“Chuyên gia” làm mất phách
Bố của Thu Thảo – NSƯT Nguyễn Văn Khuê thường hay kể chuyện ngày xưa. Khi Thảo 4-5 tuổi, thấy mọi người trong nhà đàn hát với nhau, cô bé đã mon men loanh quanh nghe chăm chú, cô dần đọc được những câu đàn mồm ngô nghê như “Tùng tung tếnh tùng, dênh dênh dênh”.
Đào nương Nguyễn Thu Thảo đạt Huy Chương Vàng – Liên hoan Ca trù toàn quốc.năm 2005. |
Thấy con gái bộc lộ năng khiếu, NSƯT Nguyễn Văn Khuê lấy làm mừng. Bởi trong một thế hệ để tìm ra một người có năng khiếu nghệ thuật không phải cứ cầu là được, ước là thấy. Giáo phường ca trù Thái Hà của dòng họ Nguyễn đã gìn giữ những nét tinh túy của nghệ thuật ca trù đất Thăng Long xưa, ngay cả khi nghệ thuật ca trù bị lãng quên, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Mùi vẫn âm thầm truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho con trai là NSƯT Nguyễn Văn Khuê. Bởi thế, NSƯT Nguyễn Văn Khuê không khỏi kỳ vọng con gái đầu lòng Thu Thảo sẽ tiếp nối truyền thống ấy.
Thông thường, ở các giáo phường ca trù, 6 tuổi ca nương học hát, nam 13 tuổi mới học đàn đáy bởi cây to và dài, chỉ khi gân tay cứng cáp mới có thể chơi luyến láy. Vì thế, khi vừa chạm ngưỡng 6 tuổi, Thảo cùng người em họ cùng tuổi là Kiều Anh (sau này được khán giả biết tới qua chương trình Vietnam’s Got Talent 2013) theo mọi người trong nhà học hát. Có ông nội và chú đánh trống, có bố chơi đàn đáy, có cô ruột là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thúy Hòa... Thu Thảo và Kiều Anh sớm say mê ca trù giờ càng thêm phần háo hức học tập. Song, cô không ngờ được, ca trù đã đem đến cho cô một tuổi thơ tươi đẹp mà không kém phần dữ dội.
Thảo kể, một niềm vui cô khó quên: nhờ sự giới thiệu của Giáo sư Trần Văn Khê, khi lên 7 tuổi, Thảo và em họ Kiều Anh đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Buổi biểu diễn quan trọng bậc nhất trong đời ấy, mặc dù chị em Thu Thảo không có cát-xê nhưng mỗi người được trao một suất học bổng Vallet của Pháp trị giá 10 triệu đồng cùng những tràng pháo tay giòn giã từ khán giả. Vì còn quá nhỏ, nên số tiền học bổng của Thu Thảo được bố mẹ cô giữ hộ. NSƯT Nguyễn Văn Khuê có hứa sẽ trích học bổng để mua cho Thu Thảo thứ gì đó thiết thực: một bộ phách bằng gỗ trắc. Mối duyên nợ “khóc cười” giữa Thu Thảo và phách bắt đầu từ đây.
Mặc dù đã được bố dặn đi dặn lại phải giữ gìn cẩn thận, nhưng Thảo vẫn thành “chuyên gia” liên tục làm mất phách. Lý do làm mất thì luôn luôn là... mải chơi. Diễn xong để nguyên xi bộ phách ở đó không nhớ cất nên có khi que phách còn mà bàn phách chẳng thấy đâu. Một bộ phách có 1 chiếc phách tròn và 2 chiếc phách lá, Thảo chỉ cần mất một chiếc phách là… nghỉ gõ phách. Lại nữa, chẳng ai bán lẻ một chiếc phách cho ca nương, đã mất một chi tiết thì phải mua lại cả bộ. Thậm chí, nếu người làm phách “tính kiêu kiêu”, ca nương phải đặt mấy bộ phách một lúc họ mới nhận làm kẻo mất công đi cưa gỗ.
Đã có lần, NSƯT Nguyễn Văn Khuê quay sang gợi ý con gái viết tên, đánh dấu vào bộ phách cho đỡ mất, nhưng Thảo vẫn chứng nào tật nấy, diễn xong “tót” vào phòng thay đồ, chỉ chăm chăm nghĩ xem sẽ đi ăn món gì. Đâm ra, phách vẫn mất...
Thu Thảo nhớ lại, ngày đó nếu biểu diễn ở số 51 Trần Hưng Đạo – Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cô sẽ dắt Kiều Anh tìm một quán mì vằn thắn, còn nếu diễn ở số 76 Hàng Bồ, cô sẽ cùng em họ đi chợ đêm, tìm một quán phở bò nóng húp xì xụp... Hà Nội khi ấy thật lung linh, duy chỉ có điều buồn nhất: “Tôi không mất tiền gì khác ngoài mất tiền mua phách” – Thu Thảo cười ngậm ngùi. May mà, dai dẳng tới tầm cuối cấp 2, cô đã “ghi lòng tạc dạ” không làm mất phách nữa.
