Cử tri đoàn, tội đồ và niềm hy vọng cuối cùng

(Ngày Nay) - Phiếu đã đếm. Kẻ thắng đã nổ sâm banh. Người thua đã thừa nhận thất bại. Quá trình chuyển giao quyền lực đã được kích hoạt giữa chủ nhân Nhà Trắng và chủ nhân của Trump Tower.
Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống mới đây.
Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống mới đây.

Những cuộc biểu tình ồn ào đang diễn ra, như đã diễn ra trong rất nhiều cuộc bầu cử trước đó. Người ta thường nhìn vào những cuộc biểu tình như một sự bày tỏ thái độ cuối cùng của những cử tri bất mãn, hay một dấu chấm than nhiều cảm xúc đánh dấu sự kết thúc một mùa bầu cử.

Sau tất cả những điều này, mọi thứ dường như chỉ còn là vấn đề thủ tục: Cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu chính thức hóa chiến thắng của Donald Trump vào cuối tháng 12. Và tháng đầu tiên của mùa xuân năm sau sẽ là lễ tuyên thệ nhậm chức.

Nhưng đối với rất nhiều người Mỹ, thì cuộc bầu cử ồn ào vô tiền khoáng hậu này vẫn chưa hẳn là kết thúc. Tuần qua, hơn bốn triệu người đã ký một thỉnh nguyện thư yêu cầu Cử tri đoàn - một tập hợp gồm 538 công dân Hoa Kỳ có đặc quyền đưa ra lựa chọn cuối cùng của cử tri - lật ngược bàn cờ để đưa Hillary Clinton vào Phòng bầu dục thay cho Donald Trump. Rất nhiều người khác, bao gồm cả những chính trị gia nổi bật như Bernie Sanders, thì quay sang chỉ trích vai trò của Cử tri đoàn trong việc “đánh cắp” chiến thắng của bà Clinton - người giành được nhiều lá phiếu phổ thông hơn.

Cử tri đoàn - một thiết chế bầu cử được lập ra từ 200 năm trước - bỗng chốc vừa trở thành tội đồ, lại vừa trở thành niềm hy vọng cuối cùng của những cử tri Mỹ còn đang bàng hoàng và kinh hãi trước chiến thắng mà họ không thể ngờ được của “kẻ ngoại đạo” Donald Trump.

Cử tri đoàn, tội đồ và niềm hy vọng cuối cùng ảnh 1Bà Hillary Clinton vẫn còn chút ít cơ hội lật ngược thế cờ.

Cử tri đoàn là ai?

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 vừa qua, trên thực tế, đã không có lá phiếu nào được bỏ cho Donald Trump hay Hillary Clinton. Thay vào đó, họ đi bỏ phiếu cho 538 vị trí trong Cử tri đoàn - 538 đại cử tri có uy tín, đủ tư cách để thay mặt họ bỏ lá phiếu chính thức bầu ra Tổng thống. Số lượng đại cử tri được phân bổ cho mỗi tiểu bang bằng tổng số lượng hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ đại diện cho bang đó tại lưỡng viện Hoa Kỳ. Trong hạ viện Hoa Kỳ, số lượng nghị sĩ của mỗi bang tối thiểu là một người và tỉ lệ thuận với dân số của bang đó, còn trong thượng viện, mỗi bang bất kể lớn nhỏ đều có hai nghị sĩ đại diện.

Tại các tiểu bang, các đảng chính trị có ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng sẽ tiến cử các ứng viên đại cử tri của mình, dựa trên tiêu chí hàng đầu là lòng trung thành với đảng. Đại cử tri không được bầu riêng lẻ mà bầu theo nhóm: Nhóm đại cử tri của Donald Trump, nhóm đại cử tri của Hillary Clinton, và các nhóm đại cử tri của ứng cử viên tổng thống từ các đảng nhỏ khác. Tại hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ, nguyên tắc bầu đại cử tri là “được ăn cả, ngã về không” - nhóm đại cử tri chiến thắng sẽ giành được quyền định đoạt toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, trên toàn quốc, số lượng phiếu của cử tri bầu cho các nhóm đại cử tri của Hillary Clinton - hay còn gọi là số phiếu phổ thông dành cho bà Clinton - vượt hơn số phiếu giành cho Tổng thống đắc cử Donald Trump khoảng gần 1 triệu lá phiếu. Hay nói cách khác, bà Clinton mới chính là người được cử tri Mỹ lựa chọn làm tổng thống. Tuy nhiên, Cử tri đoàn cùng với nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” đã cắt đứt con đường tới Nhà Trắng của nữ chính trị gia, khi đối thủ của bà đã giành được khoảng hơn 300 đại cử tri, vượt xa ngưỡng quá bán là 270 để giành chiến thắng.

