Cúng Táo quân (ông Công ông Táo) là tục lệ truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Trao đổi, tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định trong cuộc sống hiện đại, người dân có hai khuynh hướng về việc cúng ông Công ông Táo.
Khuynh hướng thứ nhất là quá coi trọng chuyện cúng tế mà quên rằng trong việc này, sự thành tâm mới là thước đo chứ không phải giá trị vật chất. Nhiều người làm lễ rất lớn nhưng không hề có sự thành tâm.
Khuynh hướng thứ hai là quá coi thường nghi thức thờ cúng ông Công ông Táo. Nhiều người viện lý do công việc bận rộn để cúng tế qua loa.
Hình ảnh Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ. |
Theo tiến sĩ Hồng, lễ nghi, cúng tế không cần quá rườm rà nhưng phải chỉn chu và cần sự tôn kính, thành tâm. Để không hiểu sai về tục cúng ông Công ông Táo, trước hết, người dân phải biết về nguồn gốc của tục lệ này của dân tộc.
Nữ giảng viên cho biết tục thờ cúng Táo quân của người Việt bắt nguồn từ 3 cơ sở: một là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi phát triển; hai là dựa trên cơ sở sản xuất của nông nghiệp lúa nước; ba là tín ngưỡng thờ đa thần, thờ cúng Táo quân thực chất là thờ cúng Thần Lửa.
“Vì nguồn gốc là thờ thần lửa nên người Việt thường thờ ông Công ông Táo ở 2 nơi, trên bàn thờ và trong bếp. Cũng vì nguồn gốc này mà người miền Nam khi cúng thường đốt lửa thật to, bật bếp gas hết cỡ”, cô Hồng nói.
Từ nguồn gốc là thờ thần lửa, về sau, phân hóa thành 3 vị thần gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Đây là 3 vị thần quan trọng, giữ trách nhiệm trông coi chuyện bếp núc, đất đai và các công việc trong gia đình.
Phóng sinh cá chép
Về nghi lễ cúng ông Công ông Táo, tiến sĩ Hồng cho hay người dân Việt thường cúng vào ngày 23 hoặc 22 tháng Chạp. Trong nghi lễ, bắt buộc phải có tam sinh là gạo sống, thịt sống và cá sống. Đây là đại diện cho 3 phức hợp văn hóa ở miền núi, vùng biển và đồng bằng. Con số 3 còn đại diện cho sự sinh sôi phát triển.
Ngoài ra, việc cúng đồ sống còn thể hiện sự kính trọng, khẳng định sự quan trọng không thể thiếu của thần lửa trong cuộc sống của con người.
Người Việt quan niệm mỗi ngày các vị thần giúp con người nấu chín thức ăn 3 lần, khi đó, quần áo của họ cũng bị cháy hết. Vì vậy, khi cúng, người dân thường chuẩn bị 3 bộ trang phục cho các vị thần để họ đi gặp Ngọc hoàng Thượng đế.
“Lễ cúng Táo quân càng đặc biệt ý nghĩa, linh thiêng hơn khi đây là ngày duy nhất trong năm, người Việt có thể sửa soạn, thay đổi bàn thờ ông bà tổ tiên sau khi cúng”, nữ tiến sĩ thông tin.
Cá chép được thu hoạch trước ngày Táo quân về trời. |
Về nguồn gốc việc cúng cá chép trong ngày này, tiến sĩ Hồng thông tin cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng, rồng có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước.
Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự sinh sôi, phát triển vì khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tình ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.
Tuy nhiên, nghi thức phóng sinh cá chép sau khi cúng ngày nay bị biến tướng, gây nhiều hệ quả. “Nhiều người có hành vi vứt rác bừa bãi sau khi thả cá chép. Hành vi đó không chỉ xả rác ra môi trường gây ô nhiễm mà còn khiến nghi thức thờ cúng Táo quân trở nên thế tục hóa, mất đi ý nghĩa linh thiêng. Vì vậy, chúng ta cần lên án, phê phán hành vi này”, tiến sĩ Hồng nhấn mạnh.
Lễ cúng ông Công, ông Táo tại ba miền
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Phong tục Việt Nam của Toan Ánh, lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn; mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.
Cúng ông Công ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ.
Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Dù vậy ở ba miền, việc cúng ông Táo cũng có những khác biệt. Như ở miền Bắc, người dân còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở Huế và một số tỉnh lân cận, người dân vừa thờ ông Táo trên Trang Ông, vừa thờ trên bàn thờ .
Tại miền Nam, người dân thường cúng ông Công ông Táo về buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20h đến 23h. Người Sài Gòn quan niệm rằng vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng.