1. Một buổi trưa hè năm 2016, giáo sư tâm lý học Jean M.Twenge thuộc Đại học San Diego State (Mỹ) gọi điện cho Athena – một bé gái 13 tuổi sống tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Mỹ. Với giọng ngái ngủ, Athena trả lời giáo sư qua chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) mà em sở hữu từ năm 11 tuổi. Họ trò chuyện về các chương trình truyền hình và bài hát ưa thích của Athena.
Khi được hỏi về điều thích làm cùng bè bạn, Athena trả lời: “Chúng cháu đến siêu thị cùng mẹ, anh trai và đi sau họ vài bước. Cháu chỉ phải nói với mẹ về địa điểm sẽ đến. Cháu phải truy cập mạng trực tuyến từng giờ hoặc 30 phút/lần để thông báo với bạn bè trên mạng xã hội”.
Ảnh minh họa |
Những buổi đi siêu thị cùng gia đình kiểu này không thường xuyên, khoảng 01 lần/tháng. Thay vào đó, Athena và bè bạn đồng trang lứa thường dán mắt vào màn hình smartphone. Không như thế hệ của Giáo sư M.Twenge có thể dành cả buổi tối quây quần bên gia đình, trẻ em Mỹ hiện đại thích trò chuyện trên Snapchat - ứng dụng cho phép người dùng gửi tin nhắn video – hình ảnh và xóa nội dung rất nhanh. Bọn trẻ theo dõi sát sao nhật ký snap (Snapstreaks) để biết rõ chúng đã trao đổi với nhau bao nhiêu lần liên tiếp trên điện thoại. Đôi lúc, bọn trẻ lưu lại màn hình chụp những bức ảnh lố lăng của bè bạn để “hăm dọa” nhau.
Athena cho biết gần như suốt mùa hè chỉ ở lỳ một mình trong phòng với chiếc smartphone. Athena tâm sự:”Thế hệ chúng cháu không có lựa chọn nào khác ngoài cuộc sống gắn với những chiếc máy tính bảng và smartphone. Cháu nghĩ rằng chúng cháu yêu thích điện thoại hơn là yêu thích những con người thực”.
Nghiên cứu về các thế hệ trong nhiều năm qua, giáo sư Jean M.Twenge cho biết sự khác biệt giữa thế hệ Baby Boomer (những người sinh từ 1946 đến 1964) và thế hệ Millennial (những người sinh từ 1980 đến đầu những năm 2000) diễn ra từ từ. Nhưng từ năm 2012, cô thấy có sự thay đổi đột ngột trong hành vi và cảm xúc của lứa trẻ vị thành niên như Athena. Điển hình là tình trạng cô đơn, chán chường, thậm chí tuyệt vọng. Vậy điều gì đã xảy ra vào năm 2012? Đó chính là thời điểm kinh tế toàn cầu vừa trải qua Đại suy thoái, đồng thời là lúc mà số người Mỹ sử dụng smartphone vượt qua tỷ lệ 50%.
2. Giáo sư Jean M.Twenge gọi thế hệ những đứa trẻ sống phụ thuộc vào smartphone, mạng xã hội và các sản phẩm công nghệ khác như Athena là thế hệ iGen. Chúng sinh ra trong giai đoạn 1995 – 2012, là thế hệ đầu tiên trải qua tuổi dậy thì với những chiếc smartphone, có tài khoản Instagram trước khi vào trung học và không hề nhớ cuộc sống trước khi có Internet là gì.
Khác với thế hệ Millennial lớn lên cùng Internet nhưng vẫn chưa bị phụ thuộc công nghệ cả ngày lẫn đêm, thế hệ iGen bị smartphone làm thay đổi triệt để cuộc sống, từ cách tương tác với xã hội cho tới sức khỏe tâm thần. Những thay đổi này tác động tới người trẻ ở mọi gia đình, bất kể giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn. Giáo sư Jean khẳng định: “Ở đâu có sóng điện thoại, ở đó có những đứa trẻ sống dựa vào smartphone”.
