Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và sự ổn định của toàn xã hội.
Bên cạnh đó có một nguy cơ khác trong công tác điều trị cho các bệnh nhân tại các bệnh viện đó là tình trạng máu để truyền cho người bệnh đang cạn kiệt.
Khan hiếm nguồn máu dự trữ
Đến trưa 6/2, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ còn 5.435 đơn vị, trong đó nhóm A chỉ có khoảng trên 200 đơn vị và chủ yếu ưu tiên cho cấp cứu.
Tại nhiều bệnh viện, những người bệnh cần truyền máu, nhất là những bệnh nhân ung thư máu phải truyền hóa chất như đứng bên vờ vực…
Thạc sỹ Vi Quỳnh Hoa - Giám đốc Trung tâm Truyền máu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết hiện tại lượng máu trong kho máu của bệnh viện đã cạn kiệt, trong đó chỉ còn 10 đơn vị nhóm máu O và 2 đơn vị nhóm máu A.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt tuyến đầu của cả nước, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương với tổng số ca mổ trên 70.000 ca/năm. Sau dịp Tết, tình trạng máu cạn kiệt dẫn tới không có nguồn máu cung cấp cho các trường hợp cấp cứu, các trường hợp mổ phiên được khắc phục bằng cách kêu gọi người nhà hiến máu.
Bác sỹ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, tình trạng khan hiếm máu lại xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân bởi kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu trong cả Tết.
Năm nay có thêm một nguyên nhân nữa và cũng là mối lo mới – dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019-nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
Trước đó, vào ngày 1/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị; trong khi Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu trong 10 ngày (từ 29 Tết đến mùng 8 Tết). Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố – khu vực Viện đảm nhiệm cung cấp máu.
Tình trạng khan hiếm máu cho điều trị cũng xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Theo lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị đảm bảo cung cấp máu cho hầu hết các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh), lượng máu dự trữ của Bệnh viện vào sáng 1/2 chỉ còn khoảng 4.000 đơn vị, trong khi nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện toàn thành phố sau kỳ nghỉ Tết tăng đột biến so với các năm trước, mỗi ngày cần 800 – 1.000 đơn vị máu.
Nhiều bệnh viện kêu gọi người dân tham gia hiến máu nhân đạo. |
Các hoạt động hiến máu bị ảnh hưởng bởi 2016-nCoV
Sau Tết âm lịch, do tình hình thời tiết giá rét, tâm lý e dè hiến máu đầu năm và đặc biệt là tình hình bùng phát dịch viêm đường hô hấp do nCoV đã làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu cho người bệnh ở tất cả các bệnh viện do thiếu người hiến máu.
Theo Viện huyết học Truyền máu Trung ương, trước Tết, lượng máu do các Trung tâm Máu trên toàn quốc thu nhận được khá cao nhờ sự hỗ trợ tối đa của Chương trình Chủ Nhật đỏ do Báo Tiền Phong, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp tổ chức cùng sự tham gia nhiệt tình của nhiều đơn vị, tổ chức, trường học và người dân.
Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, lượng máu dự trữ hiện đã cạn kiệt và những đơn vị máu còn lại cũng đã cận hạn sử dụng, không thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh; dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 – 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Bác sỹ Phạm Tuấn Dương lý giải, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV đã thực sự ảnh hưởng đến việc tổ chức hiến máu của nhiều cơ quan, đơn vị. Nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện để khám chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, thì nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế để được phép huy động vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Viện cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, nhóm A) và hiến tiểu cầu và mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.
Tại các điểm hiến máu - nơi diễn ra hoạt động chuyên môn tiếp nhận máu, các biện pháp phòng dịch sẽ được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận hiến máu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: tuyên truyền cho người hiến máu về các biện pháp phòng bệnh, cung cấp dung dịch sát khuẩn nhanh và khẩu trang y tế cho người hiến máu…/.
Người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân đến các địa điểm sau để tham gia hiến máu:
• Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).
• Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội ở địa chỉ: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8h đến 17h các ngày thứ 2 đến thứ 7, bắt đầu từ ngày 4/2 (11 tháng Giêng).
• Các điểm hiến máu gần nhất theo link: https://www.nihbt.org.vn/Home/DiemHM
• Các điểm hiến máu theo thông báo của các cơ sở tiếp nhận hiến máu ở các địa phương.