Internet lên ngôi
Năm 2020 có lẽ là một dấu mốc trong lịch sử ngành giáo dục khi lần đầu tiên học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, và nghỉ tới tận 3 tháng liền. Lần đầu tiên cả nước học trực tuyến. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình đã được thực hiện trên toàn quốc. Từ học trực tiếp truyền thống sang học trực tuyến không chỉ là sự bỡ ngỡ, mới mẻ với học sinh mà cả giáo viên, ngay cả ở khu vực đô thị, các thành phố lớn, chưa nói tới các vùng khó khăn hơn như nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, ba tháng nghỉ dịch COVID-19 cho thấy, các địa phương đã bước đầu bắt nhịp được với phương thức học hiện đại này.
Tại tỉnh Điện Biên, khoảng 73% học sinh bậc trung học phổ thông được học từ xa, qua internet, trên truyền hình. Theo ông Cù Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, đây là nỗ lực rất lớn, bởi Điện Biên là tỉnh miền núi với 40% hộ nghèo, rất nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa chưa có mạng internet, sóng điện thoại tới nơi.
Để triển khai được việc dạy học từ xa, ngành Giáo dục Điện Biên đã tổ chức rà soát tới từng học sinh để nắm được khả năng tiếp cận việc học của các em. Với những trường hợp học sinh không thể học qua internet hay truyền hình, các trường học sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuyển tải nội dung, phát phiếu học tập trực tiếp đến các em.
Với đặc thù một tỉnh với trên 2.000 cơ sở giáo dục, 11 huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều giải pháp để triển khai dạy học từ xa đạt hiệu quả. Đối với việc dạy học qua truyền hình, Thanh Hóa thành lập nhóm giáo viên, tổ chức bài giảng và cho 2 khối lớp 9 và 12 trên Đài Truyền hình Thanh Hóa. “Đối với các khối khác, ở những nơi có điều kiện, ngành giáo dục triển khai dạy học trực tuyến, phối hợp với phụ huynh tăng cường quản lý hỗ trợ học sinh tự học, kể cả bậc mầm non cũng có hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc trẻ”, ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Thi nói.
Tại tỉnh Quảng Nam, 100% các trường học trên địa bàn tổ chức học trực tuyến. Tùy vào vùng miền mà việc học trực tuyến đạt hiệu quả khác nhau. Tại các địa bàn thuận lợi, số học sinh tham gia học trực tuyến bình quân đạt trên 80%, ở vùng khó khăn thì tỷ lệ thấp hơn. Đây là phương thức hoàn toàn mới với rất nhiều giáo viên, học sinh và còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, trong ba tháng nghỉ dịch, giáo dục trực tuyến đã giúp cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh vẫn được triển khai, dù kết quả không bằng học trực tiếp. “Điều quan trọng là duy trì được cho học sinh nền nếp, ý thức học tập trong thời gian nghỉ”, ông Quốc nói.
Bằng cách triển khai dạy trực tuyến, sau khi trở lại trường sau mùa dịch, các nhà trường không cần phải dạy lại toàn bộ kiến thức bị hổng trong ba tháng nghỉ vì dịch bệnh mà chỉ cần hệ thống lại và bổ trợ thêm với các em học sinh không có điều kiện học theo phương pháp này.
Cá biệt như ở Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (thuộc Đại học Sư phạm, Hà Nội), việc dạy và học trực tuyến qua internet được thực hiện triệt để trong suốt thời gian nghỉ dịch. Học sinh không đến trường nhưng không nghỉ học. Các em vẫn lên lớp mỗi ngày, vào 7 giờ sáng, vẫn học các môn theo thời khóa biểu, chỉ có không gian lớp học thay đổi: từ ở trường thành ở nhà, từ trực tiếp sang online. Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành trở thành trường phổ thông duy nhất đã tổ chức lễ bế giảng kết thúc năm học 2019-2020 vào ngày 5/6 vừa qua, trong khi hàng chục triệu học sinh trên cả nước vẫn đang phải tiếp tục đến trường giữa mùa hè và kết thúc năm học muộn hơn, vào ngày 15/7.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định: “Mặc dù vừa qua là giai đoạn khó khăn, nhưng cũng là cơ hội tốt để ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Dạy học từ xa được triển khai từ lâu, nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây lần đầu tiên”.
“Bàn đạp” thúc đẩy cách mạng 4.0
Nghỉ dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội để các nhà trường, địa phương, giáo viên và học sinh thử nghiệm, làm quen với việc học trực tuyến. Từ đó, những điểm tích cực và hạn chế của phương pháp này cũng được bộc lộ. Mỗi nhà trường, địa phương, giáo viên và học sinh cũng có thêm kinh nghiệm để có thể áp dụng tốt hơn phương thức này.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc triển khai dạy và học trực tuyến trên phạm vi cả nước trong thời gian qua đã khẳng định ngành giáo dục, các nhà trường, giáo viên có tiềm năng để có thể triển khai tốt phương pháp này. Thực tế cũng cho thấy phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch, mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Hoạt động dạy và học trực tuyến cũng giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm. “Ngành giáo dục và đào tạo coi đây là cơ hội cùng nhau quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Một buổi học online tại trường ĐH FPT. |
Có những hiệu quả tích cực, nhưng để nhân rộng dạy học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thực tế triển khai trong ba tháng nghỉ dịch cho thấy, hình thức này vẫn chưa thể triển khai đồng bộ được vì nhiều nguyên nhân như đường truyền kém, nhiều gia đình khó khăn không kết nối internet, truyền hình.
Đây cũng là nhận định của bà Nguyễn Thị Thuý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Theo bà Thúy, thường xuyên nghẽn mạng, phần mềm dạy học còn hạn chế, học sinh thiếu trang thiết bị học tập là những hạn chế của học trực tuyến. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho phương thức này cũng chưa có. “Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành hành lang pháp lý trong dạy học trực tuyến, chỉ đạo Bộ ngành liên quan hỗ trợ dạy học trực tuyến về công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu trong dạy và học”, bà Thuý đề xuất.
Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, ông Thái Văn Tài, cho biết Bộ trưởng đã giao Cục Công nghệ thông tin hoàn thiện quy chế quản lý dạy học trực tuyến trong thời gian tới. Quy chế tạo ra hành lang pháp lý, hình thức dạy học trực tuyến được luật hoá, quy phạm hoá và được công nhận kết quả. Sau đó, Vụ sẽ xây dựng thông tư và có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học. “Vụ Giáo dục Tiểu học sẽ hoàn thiện dự thảo thông tư này trước thềm năm học mới để lấy ý kiến các nhà giáo, sở giáo dục và đào tạo và các nhà trường về vấn đề này”, ông Thái Văn Tài cho biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ sớm có hướng dẫn quy trình dạy học trực tuyến, trong đó đưa ra các quy chuẩn công nghệ dạy và học theo hình thức này để các địa phương có căn cứ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hướng dẫn cũng đặt ra các yêu cầu về học liệu, giáo viên để làm căn cứ xây dựng, phát triển các kho học liệu hiện có và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về dạy học trực tuyến. Nếu phối hợp tốt giữa giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến sẽ giảm áp lực công việc rất lớn cho giáo viên.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức thí điểm mô hình dạy học trực tuyến tại 5 tỉnh (gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái và Thành phố Hồ Chí Minh) với khoảng 20 trường học. Qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng, với sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều công ty công nghệ lớn, các nhà mạng. Đây được coi là bàn đạp để giáo dục tiến gần hơn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.