Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn

Đời quân ngũ của Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng là quá trình tự học, tự rèn luyện, phấn đấu trưởng thành từ một “anh lính trơn” lên sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng… rồi cuối cùng, trước khi nghỉ hưu, là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng Không - Không quân (PK-KQ).

_________________

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 1

Đại tá Nguyễn Quang Hùng sinh năm 1944, là con thứ trong một gia đình ở La Phù (Hoài Đức, Hà Đông). Đầu năm 1963, khi đang là học sinh lớp 9 của trường Nguyễn Huệ - Hà Đông, theo tiếng gọi của tổ quốc, người thanh niên trẻ vùng Tề đã viết đơn tình nguyện và có tên trong danh sách nhập ngũ đầu tiên của lứa năm ấy.

“Hồi đó miền Nam có đợt ngụy quyền khủng bố, giết chóc người yêu nước, nhất là vụ đầu độc tù chính trị tại trại giam Phú Lợi (Bình Dương). Còn miền Bắc, không khí biểu tình phản đối rất sôi nổi, học sinh, sinh viên ai cũng có lòng căm thù giặc rất sớm và tôi cũng vậy. Tới năm 1963, thấy đất nước ngày càng nguy nan, lứa thanh niên chúng tôi sốt sắng tòng quân, quyết tâm đánh giặc cứu nước”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng bồi hồi nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 2

Sau ba tháng nhập ngũ tại Trung đoàn 220, Bộ Tư lệnh Phòng không 367, anh lính binh nhì Nguyễn Quang Hùng vinh dự được cử đi học tên lửa Phòng không ở Liên Xô nhờ lý lịch gia đình cơ bản, sức khỏe tốt và trình độ học vấn cấp 3. Tuy nhiên, vì lý do khách quan cũng như hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam, nước bạn đồng ý đưa khí tài và con người sang giảng dạy, bàn giao. Ngày 7/1/1965, Trung đoàn Tên lửa đầu tiên - Trung đoàn 236 của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập với lực lượng sơ khai gồm bốn Tiểu đoàn hỏa lực 61, 62, 63, 64 và một Tiểu đoàn kỹ thuật 65. Đại tá Nguyễn Quang Hùng được biên chế vào Tiểu đoàn 62, cùng đồng đội bắt đầu quá trình học tập tên lửa Phòng không.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 3

Trở lại hồi ức về ngày tháng gian lao nhưng cũng đầy vinh quang của dân tộc, Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết trong đời lính ông đã cùng đồng đội lập không ít chiến công hiển hách. Nhưng nức lòng và sâu đậm nhất, phải kể đến các chiến công vào các năm 1965, 1967 và 1972.

Vào mùa hè năm 1965, sau vài tháng được chuyên gia Liên Xô tận tình hướng dẫn lý thuyết của khí tài tên lửa, các tiểu đội thuộc Trung đoàn 236 đã nắm vững phương pháp, bắt tay vào triển khai trận địa. Ngày 24/7/1965, trong lúc chuẩn bị khí tài, chiến sĩ trắc thủ Nguyễn Quang Hùng bất ngờ nhận tin tên lửa Tiểu đoàn 63 và 64 ra quân ngay trận đầu đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Trong đó có chiếc thứ 400 rơi trên bầu trời miền Bắc. Chiến thắng này không chỉ ghi một mốc son chói lọi vào truyền thống của lính tên lửa, mà còn trùng với ngày sinh nhật nên được ông coi như “món quà tuổi 21 vô giá sẽ mang theo suốt đời”.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 4

Trong thời gian ngồi trên vị trí sĩ quan điều khiển, Đại tá Nguyễn Quang Hùng tiếp tục bắn rơi 11 chiếc máy bay. Trong đó phải kể đến chiến dịch bảo vệ bầu trời thủ đô năm 1967, ông cùng các đồng đội trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay thứ 2500. Đây không chỉ là chiến thắng mang ý nghĩa cá nhân mà còn là minh chứng cho quá trình đấu tranh, học tập, sáng tạo bền bỉ của toàn quân. Chiến thắng cho thấy lính tên lửa đã khắc phục được “nhiễu tích cực” (nhiễu phát ra từ máy bay của địch), để sau đó các đơn vị tự tin đối phó với lớp máy bay mang nhiễu.

Chiến công đáng nhớ tiếp đó xuất hiện vào tháng 7/1972, khi Đại tá Nguyễn Quang Hùng cùng Tiểu đoàn 62 nhận nhiệm vụ bảo vệ đội hình chiếm giữ thành cổ Quảng Trị. Trận đánh này được nhận xét là xuất sắc khi đây là lần đầu tiên ông ngồi ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 5

Trước đó, Tổng thống Mỹ Nixon đã lệnh cho các lực lượng tác chiến Mỹ và VNCH bằng mọi giá phải vào được thành cổ Quảng Trị, quay phim, chụp ảnh để đến ngày 13/7 trong cuộc họp bốn bên ở Hội nghị Paris, những tài liệu ấy sẽ trở thành sức ép trên bàn đàm phán.

Trong tháng 12/2021, NXB Quân đội nhân dân cho ra mắt cuốn hồi ký “Chuyện đời tôi” của Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng. Với giọng văn mộc mạc, những trang viết như một chuỗi ký ức kết nối những ngày tháng sôi nổi nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Điểm nổi bật của cuốn hồi ký là phụ lục ghi chép 100% trận thắng của Trung đoàn 236 trên mọi miền tổ quốc. Đây là tài liệu quan trọng mà cá nhân Đại tá có ý thức ghi chép và lưu trữ trong kho quân chủng.

