Đến thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hỏi nhà ông Nguyễn Thanh Chấn – người ngồi tù oan 10 năm về tội Giết người – người dân sẽ nhiệt tình chỉ ngay tới ngôi nhà ba tầng khang trang trên mặt đường trung tâm xóm.
Ông Chấn tâm sự dù đoàn tụ với gia đình hơn 2 năm qua nhưng nỗi ám ảnh về hơn thập kỷ bị bắt vẫn như còn nguyên. "Hôm được trả tự do, tôi ngỡ như một giấc mơ, ngốc nghếch hỏi cán bộ trại giam: Thả tôi về rồi thì bao giờ lại bắt", ông vui vẻ kể trong lúc bán dưa muối cho khách.
|
Sau khi được minh oan và xin lỗi, cả gia đình đã dốc sức trong những cuộc thương lượng bồi thường. Cuối năm 2015, ông nhận hơn 7 tỷ đồng. “Có những thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, bồi thường biết bao nhiêu cho vừa. Nhà nước bồi thường bấy nhiêu là tốt lắm rồi”, ông nói.
Có tiền, việc đầu tiên vợ chồng ông Chấn thực hiện là "tạ ơn" một nhà hảo tâm đã giúp đỡ hơn 100 triệu đồng từ năm trước. "Người ta không mong đợi nhưng tâm tôi luôn thôi thúc thực hiện bằng được để khoản tiền ấy lại được chuyển tới các hoàn cảnh khác".
Sau đó, vợ chồng ông trả nợ hơn một tỷ đồng cho các khoản vay. "Vay nhiều lắm nhưng lớn nhất là khoản vay ngân hàng do một người thân đã cắm sổ đỏ giúp gia đình chúng tôi có lộ phí kêu oan suốt ngần đó năm", bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, nói.
Trên nền căn nhà người con trai mới xây một tầng còn chưa sơn, vợ chồng ông hoàn thiện thành căn nhà 3 tầng khang trang làm nơi ở cho 4 thế hệ, mở cửa hàng tạp hóa.
Biết ông nhận bồi thường khoản tiền lớn, nhiều người hỏi sao không sắm cái này cái nọ, ông chỉ đáp "không biết tiết kiệm thì từ giờ tới già biết sống bằng gì".
Chỉ vào bộ bàn ghế mới cùng đồ đạc mới trong nhà, bà Chiến kể chi phí xây và mở cửa hàng tạp hóa hết gần 1,5 tỷ đồng. Các con được ông cấp vốn làm ăn... Còn hơn 2 tỷ đồng, bà Chiến và ông Chấn đều nói không dám chi tiêu gì thêm mà gửi ngân hàng.
"Nếu chồng tôi không tù tội các con tôi sẽ có một tương lai tốt hơn”, vợ ông Chấn buồn bã nói.
Hồi tưởng về những tháng ngày khổ ải, bà kể trước khi ông Chấn bị bắt oan vào năm 2003, gia đình bà lúc đó không dám nhận giàu nhất làng nhưng chắc chắn đứng thứ hai hoặc ba về kinh tế. Ông Chấn mới ngoài 30 tuổi, khỏe mạnh, lái xe ngựa chở thuê khắp xóm. Nhà có một máy xát gạo nên trong chuồng lúc nào cũng có chục con lợn. Ông còn nấu rượu, bán lân đạm… Một ngày khi ấy ông thu nhập thuộc diện cao, tới gần 300.000 đồng.
|
Rồi "tai họa" ập đến, ngày nào mẹ con bà cũng phải nghe những lời chửi bới, nhiếc móc của một số người trong làng, rồi đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tài sản để thi hành bản án đã tuyên.
"Có những lần bên thi hành án đến, tôi nói chỉ có 4 đứa con, các ông các bà nuôi hộ đứa nào thì nuôi chứ nhà không có tiền. Lần khác quá bức xúc, tôi nói 'đã bỏ ông ấy rồi', muốn thi hành án đến trại giam yêu cầu", bà Chiến rớm nước mắt kể.
Con gái thứ 3 của bà vì khổ tâm quá, đến quyền yêu đương bình thường cũng bị khinh rẻ nên xin đi xuất khẩu lao động để khỏi "mệt tai" và lại có tiền gửi về "tiếp sức" cho mẹ".
Bà tâm sự ông Chấn hiện đôi khi không minh mẫn, nằm viện liên miên. Ông bị thoái hóa đốt sống cổ, nếu mổ có thể gặp biến chứng liệt nên gia đình chỉ dám chạy chữa bằng thuốc nam.
Công việc hàng ngày của ông Chấn giờ trông cháu nội hơn một tuổi, phụ vợ bán hàng. Ông Chấn bảo cuộc sống đổi thay nhiều quá, nhìn anh em họ hàng làm ăn mà phát thèm song giờ ông đã "lực bất tòng tâm".
Một tối tháng 8/2003, người phụ nữ hàng xóm bị giết hại tại nhà riêng, ông Chấn sau đó bị xác định là thủ phạm. Qua hai cấp xét xử, ông Chấn bị kết án chung thân về tội Giết người.
Suốt 10 năm trong tù, ông liên tục kêu oan. Cuối năm 2013, ông Chấn được trả tự do, thủ phạm của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Năm 2015, cơ quan gây oan sai tổ chức xin lỗi công khai ông Chấn. Cuối năm này, ông Chấn nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng.
Hai cán bộ làm oan ông Chấn là nguyên điều tra viên Trần Nhật Luật và nguyên kiểm sát viên Đặng Thế Vinh nhận án 12 năm và 8 tháng tù.
Theo Vnexpress