Nhưng điều đang nhen nhóm lên hy vọng trong những người ủng hộ bà Clinton là thực tế rằng lá phiếu đại cử tri chưa được chính thức bỏ vào hòm phiếu. Cuộc bỏ phiếu vốn được coi là chỉ mang tính thủ tục này sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 12 tới. Trong lúc này, họ đang mong chờ một hiệp sĩ giáp trụ sáng bóng sẽ xuất hiện trong hình dạng những đại cử tri “bất tín” - những đại cử tri đã cam kết bầu cho Donald Trump, nhưng sẽ quyết định bỏ phiếu cho Hillary Clinton.

Cử tri đoàn, tội đồ và niềm hy vọng cuối cùng ảnh 2Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử gây tranh cãi .

Hillary Clinton liệu có thể lật ngược bàn cờ?

Trên nguyên tắc, việc Cử tri đoàn “lật Trump phù Clinton” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ở cấp độ liên bang, Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép đại cử tri toàn quyền bỏ phiếu theo ý muốn của mình. Ở cấp độ tiểu bang, chỉ có 30 trong số 52 tiểu bang của Hoa Kỳ có luật bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu đúng cam kết. Ngay cả tại bang này, đại cử tri cũng có thể phá luật để “bất tín” và chỉ cần phải nộp phạt một khoản tiền không lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, triển vọng bà Clinton chuyển thắng thành bại cũng mong manh như triển vọng bà thắng giải xổ số Powerball của Hoa Kỳ.

Trước hết, để lật ngược thế cờ, Hillary Clinton cần tới sự ủng hộ của khoảng gần 40 đại cử tri “bất tín” để đánh tụt số phiếu đại cử tri dành cho ông Trump dưới mức 270 phiếu - đây là điều chưa từng diễn ra trong suốt 200 năm lịch sử tuyển cử của Hoa Kỳ, kể cả trong những giai đoạn đất nước này bị chia rẽ sâu sắc nhất dưới chế độ nô lệ. Đại cử tri là những đảng viên trung thành được chọn lọc kỹ lưỡng và trong đa số trường hợp, họ đều bầu cho ứng cử viên mà mình đã cam kết sẽ bầu. Lịch sử tuyển cử Hoa Kỳ ghi nhận một số trường hợp cử tri “bất tín” - do nhầm lẫn hoặc do thực sự bất mãn - nhưng tất cả những trường hợp này đa phần đều không đủ để làm thay đổi cục diện kết quả các cuộc bầu cử Tổng thống.

Trong cuộc bầu cử năm nay, ông Donald Trump với tư cách một “kẻ ngoại đạo” đã có nhiều hành động và phát ngôn khá chướng tai gai mắt đối với các chính trị gia Cộng hòa, đặc biệt là những người theo đường lối bảo thủ. Không khó để đưa ra nhận định rằng, trong số các đại cử tri của phe Cộng hòa sẽ có những người cho rằng việc bỏ phiếu cho ông Trump là trái với “lương tâm và trách nhiệm”, và sẽ nghiêm túc cân nhắc việc bỏ một lá phiếu “bất tín”. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp số lượng phiếu “bất tín” có đủ, thì một điều khá chắc chắn là đa số phiếu “bất tín” này sẽ không được bỏ cho bà Clinton mà sẽ được bỏ cho ứng cử viên Phó Tổng thống phe Cộng hòa Mike Pence hoặc ứng cử viên của một đảng nhỏ khác. Trong trường hợp này, khi không còn ứng cử viên nào giành được quá bán số phiếu đại cử tri, thì việc quyết định ai là Tổng thống sẽ nằm trong tay Hạ viện Hoa Kỳ.

Và với việc phe Cộng hòa đã nắm cả lưỡng viện Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử vừa qua, thì việc một hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát lựa chọn ra một Tổng thống phe Dân chủ là một giấc mơ viển vông. Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống có thể là một thực tế đắng ngắt với nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, nhưng việc bỏ phiếu lựa chọn bà Hillary Clinton cũng là một điều hổ thẹn không kém. Suy cho cùng, một Hillary Clinton với khá nhiều “phốt” và tì vết trong suốt 30 năm hoạt động chính trị chưa đủ thuyết phục để các nghị sĩ Cộng hòa vượt qua giới hạn của lòng trung thành với đảng của mình.

Cử tri đoàn - tồn tại hay không tồn tại?