Quyết tâm hát ca trù thật hay vì… tự ái
Bạn bè của đào nương Thu Thảo từng nói, nghe ca trù như ru ngủ. Thu Thảo tính tự ái, nên luôn muốn chứng minh điều đó không phải. Theo Thảo, mặc dù không như các loại hình nghệ thuật khác có thể liếc mắt, đưa tay cầm quạt múa, ca trù chỉ hát và phách; nếu biết nhấn nhá luyến láy nhanh chậm các câu hát trọng tâm, câu hát cất lên có thể thu hút người nghe không nỡ rời bước.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo nghệ thuật truyền thống là niềm tự hào, hãnh diện của Thu Thảo và đồng nghĩa với đó, cô hiểu trên vai mình có trọng trách phải bảo tồn ca trù. |
Ngày bé, Thu Thảo được bố dạy, khi hát trước tiên phải nhớ to rõ ràng. Một buổi biểu diễn Thu Thảo sẽ hát khoảng 3-5 bài, trung bình mỗi bài dài 4 phút. Nhiều người lớn hỏi: “Thảo hát thế có mệt không cháu?”. Thảo lắc đầu trả lời: “Cháu thấy bình thường, hát không mệt ạ”. Mọi người nghĩ có lẽ vì trẻ con còn sức. Lớn lên, Thu Thảo vẫn phong độ đấy, vẫn cột hơi đấy, có khi một chương trình cô hát 1 bài mà đã 20 phút như bài “Tì bà hành” – Bạch Cư Dị, bài hát kinh điển rất khó trong nghệ thuật ca trù, không những phải luyến láy, nảy hạt mà còn chuyển cung liên tục, vừa hát lúc nhanh lúc chậm vừa gõ phách...
Muốn hát ca trù thật nhuần nhuyễn, muốn mọi người cảm được cái hồn của ca trù, nhưng có thời gian Thảo tưởng mình “đứt duyên” với nghề. Đó là lúc cô bước vào tuổi dậy thì, giọng nói bỗng thay đổi và giọng hát chẳng còn như trước. Thảo từng căng thẳng khi bố đánh đàn lấy tông cao thì giọng cô lại hát lệch vào tông thấp, mà đánh đàn lấy tông thấp thì giọng cô bất chợt vút cao. Hát mướt mồ hôi, NSƯT Nguyễn Văn Khuê nhẫn nại bảo con gái gắng tập thêm 5 phút nữa, cứ thêm 10 lần 5 phút mỗi ngày khiến Thu Thảo đuối. Cô không đoán biết được giọng hát mình sẽ ra sao, lại sợ bố thất vọng. Nhưng qua quãng thời gian dậy thì, giọng Thu Thảo lại ổn định, cô nghĩ: “Đúng là có những chuyện mình không thể giải quyết được, đành để tự nhiên thôi”.
“Giọng của tôi chắc và khỏe, chắc do... ăn nhiều” - Thảo đùa. Nhưng đúng hơn, giọng Thảo hay và khỏe nhờ bố cô - NSƯT Nguyễn Văn Khuê đúc kết, nghiên cứu rất nhiều tư liệu về ca trù để truyền nghề cho con. Đặc biệt, gia đình Thu Thảo cũng giữ một số băng đĩa của những cụ trong gia đình và các nghệ nhân nổi danh thời xưa, cô nghe nhiều cho ngấm, học giai điệu bài hát.
Khác với ca nương Kiều Anh giọng mềm mại, thanh cảnh phù hợp trong lối hát cửa đình, giọng đào nương Thu Thảo được hướng theo lối hát khuôn, sắc, lanh lảnh, luyến láy âm ngậm, âm trong, âm ngoài. Cách hát đó không phải cứ hát to thuần túy là hay, lúc nào cũng to bài hát thành bí bách, giọng hát phải quyện tính người, chứ không phải người hát đơn thuần phô bày giọng. Lúc nào Thu Thảo cũng muốn nghe thêm nhận xét từ khán giả. “Hát xong rồi nghe lời nhận xét của người khác góp ý tôi sẽ có ý thức chỉn chu bài hát hơn, sửa lại chỗ nào nhỏ to, chỗ nào phách nhấn, chỗ nào phách đánh nhẹ mới hay…” –Thảo chia sẻ. Đặc biệt, Thảo còn được người cô ruột chỉ cho lối phách hàng hoa: biết lúc nào phải ém hơi giọng nhỏ mà vẫn sắc nét, phách đánh róc rách như tiếng suối chảy.
Dạy ca trù “cấp tốc”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo nghệ thuật truyền thống là niềm tự hào, hãnh diện của Thu Thảo và đồng nghĩa với đó, cô hiểu trên vai mình có trọng trách phải bảo tồn ca trù.
