Hãng Reuters dẫn hai nguồn an ninh Iraq đưa tin Ngoại trưởng Pompeo đã yêu cầu ban lãnh đạo quân sự Iraq phải để mắt đến lực lượng phiến quân trên. Nếu không, Mỹ sẽ đáp trả.
“Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Washington và Tehran, Iraq bị rơi vào thế 'mắc kẹt' giữa một bên là quốc gia láng giềng Iran có sức ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực, một bên là Mỹ.
“Thông điệp Mỹ truyền tải rất rõ ràng. Họ muốn có một sự đảm bảo rằng Iraq sẽ ngăn chặn những tổ chức đe dọa tới lợi ích của Mỹ. Họ nói nếu Mỹ bị tấn công trên lãnh thổ Iraq, họ sẽ tự hành động để tự vệ mà không cần sự phối hợp với Baghdad”, nguồn tin quân sự cấp cao Iraq tiết lộ.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin chi tiết trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo. Kết thúc chuyến thăm, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố: “Chúng tôi không muốn bất kỳ sự can thiệp nào vào đất nước họ [Iraq], dĩ nhiên không phải bằng cách tấn công quốc gia khác ngay tại Iraq”.
Nguồn tin an ninh thứ hai của Iraq cho biết "tình báo Mỹ kết luận một số nhóm dân quân được điều động lại đến các vị trí đáng ngờ. Họ coi đó là hành động khiêu khích tiềm tàng".
Thủ tướng Iraq Adel Abdel-Mahdi ngày 14/5 nói với các phóng viên rằng “phía Iraq không quan sát thấy các nhóm Hồi giáo gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho các bên. Chúng tôi thể hiện quan điểm rõ ràng với người Mỹ rằng Chính phủ Iraq đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tất cả các bên”.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 đã yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán nước này ở Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil rời khỏi Iraq.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cho biết các dịch vụ liên quan đến thị thực thông thường tại cả hai cơ quan này sẽ tạm thời bị ngừng, đồng thời Chính phủ Mỹ hạn chế cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ tại Iraq. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị những người bị ảnh hưởng rời khỏi Iraq càng sớm càng tốt.
Theo giới chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, việc sơ tán các nhà ngoại giao nước này khỏi Iraq là nhằm đối phó với một một đe dọa "sắp xảy ra" có liên quan trực tiếp tới Iran. Các quan chức này cho hay mối đe dọa này xuất phát từ những lực lượng dân quân Iraq do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chỉ huy và kiểm soát.
Bên cạnh đó, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đức và Chính phủ Hàn Lan cho biết lực lượng vũ trang hai nước đã tạm ngừng hoạt động huấn luyện quân sự ở Iraq vì lý do an ninh. Thông báo không cho biết thông tin chi tiết về lý do dẫn tới quyết định này. Hiện các binh sĩ Hà Lan đang hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng sở tại ở Erbil, còn lực lượng vũ trang Đức có 160 binh sĩ đang tham gia hoạt động huấn luyện quân sự.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, những động thái mới nhất của Mỹ, Đức và Hà Lan có thể chỉ là biện pháp đề phòng hoặc lớn hơn, mang theo tín hiệu sắp có sự thay đổi về tình hình an ninh tại Iraq. Ted Seay, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ kiêm cố vấn chính sách cao cấp tại Hội đồng Thông tin An ninh Anh-Mỹ, nhận xét: “Nguyên nhân duy nhất khiến Chính phủ Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao là vì họ dự đoán sẽ có bất ổn, bạo lực hoặc chiến tranh”.
Căng thẳng trong khu vực leo thang sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Mỹ cũng đã điều động nhiều khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có các máy bay ném bom và hàng không mẫu hạm tới Trung Đông, để đối phó với điều mà Washington gọi là những mối đe dọa từ Iran.