Claude Blanchemaison, đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn1989-1993 viết hai cuốn sách về Việt Nam, trong đó Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam vừa được NXB Chính trị Quốc gia phát hành bản tiếng Việt. Năm 2013, ông in cuốn Hành khúc La Marseillaise của Tướng Giáp.
Hồi tưởng giai đoạn khó khăn qua cuốn hồi ký của cựu Đại sứ Pháp.
Hồi ức
Ngay những ngày đầu đến Việt Nam, Claude Blanchemaison gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đàm đạo về những nhân vật kiệt xuất của nước Pháp như Victor Hugo, Napoléon. Đại sứ muốn mời Đại tướng đến dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày Cách mạng Pháp, dịp Quốc khánh Pháp năm 1989.
“Lúc ấy lãnh đạo Chính phủ Việt Nam thường không dự quốc khánh các nước phương Tây. Năm 1989 tôi muốn tổ chức lễ kỷ niệm quan trọng, mời đại diện Chính phủ, giới trí thức, văn nghệ sỹ. Khách mời đến rất đông vui, dù không khí nóng bức ngột ngạt. Vào đúng thời điểm đó có sự kiện đặc biệt khi Bộ Ngoại giao gọi cho tôi báo tin Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đến dự lễ Quốc khánh Pháp”, ông Claude kể.
Đại tướng mặc thường phục đi cùng phu nhân khiến khách mời bất ngờ. Ông Claude khoe đưa Đại tướng tham quan một vòng đại sứ quán và cho ông mượn một số cuốn sách bằng tiếng Pháp trưng bày tại đây. “Mọi người nghe quốc ca hai nước. Đại tướng rất thích quốc ca Pháp, ông bảo thuộc lòng lời bài hát và lịch sử ra đời hành khúc La Marsellaise”, ông Claude nhớ lại.
Thời điểm Claude Blanchemaison đến nhận nhiệm vụ, hai quốc gia chưa nhiều quan hệ hợp tác. Việt Nam khi ấy bắt đầu có chính sách mở rộng quan hệ với quốc tế. Cựu đại sứ còn nhớ như in câu nói của Đại tướng khuyên người Pháp phải nhanh chóng đến Việt Nam. “Đại tướng nói tiếng Pháp rất giỏi, lại còn biết nói lái nữa”, ông Claude kể. Đó không phải lần duy nhất Tướng Giáp dự lễ Quốc khánh Pháp.
Nếu ông Claude Blanchemaison coi chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand có ý nghĩa “khép lại chương đau thương, mở ra tương lai”, thì giai đoạn đảm trách vai trò đại sứ của ông mở ra những hợp tác văn hóa lớn giữa hai quốc gia.
Điện ảnh và âm nhạc là hai lĩnh vực có nhiều dấu ấn nhất, với ba bộ phim điện ảnh lớn do người Pháp thực hiện tại Việt Nam: Điện Biên Phủ, Đông Dương và Người tình. “Chúng tôi sẽ không quay được phimĐiện Biên Phủ nếu không có sự ủng hộ của Tướng Giáp, của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Lúc ấy Bộ Ngoại giao Pháp cũng không thích quay bộ phim này, nhưng dưới lệnh của Tổng thống Mitterand, 90 lính dù được cử sang Việt Nam để đóng phim tại Điện Biên Phủ”, ông nói.
“Để trái tim lại Việt Nam”
Tác giả cuốn sách kết thúc mấy chục phút hồi tưởng và tóm lược nội dung hồi ký bằng câu nói lãng mạn đúng chất Pháp: “Tôi để lại trái tim mình tại Việt Nam”. PGS.TS. Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV khuyến khích cử toạ đặt câu hỏi càng xoáy càng tốt, kể cả vặn lại liệu ông Claude có để lại trái tim ở đất nước khác hay không. Kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, Claude Blanchemaison lên đường sang Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha làm đại sứ.
Ngồi ghế chủ trì tọa đàm, TS. Minh đánh giá cuốn hồi ký dày 159 trang và 23 câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. “Chúng ta tìm thấy những sự kiện, năm tháng đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Bốn năm ngài Blanchemaison ở Việt Nam là thời khắc quan trọng, bước ngoặt trong lịch sử hiện đại Việt Nam”, ông Minh nói.
Những người sống trong giai đoạn đó có thể đọc sách và hồi tưởng, thế hệ trẻ hơn nhìn lại giai đoạn khó khăn của đất nước, khu vực qua những trang sách và nhãn quan của một nhà ngoại giao-người được xem là cầu nối cho những quan hệ Việt-Pháp mở rộng và phát triển hơn sau này.
5 năm trở lại đây, Claude Blanchemaison lại đại diện cho Pháp tại Hội đồng thống đốc Quỹ Á-Âu, giảng dạy tại một số trường đại học. Một sinh viên Học viện Ngoại giao đứng lên hỏi cựu đại sứ bằng tiếng Pháp, rằng có muốn giảng dạy tại ngôi trường này không. Claude cũng khéo trả lời câu hỏi về sự đổi thay của Việt Nam, rằng bây giờ qua đường khó hơn trước một chút, nhất là đoạn Bưu điện thành phố vì ngày trước chủ yếu người ta đi xe đạp. “Nhưng tôi không thất vọng ở điểm gì”, ông cười.
Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam không chỉ có những sự kiện mang tính bước ngoặt như chuyến thăm của Tổng thống Mitterrand, mà còn ghi lại những câu chuyện về tháng ngày rong ruổi từ Bắc vào Nam, những cuộc gặp gỡ lãnh đạo, văn nghệ sỹ, doanh nhân.
Theo Tiền phong