Khác với các thế hệ trước, thế hệ iGen tại Mỹ không muốn xa rời vòng tay cha mẹ, ít làm thêm, ít ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay tương tác với xã hội hơn; trong khi chúng thích nhắn tin hẹn hò, yêu đương qua mạng nhiều hơn thế hệ cha anh. Trượt pa-tanh, chơi bóng rổ, bơi lội…dần nhường chỗ cho những không gian ảo trên các trang web và ứng dụng điện thoại. Mặc dù có nhiều thời gian rảnh sống chung với bố mẹ dưới một mái nhà song thế hệ trẻ ngày nay lại ít gần gũi với bố mẹ hơn so với những thế hệ trước.
Athena cho biết: “Cháu chứng kiến bạn bè sống với gia đình. Họ chẳng nói với nhau nhiều, chỉ nói ngắn gọn “Ok, Ok, thế nào cũng được” vì còn bận bịu với smartphone. Họ không tập trung cho gia đình”. Giáo sư Jean cảnh báo: “Khi tuổi teen dành ít thời gian gặp bạn bè trong đời thực hơn, họ sẽ có ít cơ hội thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội. Trong thập niên tới, chúng ta sẽ thấy nhiều người trưởng thành biết chọn đúng emoji (biểu tượng cảm xúc) cho một tình huống nhưng không thể diễn tả cảm xúc đó qua gương mặt của chính họ”.
Theo một thống kê tại Mỹ, năm 2015, học sinh lớp 12 ra ngoài ít hơn so với học sinh lớp 8 năm 2009; năm 2015, chỉ có 56% học sinh trung học ra ngoài hẹn hò, so với tỷ lệ 85% của thế hệ Baby Boomer và thế hệ Gen X (từ 1961 đến 1981); vào năm 2010, chỉ 55% học sinh trung học làm thêm, trong khi vào những năm 70 của thế kỷ trước, tỷ lệ này là 77%. So sánh hàng loạt hành vi của trẻ vị thành niên như: uống bia rượu, hò hẹn, lái xe, sử dụng thời gian không bị giám sát…thì thấy trẻ 18 tuổi hiện nay hành động giống trẻ 15 tuổi trước đây, trẻ 15 tuổi hiện nay hành động giống trẻ 13 tuổi trước đây. Với iGen, tuổi thơ như kéo dài hơn và sự bao bọc cũng lâu hơn. Dù không phải lý do duy nhất song smartphone là một trong những “thủ phạm” của tình trạng “trì hoãn lớn” này.
Ảnh minh họa |
Về mặt tâm lý, thế hệ iGen cũng dễ bị tổn thương hơn thế hệ Millenial; cụ thể: tỷ lệ người trẻ trầm cảm và tự vẫn tại Mỹ tăng vọt từ năm 2011 (lần đầu tiên trong 24 năm, tỷ lệ trẻ tự vẫn cao hơn tỷ lệ trẻ phạm tội giết người). Theo một nghiên cứu, tại Mỹ, học sinh lớp 8 “nghiện” mạng xã hội sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn 27% so với những học sinh thường xuyên chơi thể thao hoặc giao lưu bè bạn ngoài đời. Trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là xem tivi, hơn 3 tiếng/ngày có nguy cơ tự tử cao hơn 35% so với trẻ khác. Không phải phóng đại khi nói rằng thế hệ iGen đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn sự xuống dốc tinh thần này có nguyên nhân từ những chiếc smartphone và mạng xã hội.
Một nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra, trẻ càng dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính bảng và càng ít tương tác cuộc sống thực sẽ càng cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc. Các mạng xã hội hứa hẹn kết nối con người với nhau. Tuy nhiên, thực tế nhiều trẻ thế hệ iGen sử dụng mạng hàng ngày luôn đánh dấu “thích” (like) vào những bình luận kiểu: “Tôi thường cảm thấy cô đơn”, “Tôi thường cảm thấy bị bỏ rơi”, “Tôi ước ao có thêm bạn tốt”…Các em nữ sử dụng mạng nhiều hơn các em nam, do đó hay lo lắng chờ đợi các bình luận và đếm nút like, đồng thời cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn hơn nếu thấy bè bạn phớt lờ mình trên mạng. Giai đoạn 2011 – 2015, tại Mỹ, số lượng học sinh nam có vấn đề về tinh thần tăng 23%, trong khi ở các học sinh nữ, tỷ lệ tăng tới 63%.
