Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguồn cung cấp xăng dầu sản xuất trong nước từ trước đang đáp ứng khoảng 70% như cầu, thậm chí có giai đoạn lên đến 80%, chủ yếu từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn (Nghi sơn đáp ứng từ 35 – 40% thị phần xăng dầu Việt Nam, còn lại khoảng 30% là nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn).
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính của nhà máy Nghi Sơn nên ngay từ đầu tháng 1/2022 công suất của nhà máy giảm xuống chỉ còn khoảng 60%, nên việc giao hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm mạnh so với thỏa thuận.
Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù đã được chỉ đạo tăng công suất lên để bù lại khó khăn của nhà máy Nghi Sơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ bù đắp lượng cung thiếu hụt do Nghi Sơn giảm công suất. Tình trạng này cũng khiến cho một số nơi thiếu xăng dầu cục bộ.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết hiện giá xăng dầu thế giới đang tăng rất mạnh và sẽ còn tiếp tục tăng.
Trả lời về việc điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất, giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng (trừ etanol), từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Cùng với đó, mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.
Đánh giá về tác động của dự thảo Nghị quyết khi có hiệu lực đến giá xăng, dầu trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết với việc giảm thuế 1.000 đồng, giá bán lẻ xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít. Với dầu diesel, mazut, dầu nhờn và dầu hoả khi giảm thuế 500 đồng/lít, giá bán lẻ giảm tương ứng 550 đồng/lít. Tương tự với mỡ nhờn, giá bán lẻ cũng sẽ giảm 550 đồng/kg.