Tuy nhiên, với nỗ lực và tinh thần quyết tâm của các tiểu đoàn tên lửa, trong ngày 12/7, không một quả bom nào rơi xuống thành cổ. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Tiểu đoàn 62 lập công khi bắn hạ một chiếc B52. Điều này đồng nghĩa với việc không một bức ảnh nào chụp được thành cổ trong đêm 12/7 và đến sáng hôm sau, Nixon phải tuyên bố hủy bỏ cuộc họp vô thời hạn.

Dù lập nhiều chiến công trên khắp các mặt trận ác liệt, nhưng đến bây giờ, Đại tá Nguyễn Quang Hùng vẫn mang niềm tiếc nuối lớn nhất đời binh nghiệp khi đơn vị của ông không kịp có mặt ở Hà Nội trong 12 ngày đêm bão lửa. “Nhận tin đêm 18/12, giặc dùng B52 đánh phá Hà Nội, chúng tôi nằm không ở Quảng Trị mà tâm hồn để cả ở thủ đô. Tất cả đều nghĩ, đều mong, giá như đội hình dày dạn kinh nghiệm từng bắn rơi 9 chiếc B52 này có mặt ở đó thì quân ta sẽ bắn được nhiều máy bay hơn, thành phố đỡ tổn thất và đồng bào được cứu”, ông giãi bày.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 6

Khép lại quãng đời chinh chiến, khoảng năm 1991, Đại tá Nguyễn Quang Hùng nhận quyết định làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không và ở chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu. Về quân chủng, ông được phân công công tác huấn luyện cho các thế hệ sau, chia sẻ bài học, cách xử trí tình huống trên chiến trường.

Tuy đã là thời bình nhưng vẫn có những khó khăn nhất định, đặc biệt với Quân chủng PK-KQ. Để tạo ra mục tiêu huấn luyện trên trời thì khó khăn, tốn kém hơn nhiều lần so với mục tiêu mặt đất. Nhưng với phẩm chất năng động, sẵn sàng vượt mọi thách thức của người lính, người chiến sĩ năm xưa đã cùng các cán bộ trong cơ quan bỏ công nghiên cứu, chế tạo ra những chiếc máy bay tí hon làm mục tiêu huấn luyện. Hiện nay, bộ phận này vẫn đang được quân chủng phát triển và đã có thể sản xuất được máy bay không người lái.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 7

Một điều khác cũng khiến ông rất tâm đắc là đưa vào vận dụng hệ thống máy tính phục vụ công tác tham mưu, chỉ huy, đặc biệt, đã tìm được phần mềm rất có giá trị cho công tác tham mưu huấn luyện chỉ huy chiến đấu và huấn luyện điều khiển mục tiêu trên không. Từ năm 1993, với ý thức cập nhật công nghệ tân tiến và một tầm nhìn rộng mở, Đại tá Nguyễn Quang Hùng tổ chức nhiều lớp phổ cập tin học trong quân chủng, tạo nền tảng, cơ sở cho những sáng tạo, cải tiến sau này.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 8

40 năm quân ngũ là quãng đời phấn đấu kiên trì, bền bỉ của Đại tá Nguyễn Quang Hùng. Để ghi nhận những đóng góp lớn lao vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tháng 8/2015 ông đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cao quý. Ông cũng là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Quân chủng PK-KQ trưởng thành từ người lính trắc thủ, lên sĩ quan điều khiển, rồi tiểu đoàn trưởng. Và ở cả ba vị trí trên, ông đều cùng đồng đội đạt những chiến tích vẻ vang bắn rơi máy bay Mỹ.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 9

Kể về quá trình viết hồi ký, “ngài đại tá” cười hồn hậu cho biết “đây là hành động táo bạo vì già rồi và viết ra cũng không mấy người đọc”. Nhưng với suy nghĩ “điều gì cố làm được để lại cho con cháu và thế hệ mai sau thì làm”, người lính năm nào đã dùng nhiều tháng trời tổng hợp lại các tài liệu, ghi chép nên cuốn hồi ký dày dặn nhưng thân tình mang tên “Chuyện của tôi”.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Hùng, đây là “cuốn hồi ký của tôi, ghi lại chuyện đời tôi, những điều chưa bao giờ nói ra do hoàn cảnh khách quan của thời chiến. Cùng với đó là những phương pháp, lý giải, nghiền ngẫm cá nhân được đúc rút khi kinh qua nhiều vị trí chiến đấu, làm thành bài học gửi lại các thế hệ lính Phòng không”.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng: Những tâm tư ‘gói’ từ ngày lửa đạn ảnh 10

Bên cạnh những chi tiết tỉ mỉ của từng sự kiện, trận đánh, cuốn hồi ký như một lời tôn vinh những đóng góp lặng thầm ở hậu phương của vợ con và họ hàng hai bên nội ngoại của ông. Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết ông rất biết ơn và trân trọng người vợ đảm đang, mạnh mẽ vừa giúp ông gánh vác gia đình nhỏ bé, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên, trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội.

Tâm nguyện của Đại tá Nguyễn Quang Hùng là sắp tới được trao tặng tác phẩm của mình cho thư viện đơn vị cũ và trường Nguyễn Huệ - Hà Đông. Đây là hai nơi góp phần giáo dục, định hướng, đào tạo, giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

Bài: Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.