Ông Donald Trump không phải Tổng thống đắc cử đầu tiên được hưởng lợi từ Cử Tri Đoàn. Trước ông, một ứng cử viên khác cũng thuộc phe Cộng hòa là cựu Tổng thống George W. Bush (con) đã giành chiến thắng trong một tình huống thậm chí còn trớ trêu hơn. Trong cuộc bầu cử năm 2000, đối thủ Al Gore thuộc đảng Dân chủ đã giành được nhiều hơn Bush (con) hàng triệu phiếu phổ thông. Nhưng Al Gore đã thua cuộc khi mất toàn bộ phiếu đại cử tri của bang Florida trong một cuộc đua mà số phiếu chênh lệch chỉ xấp xỉ 500.

Thất bại của Al Gore, và giờ đây là của Hillary Clinton, đã làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trong xã hội Mỹ rằng Cử tri đoàn có nên tồn tại. Trong cả hai trường hợp này, một điều được coi là “phi dân chủ” đã diễn ra khi người ít được cử tri cả nước ủng hộ hơn lại giành chiến thắng trước người được ủng hộ nhiều hơn.

Cử tri đoàn cũng được nhiều người nhận định là bất công về mặt phân bổ quyền lực lá phiếu. Nguyên tắc phân bổ đại cử tri cho các tiểu bang không hoàn toàn theo tỉ lệ dân số của bang đó, dẫn đến việc lá phiếu cử tri tại những bang thưa người có sức nặng hơn lá phiếu của các bang ven biển đông dân. Một lá phiếu của cử tri Florida có thể chỉ có giá trị bằng 1/3 lá phiếu của cử tri tại những bang ít dân cư nhất đất nước.

Một trong những điều bất cập khác của Cử tri đoàn là hệ thống bầu cử này khiến cho quyền lựa chọn gần như chỉ thuộc về khoảng 15 tiểu bang - thường được gọi là “bang chiến địa” hoặc “bang dao động”. Lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống trước đây của Mỹ cho thấy một số tiểu bang đã nhất quán bầu cho ứng cử viên thuộc một đảng chính trị nhất định trong mọi cuộc bầu cử: New York, California và nhiều bang ven biển cả bờ Đông và bờ Tây thường chỉ bầu phe Dân chủ, trong khi Texas, các bang miền Nam, các bang vắng người miền Trung Hoa Kỳ phần lớn chỉ bầu cho phe Cộng hòa. Không giống như tại những tiểu bang này, cử tri tại các tiểu bang “chiến địa” khó lường hơn - họ có thể lựa chọn Cộng hòa trong kỳ này, có thể chọn Dân chủ cho kỳ sau. Bởi vậy, hầu hết các nỗ lực tranh cử đều tập trung ở bang “chiến địa”, trong khi các cử tri có lá phiếu trái chiều tại các bang “Dân chủ” và bang “Cộng hòa” đều không tránh khỏi cảm giác lá phiếu của mình vô giá trị.

Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác thì cho rằng Cử tri đoàn là một hệ thống bầu cử độc đáo, phù hợp và cần thiết cho đất nước Hoa Kỳ. Những người thảo ra bản hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ đã cân nhắc xây dựng lên một hệ thống chính trị với những nguyên tắc đảm bảo quyền lực không tập trung quá nhiều vào tay đối tượng nào, mà được phân chia đều từ cử tri, tới cấp tiểu bang, liên bang và các nhánh lập pháp, hành pháp. Cử tri đoàn được coi là một trong những nguyên tắc này. Các tiểu bang là nền tảng cấu thành nên một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và việc đảm bảo quyền lực cũng như sự tự chủ của các tiểu bang là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo sự hòa hợp, thống nhất của toàn liên bang. Hệ thống Cử tri đoàn tăng quyền lực lá phiếu cho cử tri tại các bang thưa dân, khiến cho những bang này không bị lép vế, thua thiệt trước những bang lớn hơn trong việc đưa ra một quyết định chung quan trọng của đất nước. Nói cách khác, hệ thống Cử tri đoàn đảm bảo rằng Tổng thống là người được đa số các tiểu bang lựa chọn, nhưng không nhất thiết phải trùng hợp với người được đa số công dân Hoa Kỳ lựa chọn.

Nối dài những chia rẽ

Như những cuộc tranh luận về vấn đề bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu nghèo…, cuộc tranh luận về vai trò của Cử tri đoàn đang nối dài thêm những chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ trong suốt và sau cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, với việc phe Cộng hòa nắm cả ba nhánh quyền lực Chính phủ - Thượng viện - Hạ viện, thì trong nhiệm kỳ tới, Cử tri đoàn sẽ tiếp tục là một thể chế tuyển cử mang tính trụ cột trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Hệ thống Cử tri đoàn sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều thập kỷ tới cũng chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, có một câu trả lời đã khá rõ ràng: Chiến thắng của Donald Trump là không thể đảo ngược. Hillary Clinton đã thật sự thua cuộc.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.