Đến 16 giờ chiều 15/12 (giờ Việt Nam), giờ kết thúc bầu chọn trên toàn thế giới, Hoàng Lê Giang được hơn 113.000 lượt bầu, vượt xa người đứng thứ hai Kertu Jukkum ở Estonia với 87.150 lượt bầu. Ban tổ chức đã dành một ngày để kiểm tra số bình chọn và thông báo chính thức vào ngày 16/12.
Cuộc đua dành 20 suất đến Bắc Cực có sự tham gia của hàng chục ứng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Để tham gia cuộc thi này, Hoàng Lê Giang đã viết thư xin Ban tổ chức cho Việt Nam vào danh sách các nước tham gia (trước đó không có tên Việt Nam).
Kết quả của Ban tổ chức Fjällräven Polar. |
Trong hơn một tháng kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội, Hoàng Lê Giang đã nhận được nhiều phiếu bầu để gia tăng bình chọn. Những ngày cuối, số phiếu bầu cho Giang tăng lên nhanh chóng, bỏ xa đối thủ người Estonia - người vốn được Tổng thống nước này kêu gọi bình chọn.
"Giang cảm thấy may mắn được mọi người ủng hộ, đối thủ toàn là nhân vật nổi tiếng, mình chỉ là nhân viên văn phòng bình thường. Thắng thua không bàn nhưng mà nhận được sự cổ vũ của mọi người cũng hạnh phúc rồi", Hoàng Giang chia sẻ.
Hoàng Giang cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên trên đồng phục của đoàn Fjallraven Polar có cờ Việt Nam chứ không phải lần đầu cờ Việt Nam bay ở Bắc Cực. Giang sẽ cùng những người bạn đồng hành vượt 300 km đi bộ hoặc cưỡi xe chó kéo qua núi sông, khu vực băng tuyết vĩnh cửu -30 độ. Trước Giang, đã có 2 người gốc Việt sống nước ngoài tham gia các đoàn thám hiểm đến Bắc Cực.
Hiện tại, Hoàng Lê Giang thường tập luyện thể thao với cường độ 15 giờ/tuần để chuẩn bị tham gia. Ngoài ra, anh dự định đến Alaska (Mỹ) vào tháng 2 năm sau để làm quen với khí hậu lạnh.
Vùng Bắc Cực bao gồm Bắc Băng Dương, một phần Canada, Greenland, Nga, Mỹ (Alaska), Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Vùng Bắc Cực được định nghĩa là khu vực phía bắc, nằm trong vòng Bắc cực (66° 33’B).
Theo Vnexpress