Theo thống kê, lao động khu vực nông thôn trên địa bàn Tiền Giang chiếm 61,7% lao động toàn tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo 68.000 lao động trong giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 đào tạo 77.000 lao động. Tiền Giang tập trung đào tạo một số ngành nghề cho lao động nông thôn gồm: May công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, hàn, sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, sửa chữa máy may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Ông Nguyễn Thái Duy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gò Công Đông cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Trung tâm chú trọng định hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện quy hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Trung tâm phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo cùng người lao động được vay vốn giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất.
Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gò Công Đông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã mở 5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 145 học viên. Sau khóa học, hầu hết học viên học nghề nông nghiệp ứng dụng tốt kiến thức cùng kỹ năng đã học vào sản xuất, 100% học viên nghề may có việc làm.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, hàng năm, ngành liên quan cùng địa phương đều xây dựng kế hoạch, rà soát, xác định đào tạo các nghề đảm bảo sau khi học, các học viên có việc làm, thu nhập ổn định. Đặc biệt công tác dạy nghề phải gắn với thế mạnh đặc thù của xã và xây dựng nông thôn mới cùng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...
Về cơ sở vật chất, tỉnh Tiền Giang có 14 cơ sở dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Số lượng giáo viên, người dạy nghề tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khoảng 120 người/năm. Hầu hết giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng, cán bộ nông nghiệp tham gia dạy nghề đều có trình độ chuyên môn phù hợp, đã qua đào tạo kỹ năng sư phạm dạy nghề hoặc từng giảng dạy trong công tác khuyến nông hay trường trung cấp nghề nhiều năm.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 80 - 85% học viên sau khi tốt nghiệp tự tạo việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí so với trước khi học nghề. Thu nhập tăng thêm với mức khoảng 750.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp; 1,5 triệu đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp vì đa số chỉ tận dụng thời gian nông nhàn, số làm việc ở doanh nghiệp còn ít.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, để công tác đào tạo nghề lao động nông thôn thời gian tới đạt hiệu quả, các cấp, ngành cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Đồng thời xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng, có tính lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, lao động nông thôn cần được quan tâm đẩy mạnh, trong đó cần sự tham gia của đoàn thể các cấp, nhất là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, tùy chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên cả 3 mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tỉnh, trong nước cũng như hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới.