Thành phố xác định đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 gắn với trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể.
F0 có xu hướng tăng
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, từ ngày 28/6 đến 4/7, thành phố có 1.538 ca mắc COVID-19, không ghi nhận trường hợp tử vong; Trung bình 220 ca/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước.
Hiện Hà Nội đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (ghi nhận 3 ca được giải trình tự gen tại Bệnh viện Bạch Mai). Biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ, do đó, trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ.
Theo ông Vũ Cao Cương, tính đến ngày 3/7, thành phố đã phân bổ 15.755.817 liều vắc xin, trong đó đã sử dụng 15.747.907 liều. Cụ thể, đối với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1, mũi 2 đạt 99,9%; Mũi bổ sung đạt 100%, mũi 3 đạt 96,5%; Mũi nhắc lại lần 2 đạt 15,6%.
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được mũi 1 là 246.373 mũi/1.023.623 số trẻ em trong độ tuổi mới đạt 20,07%, lý do với 1.023.623 số trẻ em trong độ tuổi có 44% trẻ thuộc diện hoãn tiêm do mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và 29,66% trẻ gia đình không đồng thuận tiêm chủng; Mũi 2 tiêm được 81.637 mũi.
Đến thời điểm hiện tại, trẻ hoãn tiêm do mắc COVID-19 cũng đã bắt đầu đủ thời gian sau 3 tháng để tiêm nên rất cần có sự đồng thuận của gia đình trẻ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn thể người dân để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố.
“Dịch đã được kiểm soát nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của COVID-19. Việc vận động tuyên truyền người dân tham gia công tác tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể”, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đưa ra một số nguyên nhân chính.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi có biến chủng mới tác động khó lường đến cả nước và Hà Nội. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người trên 18 tuổi, nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và công nhân - lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội là thấp. Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải chủ động kiểm soát dịch COVID-19 trong mọi tình huống; Sức khỏe của người dân là trên hết và trách nhiệm của hệ thống chính trị phải chăm lo tốt việc này.
“Vẫn phải xác định nhiệm vụ phòng dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Từ đó, đẩy nhanh tiêm vắc xin, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người trên 50 tuổi. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu trách nhiệm của các ngành phải tuyên truyền vận động, thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đi tiêm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, bởi đây vừa là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân.
Việc đeo khẩu trang là cần thiết đặc biệt khi dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng cần có sự linh hoạt. Người dân không nên chủ quan, bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang, điều này rất nguy hiểm. |
Người dân dần “quên” khẩu trang
Sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch đang được rất nhiều cơ quan truyền thông lên tiếng. Đáng lo ngại, những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Thế nhưng, thay vì lo lắng như 4 “làn sóng” COVID-19 trước, người dân tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã dần lãng quên chiếc khẩu trang.
“Thời gian qua số ca mắc COVID-19 tại nước ta giảm sâu, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người hay ở trong không gian kín…”, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Sau khi dịch bệnh “hạ nhiệt”, hầu hết các khu vui chơi, giải trí đã không còn sự xuất hiện của chiếc khẩu trang, điều này vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng dịch.
“Trong lúc này, chúng ta cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang. Ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần thì không cần đeo. Nhưng tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng thì nên đeo. Đồng thời, tại nơi đông người thì nên đeo khẩu trang”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Việc đeo khẩu trang là cần thiết đặc biệt khi dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng cần có sự linh hoạt. Người dân không nên chủ quan, bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang, điều này rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin cũng cần được lưu ý, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch”.