Tháng 7/2014, một bé gái 13 tuổi ở tiểu bang Bắc Texas thức giấc với mùi cháy khét của đồ vật. Chiếc di động của em quá nóng và đã tan chảy thành nhiều mảnh. Truyền thông Mỹ đưa tin khiến nhiều độc giả lo lắng di động của họ cũng có thể tự động cháy.
Từ sự việc này, giáo sư Jean đã hỏi nhiều sinh viên tại Đại học San Diego State về việc họ ứng xử thế nào với chiếc smartphone trong khi ngủ. Câu trả lời là: gần ½ số sinh viên ngủ cùng smartphone, đặt di động dưới gối, trên đệm giường hoặc ít nhất có thể với tay lấy di động từ giường ngủ. Họ thường lướt mạng xã hội trước khi ngủ buổi tối và sử dụng di động ngay khi thức giấc buổi sáng; hầu hết lấy di động làm đồng hồ báo thức. Nếu thức dậy giữa đêm, họ cũng phải liếc mắt vào màn hình di động. Một số coi smartphone như bộ phận mở rộng của cơ thể, thậm chí như một người tình.
Mặc dù nhiều người trẻ coi việc gắn chặt với di động lúc ngủ là “sự thoải mái, tiện nghi” song điều này đang khiến giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng. Không như sách, tạp chí có thể dẫn dụ người đọc đi vào giấc ngủ, các thiết bị điện tử và mạng xã hội dường như có khả năng lớn gây rối loạn giấc ngủ. Rất nhiều người trẻ hiện ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng người trẻ cần ngủ khoảng 9 tiếng/đêm. Mất ngủ dẫn tới nhiều vấn đề như: suy nhược hoặc tăng cân, dễ ốm, cao huyết áp, lo lắng, trầm cảm…
Trong các cuộc trò chuyện với giới trẻ, giáo sư Jean thấy có những tín hiệu tích cực khi chính trẻ bắt đầu nhận thức được mặt trái mà smartphone mang lại cho cuộc sống của chúng. Athena nói : “Khi gặp bè bạn, cháu cố nói với họ điều gì đó nhưng họ thực sự không nhìn vào mặt cháu. Cháu cố nói những điều được cho là “siêu quan trọng” với bản thân nhưng họ cũng chẳng thèm nghe. Họ còn bận nhìn vào màn hình di động, hoặc ngắm đồng hồ đeo tay thông minh”. Giáo sư Jean hỏi: “Cháu cảm thấy thế nào?”. Athena đáp: “Đó thực sự là một sự tổn thương. Cháu biết thế hệ cha mẹ không như vậy”.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà công nghệ, trong đó có smartphone và mạng xã hội, mang tới cho nhân loại. Trẻ em có thể dùng smartphone và laptop để tìm thông tin, đọc tư liệu mở rộng kiến thức. Nhưng lạm dụng công nghệ có thể kéo theo hậu quả khôn lường, không chỉ tác động tới cuộc sống của trẻ hiện tại mà còn cả khi chúng trở thành người lớn. Nghiên cứu của giáo sư Jean dựa trên thanh thiếu niên Mỹ, nhưng với sự phổ biến rộng khắp của smartphone ngày nay, đây dường như là một vấn nạn toàn cầu. Theo giáo sư Jean, tất cả những hệ lụy kể trên đủ để các bậc phụ huynh yêu cầu con cái sớm tách khỏi smartphone. Đây cũng là cách mà nhiều lãnh đạo công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, trong đó có cố giám đốc điều hành hãng Apple Steve Jobs, áp dụng.