Tại tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), cho rằng mạng Internet có thể đem lại nhiều lợi ích tuy nhiên những rủi ro của nó cũng rất đa dạng và hiện hữu. Ví dụ như bị rò rỉ thông tin cá nhân, bị bắt nạt, xâm hại trên môi trường mạng…
Những rủi ro này sẽ luôn luôn phát triển và không chừa một ai. Vì vậy, chúng ta cần hiểu được căn nguyên và cách thức để có thể ngăn chặn kịp thời và hợp lý. Trẻ em ngày nay đang sống trong thời đại công nghệ số, sử dụng công nghệ rất thành thạo. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng nên khả năng các con phải đối mặt với rủi ro trên môi trường mạng vẫn rất cao.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết trong tháng 5/2021 có khoảng 40 cuộc gọi đến Tổng đài 111 để thông báo về những trường hợp trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng; 30 cuộc gọi phản ánh về các kênh, clip (phim ngắn) có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Khi nhận được các thông tin thông báo, Tổng đài đã nhanh chóng chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng để lập tức xử lý. Trong tháng 5/2021, Tổng đài 111 đã kết nối với các địa phương và cơ quan chức năng để hỗ trợ can thiệp cho 4 trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Minh Tiến cho biết việc ban hành chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Ông Hoàng Minh Tiến khẳng định, chương trình có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch. Một trong những giải pháp quan trọng của chương trình là việc trang bị bộ kỹ năng số cho trẻ em.
Đó là trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng để tự nhận diện các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng, từ đó có những hành động thích hợp. Bộ kỹ năng số này như một cách giúp trẻ hình thành “hệ miễn dịch số” để có thể tương tác lành mạnh và được bảo vệ trên môi trường mạng.
Trong cuộc sống thực đã có rất nhiều các thiết chế để bảo vệ trẻ em từ gia đình, trường học, người thân, bạn bè và sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - một vấn đề vẫn còn khá mới ở Việt Nam rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Minh Tiến nhấn mạnh,
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần sự vào cuộc của nhiều bên chứ không chỉ các cơ quan nhà nước.
Hiện nay, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có sự tham gia của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh đó có các doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông (chịu trách nhiệm đem đến các sản phẩm, nội dung cho trẻ em) và các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội. Rất nhiều kênh, tổ chức và cá nhân khác nhau, dù chưa có tên trong Mạng lưới nhưng nếu có những kiến nghị hay bắt gặp những nội dung không phù hợp, thì đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để góp phần nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.