Lưu Biểu (143-208) tự là Cảnh Thăng, quê ở Cao Bình, đất Sơn Dương là một lãnh chúa phong kiến thuộc hoàng tộc nhà Hán sống vào cuối đời Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Biểu là người trấn giữ Kinh Châu, một vùng đất có vị trí quân sự rất quan trọng nên luôn bị các thế lực phong kiến đời tiền Tam quốc dòm ngó.
Cuộc đời
Năm 197, Lưu Biểu liên kết với Trương Tú chống lại Tào Tháo. Hai bên giao tranh vài trận khi được khi thua. Lưu Biểu sai thuộc tướng là Đặng Tể chiếm cứ Hồ Dương. Tào Tháo mang quân vây đánh phá được, bắt sống Đặng Tể, quân ở Hồ Dương theo hàng.
Năm 198, Tào Tháo đánh Trương Tú ở Nhương Thành. Lưu Biểu ra quân hỗ trợ, cùng đánh lui Tào Tháo. Cuối cùng Trương Tú sau mấy lần lúc đánh lúc hàng đã quay lại đầu hàng Tào Tháo.
Chân dung Lưu Biểu |
Tôn Sách bình định Giang Đông, từng bước thôn tính Dương châu giáp địa bàn Kinh châu. Năm 199, Tôn Sách cùng Chu Du, Lã Phạm và Trình Phổ đi đánh thái thú Hoàng Tổ ở quận Giang Hạ thuộc Kinh châu của Lưu Biểu để báo thù cho cha. Hoàng Tổ liên kết với thủ hạ cũ của Viên Thuật (mới chết) là Lưu Huân làm thái thú Lư Giang nhưng cả hai người đều bị Tôn Sách đánh bại.
Sau khi ổn định Kinh châu, Lưu Biểu không có ý định mở rộng ra ngoài để tranh hùng với các sứ quân trung nguyên nữa.
Năm 200, Viên Thiệu đối trận với Tào Tháo ở Quan Độ, sai sứ đến đề nghị ông mang quân giáp công đánh Tào Tháo từ phía nam. Lưu Biểu tuy bằng lòng nhưng không ra quân giúp Viên Thiệu, và cũng không giúp Tào Tháo.
Quan hệ với Lưu Bị
Năm 201, Lưu Bị đánh Tào Tháo bị thua, chạy tới Kinh châu xin nương nhờ. Lưu Biểu ra xa đón tiếp, coi Lưu Bị như thượng khách, và cấp cho một số quân. Biết hùng tâm của Lưu Bị, ông sai Lưu Bị đóng đồn ở huyện Tân Dã thuộc Nam Dương, ở tận cùng phía bắc gần Hứa Xương nhất, là cửa ngõ Kinh châu.
Năm 204, nhân lúc Tào Tháo dốc quân lên Hà Bắc đánh hai người con của Viên Thiệu là Viên Đàm và Viên Thượng, Lưu Biểu sai Lưu Bị mang quân tấn công Hứa Xương. Nhưng quân Lưu Bị chỉ tiến đến huyện Diệp thì lực lượng được Lưu Biểu giao quá ít ỏi không thể tiếp tục tác chiến, phải rút lui.
Lưu Biểu giữ chủ trương "ngồi xem thành bại" trong nhiều năm, không can dự vào việc tranh hùng ở trung nguyên. Theo sách Hán Tấn xuân thu, năm 206 lúc Tào Tháo mới mang quân đi xa lên đánh Liễu Thành, Lưu Bị khuyên Lưu Biểu đánh úp Hứa Xương nhưng ông không theo. Sau này Tào Tháo thắng trận trở về, Lưu Biểu ân hận vì không nghe theo Lưu Bị.
Ban đầu, Lưu Biểu trọng đãi Lưu Bị, nhưng sau đó tỏ ra đề phòng.
Chân dung Lưu Bị thời Tam Quốc |
Có ý kiến cho rằng, Lưu Bị có hùng tâm, thường chiêu tập nhiều hào kiệt ở Tân Dã khiến Lưu Biểu nghi ngờ, lo ngại Lưu Bị sẽ chiếm cơ nghiệp của mình, nên muốn sát hại Lưu Bị. Ông mở tiệc mời Lưu Bị tới, sai Khoái Việt và Sái Mạo chuẩn bị ra tay, nhưng Lưu Bị cảm thấy bất an, bèn lấy cớ đứng dậy ra nhà tiêu và chạy trốn; và việc nhảy ngựa Đàn Khê xảy ra, Lưu Bị thoát nạn.
Tuy nhiên có ý kiến khác phản bác, cho rằng vụ nhảy ngựa Đàn Khê là không có thật, vì Lưu Bị đang ở nhờ Lưu Biểu, lực lượng rất ít ỏi; nếu Lưu Biểu thực sự có ý định hại chết Lưu Bị, thì không thể để Lưu Bị yên thân suốt 2 năm sau đó ở Tân Dã.
