Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 90.260 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 30.000 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư: 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.410 tỷ đồng); Huy động hợp pháp khác: 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 7.500 tỷ đồng).
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh hiện nay chưa thể cân đối đủ ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng kinh phí ở mức tối thiểu cho Chương trình theo Tờ trình của Chính phủ; giao Chính phủ hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để bổ sung cho Chương trình và có giải pháp huy động vốn ODA, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, ngoài việc giảm nghèo về thu nhập cần tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, Chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19.
Liên quan đến nguồn vốn, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với yêu cầu về nguồn vốn của Chương trình cùng với 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 thì đây là một áp lực rất lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước.
Do đó, Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện hướng tới mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững, bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu cho từng chiều nghèo. Đồng thời, lưu ý bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.000 tỷ đồng trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản, người nghèo không có khả năng lao động.