi trồng sắn thuê mà có thể nuôi cá để ăn và bán lấy tiền. Bà Sambo cũng hình dung một ngày nào đó, sẽ có các chuyên gia tới hướng dẫn dân làng cách trồng rau và cây ăn quả mang lại sản lượng cao hơn.

Những người nông dân không đòi hỏi tiền bạc. Họ chỉ muốn có được kiến thức và sự tự do. “Tôi chỉ muốn có mảnh đất riêng để nuôi trồng những thứ mình muốn, để tự làm tự ăn”, bà Sambo chia sẻ.

Nhưng ngăn cách bà và ước mơ nhỏ bé ấy không chỉ là một tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn là một cơn sốt thâu tóm đất nông nghiệp vẫn đang sôi sục trên phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc và cuộc "xâm chiếm" đất nông nghiệp toàn cầu

Đối mặt với tình trạng đất canh tác đang bị thu hẹp do phải dành đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và dân số không ngừng tăng cao, hiện tăng tới gần 1,4 tỷ người, Chính phủ Trung Quốc đã và đang ra sức tìm kiếm, thâu tóm và đầu tư vào đất nông nghiệp khắp thế giới.  

Tấm bản đồ thể hiện rõ nét nhất chiếc "vòi bạch tuộc" mà Trung Quốc đang vươn ra để đầu tư và mua lại đất phát triển nông nghiệp được tờ Bloomberg trích dẫn từ Tổ chức nghiên cứu chiến lược độc lập Heritage Foundation có trụ sở tại Mỹ. 

Trang tin này cho rằng chiến lược "xâm chiếm" đất nông nghiệp mà Bắc Kinh thực hiện khá thầm lặng đã kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua. Quốc gia mới nhất mà nước này tiến tới thâu tóm trong lĩnh vực nông nghiệp là Mozambique. Một doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ ra 250 triệu USD để có được 20.000 ha mặt bằng đất nông nghiệp cũng như đầu tư hệ thống tưới tiêu và máy móc để trồng lúa và ngô.  Theo số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, các công ty Đại lục đã chi gần 52 tỷ USD cho các hợp đồng nông nghiệp ở nước ngoài từ năm 2005. 

Trang The Weekend Australia thậm chí còn phát hiện ra sự thật khá bất ngờ. Đó là các công ty Trung Quốc không còn cái thời ồ ạt tới những quốc gia nghèo để thuê hay mua đất nông nghiệp mà chiến lược mới của họ đang dần chuyển sang những nước thuộc hàng phát triển của thế giới. 

Trong 17 hợp đồng nông nghiệp được Trung Quốc thực hiện 2 năm qua, chỉ có 2 hợp đồng ở các nước đang phát triển là Campuchia và Brazil. Trong khi đó, có tới 6 hợp đồng ở Australia. 

Lo sợ trước vấn đề này, chính phủ xứ Kangaroo cũng đã liên tục bác bỏ đề xuất mua lại toàn bộ trang trại của một trong những nhà sản xuất thịt bò lớn nhất Australia S. Kidman. Diện tích trang trại này còn lớn hơn cả đất nước Hàn Quốc. Tờ Bloomberg kết luận, với dân số và sự giàu có không ngừng gia tăng, sự xâm nhập toàn cầu của Trung Quốc vào các hoạt động kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm có thể sẽ còn tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới. Dường như cuộc xâm chiếm này của Trung Quốc mới đang chỉ là sự bắt đầu.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.