Nguồn cung ứng tăng gấp 2 – 3 lần
Trong những gần đây, nhiều người dân thủ đô lo sợ virus Corona, hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người, nên đã chủ động đi siêu thị sắm các thực phẩm khô, rau, củ, quả, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần. Điều này dẫn đến lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả của người dân tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Thành Long (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) – chia sẻ, trước dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, gia đình hạn chế ra ngoài ăn, nên tranh thủ vào siêu thị mua rau, củ, quả với giá rẻ, tươi hơn và dự trữ được lâu hơn. Riêng rau, quả, tôi mua nhiều để gia đình ăn tăng cường sức đề kháng như cần tây, táo, cam…
Các mặt hàng rau, củ, quả đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. |
Về sức mua của người dân trong dịp này, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc điều hành siêu thị Big C miền Bắc - cho biết, thời điểm này, phần lớn người dân đến đây đều mua rau, củ, quả và đồ khô. Lượng người mua hàng tại Big C tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Quầy rau, củ, quả liên tục bổ sung trên các kệ hàng.
Trong khi đó, tại Saigon Coop, sức mua cũng tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tâm lý hoang mang, lo sợ nguồn thực phẩm khan hiếm, người tiêu dùng đã mua sẵn thực phẩm về trữ, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống phân phối chợ, chuỗi kinh đoanh dảm bảo nguồn cung thực phẩm, đặc biệt mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, trứng, thịt… để phục vụ nhu cầu của người dân trên TP. Hà Nội. Đặc biệt, đảm bảo bán đúng giá bình ổn theo cam kết của thành phố trong dịp trước, trong và sau Tết.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thời gian xảy ra dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp tăng lượng hàng gấp 2- 3 lần |
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vẫn giữ đơn hàng ổn định, trước, trong và sau Tết, nên lượng hàng ở các siêu thị của Hà Nội tương đối ổn định, giá cả vẫn giữ như trong dịp trước Tết. Một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị hiện nay đang rẻ hơn chợ truyền thống. Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng hàng khách vào siêu thị tăng 15-20% so với cùng kỳ Tết năm 2019. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này, hầu hết các doanh nghiệp tăng lượng hàng gấp 2-3 lần, nhiều đơn vị còn chủ động khai thác lượng hàng từ khu vực phía Nam về để cung ứng cho địa bàn ở TP. Hà Nội.
Đơn cử như Siêu thị Big C đã nỗ lực làm việc với nhà cunng cấp để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho khách hàng. Cụ thể, đối với mặt hàng rau, củ, quả, đã làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để đảm bảo lượng hàng tốt nhất, đồng thời tăng cường nguồn rau, củ, quả từ Đà Lạt về để bù lại lượng rau bị ảnh hưởng do thời tiết, mưa đá trong thời gian vừa qua. “Đặc biệt, với tình hình hàng hóa thiết yếu như dầu ăn, mỳ tôm, siêu thị Big C cũng đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để dự trữ, tăng gấp 3 lần số lượng hàng hóa thông thường, đảm bảo trong thời gian này, đủ nguồn cung cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh như này.” – ông Khúc Tiến Hà chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Anh Nghĩa, Giám đốc siêu thị Vinmart Liễu Giai cho hay, do dịch diễn ra ngay sau tết, đây cũng là thời điểm nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân tăng cao sau dịp nghỉ lễ dài. Để ứng phó với dịch bệnh, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kịch bản để ứng phó, trong trường hợp xấu nhất, Bộ vẫn có thể chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường
Nhiều kịch bản ứng phó với cấp độ khác nhau
Trong khi nhiều mặt hàng đang bị tồn ứ tại cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh nCov thì lại có nhiều thông tin thiếu hàng hóa sau tết, trong mùa dịch, dẫn đến tình trạng người dân hoang mang, gom tích trữ thực phẩm. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã thành lập các đoàn kiểm tra việc cung ứng thực phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân tại các siêu thị trên địa bàn thủ đô Hà Nội
Theo ghi nhận của PV, tại siêu thị Vinmart Liễu Giai, các mặc hàng vẫn được bảo đảm đầy đủ về số lượng và chất lượng. Tình trạng người dân gom hàng tích trữ thực phẩm được đại diện siêu thị này cho biết không diễn ra, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng khẳng định bảo đảm bình ổn giá theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương
Ông Hoàng Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái), Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. |
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 04 về việc ngăn chặn dịch cúm nCoV của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước đã theo dõi sát sao diễn biến của các mặt hàng thiết yếu, có những đề xuất kiến nghị kịp thời. Với việc các cơ quan chức năng sát sao trong kiểm soát nguồn cung thực phẩm như hiện nay thì người tiêu dùng có thể yên tâm rằng các hệ thống phân phối bảo đảm đủ nguồn các mặt hàng thiết yếu, nhất là về lương thực và thực phẩm, vì vậy không nên hoang mang
Cụ thể, ngày 4/2, Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các hệ thống phân phối tăng cường xây dựng Kế hoạch bảo đảm nguồn hàng thiết yếu, như thực phẩm, nguồn hàng chống dịch khác trong hệ thống của mình; đẩy mạnh kết nối tìm nguồn hàng cần trong mùa dịch; tham gia một cách tích cực và chủ động tiêu thụ những mặt hàng nông sản đang ứ đọng như thanh long, dưa hấu và 1 số mặt hàng khác. Ngày 5/2, Vụ cũng có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vào cuộc trong việc kiểm tra việc thực hiện văn bản này và có báo cáo nhanh, hàng ngày về Bộ Công Thương. Trong đó có báo cáo nhanh 13 nhóm hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, 3 nhóm hàng phục vụ công tác phòng dịch.
Siêu thị Vinmart Liễu Giai |
Trong trường hợp dịch nCoV diễn biến xấu nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản khác nhau để đáp ứng từng cấp độ của dịch bệnh. Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn trong việc tăng cường các hệ thống về kho, các hệ thống cũng cam kết không những đủ hàng mà còn giữ mặt hàng bình ổn, tăng cường hệ thống phân phối lên. Chẳng hạn như Hệ thống Saigon Coop đã làm việc với Bộ Công Thương trong việc mở rộng thêm hình thức phân phối mới. Đó là không chỉ phân phối trong hệ thống tập trung mà còn dùng hình thức, phương thức thương mại điện tử để người dân đang ký thương mại điện tử ship đến tận nhà để hạn chế người dân đến chỗ đông người.
Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp logistics, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vào cuộc. Thêm vào đó, có Chương trình kịch bản đặc biệt làm việc với các bộ, ban ngành trong việc học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc vận chuyển thực phẩm trong những tình huống xấu nhất. Chẳng hạn ở Vũ Hán (Trung Quốc) có kinh nghiệm đưa quân đội, thương mại điện tử tham gia vào cung ứng hàng hóa đến các hệ thống siêu thị, cũng như các hệ thống siêu thị đến với điểm cư dân, tăng cường việc sử dụng khóa QR Code tránh tiếp xúc với người dân khu vực bị phong tỏa.