Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ tại Việt Nam, các di sản thế giới được UNESCO ghi danh cho thấy tiềm năng lớn trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn chặn sự thu hẹp diện tích môi trường tự nhiên.

------------------

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 1

Cho đến hiện tại, UNESCO đã ghi danh 8 di sản thế giới tại Việt Nam, trong đó có 2 di sản thiên nhiên bao gồm Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; 5 di sản văn hóa với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành nhà Hồ, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Đô thị Cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và 1 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An.

Các di sản được ghi danh nói trên không chỉ là minh chứng cho một đất nước Việt Nam phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử mà còn giới thiệu với bạn bè thế giới cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của nước ta.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 2

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Đặc biệt, về khía cạnh đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo và địa lý nổi bật toàn cầu vào năm 2003. Đến năm 2015, UNESCO lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới về giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo đó, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 3

Tương tự, đối với hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, các nhà khoa học đã thống kê được trên các đảo ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 507 loài, 351 chi thuộc 110 họ thực vật bậc cao, trong đó có 486 loài mộc lan, 17 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật đã thống kê được 66 loài lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 22 loài thú. Đặc biệt, các nhà khoa học Pháp (dưới thời Pháp thuộc) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã phát hiện được 17 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long như nhài Hạ Long, sung Hạ Long, khổ cừ Đại Nhung, tuế Hạ Long…

Hay với Quần thể danh thắng Tràng An, khu di sản này nổi bật với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Đa dạng sinh học ở Tràng An thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, đa dạng về nguồn gen, đặc biệt trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Về thực vật, đến nay, đã thống kê được tổng cộng 134 họ với 384 chi và 577 loài khác nhau.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 4

Quần thể danh thắng Tràng An

Những thống kê tiêu biểu nói trên có thể khẳng định, với vị trí địa lý đặc biệt, là nơi giao thoa của nhiều luồng động, thực vật, các khu di sản thế giới ở Việt Nam là nơi hội tụ của các loài và hệ sinh thái, tạo nên sự đa dạng sinh học cao mang tính đặc thù và tiêu biểu cho hệ sinh thái của vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới có gió mùa. Chính sự đa dạng sinh học đã tạo nên môi trường cảnh quan tươi đẹp của đất nước, đóng góp quan trọng trong du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu khoa học.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 5

Theo nghiên cứu mới vừa được UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố, mặc dù các di sản được ghi danh và bảo vệ theo Công ước Di sản Thế giới chỉ chiếm chưa đến 1% bề mặt Trái đất nhưng những khu vực này lại chứa tới hơn 20% số loài phong phú trên toàn cầu. Bởi vậy, UNESCO kêu gọi 195 quốc gia tham gia hiệp ước tăng cường nỗ lực bảo tồn chúng trước tình trạng biến đổi khí hậu và nguy cơ mất loài gia tăng, đồng thời đề cử tất cả các khu vực quan trọng còn lại về bảo tồn đa dạng sinh học vào danh sách Di sản Thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “1.157 địa điểm được UNESCO ghi danh trên toàn thế giới không chỉ nổi bật về mặt lịch sử và văn hóa mà còn rất quan trọng trong việc bảo tồn sự đa dạng của sự sống trên Trái đất, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Các di sản thế giới đóng vai trò là “đài quan sát tự nhiên” quan trọng để nâng cao kiến thức khoa học nhờ tập trung hơn một nửa số loài động vật có vú, chim và san hô cứng trên thế giới. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến mới về bảo vệ môi trường.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 6

Những lợi ích do đa dạng sinh học mang lại là vô số và tạo thành nền tảng cho mối quan hệ của nhân loại với thiên nhiên. Sự đa dạng của hệ sinh thái trong các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận duy trì các dịch vụ môi trường quan trọng cho con người, như bảo vệ tài nguyên nước, cung cấp sinh kế bền vững thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường.

Các di sản thế giới được UNESCO ghi danh cũng là công cụ để tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa thiên nhiên và văn hóa, vì nhiều địa điểm văn hóa, bao gồm cả những địa điểm ở khu vực thành thị cũng có thể bảo vệ đa dạng sinh học quan trọng và là đồng minh trong nỗ lực ngăn chặn sự mất mát thiên nhiên.

Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu cứ tăng thêm 1°C thì có thể làm tăng gấp đôi số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị đe dọa bởi điều kiện khí hậu nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, UNESCO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cảnh báo không còn nhiều thời gian, cần hành động ngay lập tức. Đại diện cơ quan này, bà Audrey Azoulay cho biết: “Với vai trò là những điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng, các Di sản Thế giới của UNESCO phải được các quốc gia thành viên của Công ước bảo vệ bằng mọi giá”.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 7

UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên ưu tiên các Di sản Thế giới trong Chiến lược và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP), vì chúng là chìa khóa để đưa Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) vào hoạt động. Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất thiên nhiên thông qua các mục tiêu bao gồm bảo vệ 30% đất đai, khu vực ven biển và vùng nước nội địa của hành tinh vào cuối thập kỷ này.

Nghiên cứu của UNESCO và IUCN là một công cụ bổ sung để người quản lý địa điểm thực hiện các hành động cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu trên.

Tại Việt Nam, với nhận thức rất sớm về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt, đa dạng sinh học trong khu vực di sản thế giới, những năm vừa qua Nhà nước đã chú trọng công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, coi đó là một trong 3 trọng tâm của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng phê duyệt.

Di sản thiên nhiên - Nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến bảo vệ môi trường ảnh 8

Để thực hiện các công tác nói trên, Việt Nam xác định giải pháp lớn nhằm quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; Củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái; với các giải pháp cụ thể như hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; Phục hồi các hệ sinh thái; Gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học quý của thế giới; Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Theo đó với giải pháp tăng cường hội nhập quốc tế để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam, tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới diễn ra ở Ninh Bình vào tháng 11/2022, Tổng Giám đốc UNESCO đã công bố đến năm 2025, tất cả những người quản lý Di sản Thế giới sẽ được UNESCO hỗ trợ đào tạo về chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và đến năm 2029, tất cả các di sản cần đưa ra kế hoạch riêng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).