Các sử gia đi đến kết luận rằng: Lưu Biểu cảnh giác một con người có hùng tâm như Lưu Bị nhưng không định làm hại mà chỉ hậu đãi bên ngoài, bên trong không thật tin dùng.
Sái phu nhân
Vợ cả của Lưu Biểu mất sớm, Lưu Biểu lấy em gái Sái Mạo, tướng dưới quyền ông. Lưu Biểu có 2 người con trai là Lưu Kỳ (con của người vợ cả) và Lưu Tông con của Sái phu nhân.
Lưu Biểu yêu Sái phu nhân, bèn quyết định cho Lưu Tông kế vị và sai Lưu Kỳ trấn giữ quận Giang Hạ.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Sái Phu nhân được mô tả là mẹ đẻ của Lưu Tông. Đây là một người đàn bà có lòng dạ hiểm độc, thích can dự vào triều chánh, đặc biệt là gây ảnh hưởng cho con bà lên ngôi. Sái phu nhân hay chống đối Lưu Bị.
Khi Lưu Biểu đồng ý chứa chấp Lưu Bị, đến đêm, Sái phu nhân xàm tấu với Lưu Biểu đề nghị ông ta điều Lưu Bị đi chỗ khác vì "sợ người ta chẳng được như bụng ông nghĩ thôi". Mỗi lần Lưu Bị trò chuyện với Lưu Biểu thì Sái phu nhân nấp sau bình phong nghe trộm. Sái phu nhân vẫn luôn có ý nghi Lưu Bị.
Khi Lưu Biểu ốm nặng, Sái Phu nhân đóng của lại không cho Lưu Kỳ vào thăm, sai Sái Mạo, Trương Doãn canh giữ cửa ngoài. Khi Lưu Biểu chết rồi, Sái phu nhân cùng với Sái Mạo, Trương Doãn bàn bạc, viết tờ di chúc giả cho con thứ là Lưu Tông làm chủ Kinh Châu, xong rồi mới cho báo tang. Sái Mạo lập Lưu Tông lên làm chủ, tôn tộc họ Sái chia nhau lĩnh luôn Kinh Châu còn Sái phu nhân cùng Lưu Tông đến ở Tương Dương để phòng Lưu Kỳ, Lưu Bị.
Lưu Biểu dưới con mắt các sử gia
Năm 208, Tào Tháo sau khi làm chủ miền bắc chuẩn bị mang đại quân đánh Kinh châu. Giữa lúc đó Lưu Biểu lâm bệnh qua đời, thọ 66 tuổi.
Sử sách có những nhận xét hơi khác nhau về Lưu Biểu nhưng tựu chung đều không đánh giá cao ông trong thời đại lúc đó.
Sử gia Trần Thọ, tác giả Tam quốc chí coi Lưu Biểu giống Viên Thiệu: đều có nghi biểu, có danh khí, có phong độ, có thành tựu, nhưng "ngoài khoan dung trong nghi kỵ, có mưu nhưng không quyết, có tài mà không dùng, có hiền mà không lấy, phế đích lập thứ, chỉ vì sủng ái" nên thất bại là đương nhiên.
Các nhà nghiên cứu Dịch Trung Thiên và Hà Tư Toàn có nhìn nhận khác hơn một vài điểm so với Trần Thọ. Thứ nhất, Lưu Biểu và Viên Thiệu tuy đều thất bại nhưng Viên Thiệu tự chuốc lấy bại vong, còn Lưu Biểu do không may mắn, bản thân ông không mời ai, không rước ai. Thứ hai, Lưu Biểu tự biết thực lực của mình chỉ có thể giữ bờ cõi chứ không có lựa chọn khác. Điểm yếu của Lưu Biểu không nhận ra là dựa vào sức mình giữ là chưa đủ mà cần biết lấy công để thủ. Thứ ba, Viên Thiệu kiêu ngạo tự đắc luôn cho mình là phải, còn Lưu Biểu không tự coi mình là phi phàm.
Việc Lưu Biểu thu nhận các hiền sĩ từ trung nguyên, thương dân dưỡng sĩ khiến Kinh châu là nơi bình yên hơn 10 năm trong thời loạn có thể coi là những việc làm tích cực của ông.
Lưu Biểu có thể thi thố tài năng trong điều kiện thái bình nhưng không có năng lực quân sự tranh hùng thiên hạ trong thời kỳ nhiễu nhương. Sử gia Hà Tư Toàn xem Lưu Biểu là mẫu hiền thần thời bình, người thường thời loạn.
Anh Phương (TH)
>>> Xem thêm:
- Ngũ Hổ Tướng siêu dũng mãnh của Lưu Bị là những ai?
- 5 bộ tiểu thuyết kinh điển trong lịch sử Trung Quốc
- Bí ẩn lăng mộ Tào Tháo: 72 ngôi mộ, đâu là thật, đâu là giả?