Vào một ngày nào đó trong tháng 9 tới, Tổng giám đốc Tim Cook của Apple sẽ bước lên sân khấu tại San Francisco, nhìn xuống cử tọa gồm giới truyền thông, các VIP trong làng công nghệ, nhân viên của Apple và nói, "Chúng tôi rất phấn khích được khoe với các bạn thứ mà chúng tôi đã cật lực phát triển suốt thời gian qua".
Schiller sẽ trình diễn một mẫu iPhone mỏng hơn (chỉ khoảng 7mm) với màn hình 4.7 inch bằng loại kính siêu bền và không vỡ. Ông này cũng sẽ quảng cáo về con chip A8 góp mặt trong iPhone mới, cũng như những cải tiến của camera. Đám đông sẽ "ố, á" dù thực tế là gần như chẳng có bất cứ bất ngờ nào cả.Sau vài phút trình bày cảm xúc ngắn gọn, Cook sẽ nhường lại đất diễn cho Phil Schiller, người đứng đầu mảng Marketing của Apple để công bố iPhone 6. Bất cứ ai quan tâm đến Apple và theo dõi tin tức về hãng này qua mạng Internet cũng sẽ biết đích xác chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo.
Tại sao mọi chuyện lại diễn ra cứ như trong kịch vậy, bạn tự hỏi? Thế quái nào mà Apple, một hãng vốn khét tiếng về việc giữ bí mật nội bộ dưới thời Steve Jobs lại trở nên "lộ vở" toàn tập như vậy?
Theo phân tích của một số chuyên gia am hiểu sâu sắc Apple thì thủ phạm chính trong việc rò rỉ các thông tin của Apple lên mạng Internet chính là chuỗi cung ứng tại châu Á của hãng này. Cộng thêm đó là việc cả ngành truyền thông hào hứng với bất cứ mẩu tin nào có gắn hai chữ Táo khuyết trong đó.
"Thực ra thì Apple không tự mình làm rò rỉ bí mật mà chính các hãng cung cấp linh kiện cho họ đã làm điều đó", nhà phân tích Horace Dediu phân biệt. Nên biết rằng chuỗi cung ứng của Apple có quy mô thực sự khủng. Apple hiện đang ký hợp đồng với hơn 200 nhà cung cấp trên toàn thế giới để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của hãng. Những nhà thầu này hiển nhiên không trung thành tuyệt đối với Apple.
"Thật khó để giữ bí mật ở châu Á vì văn hóa của họ đặc biệt quan trọng việc gây dựng niềm tin thông qua quan hệ cá nhân", Yukari Kane, tác giả cuốn "Đế chế bị ám: Apple thời hậu Steve Jobs" bình luận. "Khi một ai đó xuất hiện và sẵn lòng đầu tư vào một mối quan hệ cá nhân, những người hữu trách ở nhà cung ứng có thể sẽ buôn chuyện một chút để "gây dựng lòng tin" với người bạn mới". Về phần mình, Apple vẫn rất coi trọng sự bí mật và hầu hết các quan chức, nhân viên Apple khi tiếp xúc với bên ngoài đều từ chối bình luận hay tiết lộ thông tin nội bộ.
Lấy thí dụ, không một ai đề cập đến việc Apple sẽ ký thỏa thuận quan trọng với IBM. Và cũng không một ai biết chuyện Táo khuyết tung ra một ngôn ngữ lập trình riêng có tên Swift. Đây là hai trong số những bí mật lớn được bảo vệ thành công trong tường thành của Apple. Thực ra chuyện này cũng không có gì là lạ.
Apple là hãng bị soi nhiều nhất trên thế giới, hơn bất cứ công ty nào khác. Có cả loạt website công nghệ chuyên theo chân Apple, săn tìm mọi thông tin nhỏ nhất về Táo khuyết, từ 9to5Mac, AppleInsider, MacRumors, Cult of Mac, Loop Insight cho đến iMore.... Đấy là chưa kể đến báo chí chính thống: Bloomberg, WSJ, Reuters, NYTimes, Fortunes. Rồi còn có các nhà phân tích của phố Wall trực tiếp bay sang châu Á, cố gắng khai thác, moi móc mọi thông tin về Apple trong khả năng của mình. Với việc có quá nhiều người cùng đào xới thông tin về Apple như vậy, chuyện thông tin bị rò rỉ âu cũng là khó tránh.
Nhất là khi Apple không chỉ thu hút được sự quan tâm của người dùng tò mò, mà còn là một cổ phiếu có giá trị lớn trên sàn. Những thông tin rò rỉ về hãng hoàn toàn có thể đẩy giá cổ phiếu lên trong ngắn hạn.
Nếu như Apple không quá "khủng" và quá phụ thuộc vào nhiều nhà thầu như vậy, hãng sẽ có thể giữ bí mật sản phẩm của mình cho tới ngày phát hành - giống như trước đây. Nhưng giữ một cây kim trong bọc khi mà có quá nhiều người có thể tiếp cận cái bọc đó thật không đơn giản chút nào.