Vào ngày hôm qua 5/4, Indonesia đã phá hủy 23 tàu cá nước ngoài, trong đó có 13 tàu của Việt Nam, 10 tàu của Malaysia, sau khi các tàu cá này bị cáo buộc đang hoạt động đánh bắt cá trái phép trong đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Bộ trưởng Biển và nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti ra lệnh cấp dưới ở 7 địa phương của Indonesia cho nổ các tàu cá bị bắt với cáo buộc trên và cam kết rằng, cơ quan của bà sẽ sử dụng hình phạt tương tự với bất kỳ tàu nào đánh cá bất hợp pháp kể cả "tàu cá của Mỹ".
Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức năm 2014, Indonesia đã thể hiện quyết tâm lớn nhất trấn áp tàu nước ngoài bị coi là đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này, và đến nay đã đánh chìm 174 tàu cá.
Mặc dù không liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên các đảo và bãi đá trên Biển Đông như các quốc gia khác nhưng Indonesia lại có chủ quyền trên quần đảo Natuna ở phía Nam biển Đông. Đây là vùng đặc quyền kinh tế đã bị Trung Quốc tuyên bố lấn chiếm bằng đường chín đoạn trên biển.
Trước đó các vụ tàu cá đi lạc vào khu đặc quyền kinh tế thường được nước này xử lý một cách "nhẹ nhàng" và tôn trọng mối quan hệ ngoại giao với các nước.
Chính sách Biển Đông của Indonesia nhiều năm trước đã thể hiện rõ vai trò "anh cả" trong việc đứng đầu giải quyết các xung đột, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực với Bắc Kinh.
Một mặt nước này vẫn tỏ ra cứng rắn và có những động thái phản đối quyết liệt các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm ủng hộ các nước trong khối ASEAN. Mặc khác Jakarta vẫn tránh những động chạm nhạy cảm đến quan hệ song phương giữa Indonesia và Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc bản đồ trong đó thể hiện lập trường chủ quyền đường chín đoạn bao trọn toàn bộ khu vực Biển Đông, các nước trong khu vực đã buộc phải cân nhắc lại các chính sách của mình cũng như tính chất vấn đề của khu vực đã đi theo một hướng khác.
Indonesia cũng không là ngoại lệ. Việc Trung Quốc đệ trình bản đồ có đường chín đoạn lên Liên Hợp Quốc đã là câu trả lời cho những lo ngại về sự bành trướng thực sự của Bắc Kinh.
Cả khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rõ ràng là động thái xâm lấn tới quần đảo Natuna đặc khu kinh tế chủ quyền của quốc gia này.
Và những động thái gần đây kể từ khi tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền đã cho thấy Indonesia đang dần giảm vai trò trung lập của mình trên Biển Đông và có những động thái quyết liệt hơn.
Ông Joko Widodo là người có chủ trương cứng rắn khi đã từng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Đã có một số cuộc đụng độ tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia bên ngoài vùng đảo Natuna trong những năm vừa qua. Điển hình là cuộc chạm trán giữa tàu tuần tra không vũ trang HM001 của Indonesia và tàu ngư chính Yuzheng 310 của Trung Quốc vào ngày 26/3/2013.
Trước đó 2 tuần, phía Indonesia bất ngờ tố tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập và tiến hành hoạt động đánh bắt trái phép ở khu vực lãnh hải của nước này.
Phía Trung Quốc đã điện đàm đề nghị giấu kín vụ việc, tuy nhiên Indonesia đã tỏ thái độ cứng rắn và tổ chức họp báo công khai phản đối sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một cách dứt khoát. Quốc gia này cũng yêu cầu phía Bắc Kinh ngay lập tức giao nộp tàu cá đánh bắt trái phép để xử lý theo luật pháp quốc tế.
Thái độ nhún nhường của Jakarta trong những năm qua đã khiến cho phía Trung Quốc bắt đầu lấn tới và tìm cách thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Điều này khiến Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đối đầu công khai với Trung Quốc và cho cả thế giới thấy sự phản ứng quyết liệt của mình.
Việc cứng rắn trong xử lý các tàu cá trái phép đi vào vùng biển chủ quyền của Indonesia bằng cách đánh chìm là một điều chưa từng có trong tiền lệ. Nó có thể sẽ là một quyết định khó khăn của nước này khi sẽ phải xem xét rất nhiều đến vấn đề liên quan đến ngoại giao với các nước trong khu vực.
Nhưng việc thực thi hành động này sẽ là một lời cảnh báo rõ ràng nhất đối với Trung Quốc rằng Jakarta sẽ không kiêng nể bất kỳ ai có sự xâm phạm đến lợi ích và chủ quyền hợp pháp của quốc gia này.
Sự bá quyền và ngang ngược của Trung Quốc đang khiến cho không chỉ tình hình an ninh chính trị trên Biển Đông trở nên căng thẳng mà còn đưa đẩy tính mạng của hàng triệu ngư dân vô tội ở các nước ven Biển Đông vào miệng vực của sự nguy hiểm.
Nếu không có những hệ lụy từ sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, có thể cách xử lý của Indonesia sẽ đi theo một hướng khác.
Vũ Minh