Mong muốn của Thu Thảo là gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của gia đình để nó giống như một dòng chảy qua các thế hệ sau. Hiện đào nương Thu Thảo đang nắm giữ khoảng hơn 30 làn điệu ca trù và ca vũ cung đình, nhiều kỹ thuật, những bí quyết của phách và hát... |
Mong muốn của Thu Thảo là gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của gia đình để nó giống như một dòng chảy qua các thế hệ sau. Hiện đào nương Thu Thảo đang nắm giữ khoảng hơn 30 làn điệu ca trù và ca vũ cung đình, nhiều kỹ thuật, những bí quyết của phách và hát...
“Hơn 17 năm trong nghề, tôi đã đi truyền dạy nghệ thuật ca trù cho những người đam mê nghệ thuật cổ, ngoài ra tôi biết phân tích những lời thơ trong các thể cách ca trù xưa và các sáng tác mới bây giờ. Tôi từng có một lớp dạy ca trù cấp tốc…” –Thảo cười nhớ lại. Học sinh của Thu Thảo khi ấy là một cô gái muốn học gấp gáp một bài hát ca trù để đi thi văn nghệ ở cơ quan. Một điều thú vị, học sinh này chưa từng hát ca trù mà lại chọn đúng bài vừa bắt tai vừa khó hát. Đến khi học ca trù, cô gái ấy mới hiểu, người ta nghe kịch, cải lương, chèo có thể hát theo, nhưng riêng ca trù thì không thể nghe băng đĩa là học được, ca trù có rất nhiều kỹ thuật quan trọng, một thầy một trò, thầy phải ngồi nhìn xem miệng trò để đúng chưa, cột hơi lấy như thế nào...
Cuối cùng, học sinh “cấp tốc” của Thu Thảo đã giành giải Nhất trong cuộc thi văn nghệ ở cơ quan sau hơn một tuần đêm ngày tập hát... Một điều thú vị và là một nỗi buồn man mác, học sinh của Thảo khẳng định: “Nếu nhỡ có hát sai một câu hát ca trù khán giả cũng không ai biết được”. Thu Thảo nghĩ: “Giờ ít người dành tâm sức hiểu và yêu ca trù quá! Về hát, ca nương Kiều Anh đi lấy chồng rồi, sau này Thu Thảo cũng lấy chồng, theo nghề biểu diễn thì vất vả, tôi chỉ gìn giữ, đi dạy được thôi”.
Bạn bè của đào nương Thu Thảo từng nói, nghe ca trù như ru ngủ. Thu Thảo tính tự ái, nên luôn muốn chứng minh điều đó không phải. Theo Thảo, mặc dù không như các loại hình nghệ thuật khác có thể liếc mắt, đưa tay cầm quạt múa, ca trù chỉ hát và phách; nếu biết nhấn nhá luyến láy nhanh chậm các câu hát trọng tâm, câu hát cất lên có thể thu hút người nghe không nỡ rời bước. |
Thảo cũng băn khoăn một điều, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, song thực thực tế những người làm nghề ca trù hiện nay mới chỉ gìn giữ chứ muốn phát triển thì khó. Lý giải điều này, Thu Thảo cho rằng, ca trù không quy tụ như quan họ, ca trù trải dài từ Hà Nội, tới Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... trong Sài Gòn cũng có những người hát ca trù.
Các loại hình nghệ thuật khác đều có những nhà hát riêng và các nghệ sĩ họ có thể mưu sinh bằng nghề, nhưng ca trù thì lại không có nhà hát, chính vì vậy nên những nghệ nhân ca trù chỉ mở những câu lạc bộ nhỏ lẻ biểu diễn, mà không có sân khấu để họ có thể làm nghề, mưu sinh như các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ngay cả nếu có nhà hát, nghệ nhân ca trù rải rác mà không tập trung thì nhà hát cũng chỉ quy tụ được nghệ nhân khoanh vùng chứ khó hội tụ được nhiều nghệ nhân khắp các vùng miền.
Hiện nay, bên cạnh công việc tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật - Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đào nương Thu Thảo và bố cô – NSƯT Nguyễn Văn Khuê cũng mở những buổi học ca trù nho nhỏ tại nhà, rộng cửa đón những người muốn tìm hiểu ca trù. Tuy nhiên, cô hy vọng trong thời gian tới, các trường nghệ thuật tại Việt Nam sẽ mở những lớp học chuyên ngành về nghệ thuật truyền thống, đào tạo những người làm thơ về ca trù, thúc đẩy được thế hệ trẻ hiện nay hiểu biết và yêu mến bộ môn nghệ thuật này một cách bài bản. Đồng thời, nghệ thuật ca trù được quảng bá nhiều hơn trong nước cũng như nước ngoài, để du khách trong nước cũng như quốc tế có thể biết đến bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.