Các nhà di truyền học đã tìm ra chứng cứ cho thấy rằng hơn 800 triệu đàn ông châu Á hiện nay là hậu duệ của 11 nhà lãnh đạo thời xưa, trong đó có cả Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn.
Các nhà khoa học đã phân tích nhiễm sắc thể Y của hơn 5.321 người đàn ông châu Á từ 127 cộng đồng khác nhau trên khắp châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mông Cổ, Trung Đông. Sở dĩ nghiên cứu nhiễm sắc thể Y vì đó là thứ chỉ tồn tại trong cơ thể đàn ông.
Sau khi phân tích, kết quả cho thấy 11 trình tự sắp xếp đặc biệt phổ biến nhất trong nhiễm sắc thể Y của nam giới châu Á, tức là chúng thuộc về 11 người đàn ông đã sống từ những năm 2100 trước Công nguyên. Chắc chắn họ phải có vai trò lãnh đạo mới có thể sinh nhiều con như vậy.
Mười một cụ tổ của hơn 800 triệu đàn ông châu Á chính là Thành Cát Tư Hãn cùng 10 nhà lãnh đạo khác. Họ nhận thấy rằng 37,8% trong số hơn 5.000 người đàn ông trong nghiên cứu trên là hậu duệ của một người trong số 11 cụ tổ trên.
Nếu áp dụng tỉ lệ này với toàn bộ dân số châu Á thì có nghĩa là khoảng hơn 830 triệu nam giới châu Á hiện nay đang mang nhiễm sắc thể Y của một trong số 11 nhà lãnh đạo này.
Giác Xương An (mất năm 1583) được cho là một trong số những người có hàng triệu hậu duệ. Theo một nghiên cứu trước đó, ông là tổ tiên của hơn 1,5 triệu người ở Trung Quốc và Mông Cổ hiện nay. Cháu nội của Giác Xương An là người sáng lập triều đại nhà Thanh, cai trị Trung Quốc từ những năm 1644 tới 1912.
Giác Xương An có rất nhiều vợ và các thê thiếp nên khả năng ông là một trong số 11 người có nhiều hậu duệ châu Á nhất.
Bản đồ này cho thấy 10 trong số 11 dòng họ đã phát tán nguồn gen như thế nào qua các châu lục với những khoảng thời gian tương ứng.
Một nghiên cứu khác năm 2003 từng kết luận rằng khoảng 16 triệu đàn ông châu Á là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn (1163-1227), người đã sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ và chinh phục những vùng đất láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan, Triều Tiên, Iran, miền nam nước Nga, Đông Âu hiện nay.
Đế chế của ông đã tồn tại trong suốt 80 năm và trải dài từ Á sang Âu. Điều đó đồng nghĩa với việc hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn có rất nhiều cơ hội để phát tán gene của họ. Với các căn cứ trên, các nhà khoa học cho rằng có thể Thành Cát Tư Hãn chính là tổ tiên của 830 triệu đàn ông châu Á.
Tom Robinson, một giáo sư ngành kế toán tại Anh, là người đàn ông đầu tiên không sinh sống ở châu Á được xác định là mang nhiễm sắc thể của Thành Cát Tư Hãn. Tổ tiên mấy đời của ông đến từ vùng Caucacus, gần Biển Đen.
Giáo sư Mark Jobling, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết ông và các cộng sự cần phải nghiên cứu thêm trước khi xác định chính xác 11 người đàn ông có hậu duệ đông nhất ở châu Á là ai.
“Việc sinh đẻ nhiều con thường gắn với những người có địa vị xã hội cao. Những người đàn ông có quyền lực lớn và khả năng sinh sản cao thường có nhiều vợ và thê thiếp”, giáo sư Mark bình luận trong một báo cáo trên tạp chí European of Human Genetics.
Bên cạnh đó, có thể một người khác trong số 11 người đàn ông trên đã từng sống vào khoảng những năm 700TCN ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, và một cụ tổ khác đến từ Iran, sống khoảng những năm 1100.
Những hậu duệ ở khu vực Đông Nam Á và lân cận có thể có chung tổ tiên sống vào khoảng thời gian từ năm 2100TCN tới 1500TCN. Thời gian này những người nông dân đã di cư khắp nơi từ Myanmar sang Lào, Thái Lan và Campuchia.
Hiện tại, cách duy nhất để xác định chính xác danh tính của 11 người đàn ông trên là tìm hài cốt của họ, lấy mẫu ADN và tiến hành phân tích. Nếu ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn được khai quật thì các nhà khoa học có thể xác định quan hệ giữa ông và hàng triệu hậu duệ của ông trên toàn thế giới.
Danh Tuyên (theo Daily Mail)