Theo báo cáo Các Chỉ số chính châu Á-Thái Bình Dương 2022, tăng trưởng kinh tế của khu vực năm nay được chờ đợi sẽ giảm bớt tình trạng nghèo đói cùng cực (sống với mức dưới 1,90 USD/người/ngày) xuống mức đáng lẽ đã đạt được vào năm 2020 nếu đại dịch COVID-19 không xảy ra. Báo cáo cho biết đại dịch đã làm gián đoạn xu hướng giảm nghèo lâu dài ở châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và việc hạn chế tiếp cận với mạng lưới an sinh xã hội.
ADB đã từng cảnh báo rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự chậm lại rõ rệt trong các Mục tiêu phát triển bền vững do khu vực này đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc không thể tránh khỏi sự chậm trễ trong việc đạt được các mục tiêu giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội cũng như cải thiện tính dịch chuyển xã hội (sự di chuyển của các cá nhân, gia đình, hộ gia đình hoặc các tầng lớp trong một xã hội). Báo cáo nêu rõ quá trình phục hồi có thể không phù hợp với nhiều nền kinh tế khu vực trong khi đại dịch có thể gây tác động nghiêm trọng hơn không chỉ đối với thu nhập của người dân mà còn tình trạng nghèo đói, như mất an ninh lương thực và việc tiếp cận thiếu bình đẳng với các dịch vụ y tế và giáo dục.
Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB nhận định người nghèo và những người dễ bị tổn thương là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19, trong khi các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, nhiều người có thể nhận thấy việc thoát khỏi đói nghèo trở nên khó khăn hơn trước đây.
Theo báo cáo, đến năm 2030, tỷ lệ nghèo cùng cực tại châu Á-Thái Bình Dương dự kiến giảm xuống dưới 1%. Cũng trong thời gian này, dự báo khoảng 25% dân số tại khu vực được coi là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, báo cáo cho biết triển vọng này đang bị đe dọa bởi sự khác biệt về tính dịch chuyển xã hội và những bất ổn khác, chẳng hạn như khả năng suy thoái, lạm phát, xung đột đang diễn ra liên quan đến các tác nhân chính trên toàn cầu, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng và các cú sốc về giá năng lượng.