Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học được quan tâm đầu tư.
Hằng năm, ngân sách chi sự nghiệp giáo dục trên 3.200 tỷ đồng (chiếm 27% trên tổng chi ngân sách địa phương), trong đó, chi đầu tư 419 tỷ đồng. Hoạt động xã hội hoá giáo dục được khuyến khích, hiện có 6 dự án đưa vào hoạt động với tổng kinh phí 425 tỷ đồng.
Đến nay, có 277 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học (đạt 40,02%). Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp: Nhà trẻ đạt 25,4%, mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 82,04%, mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,85%, tiểu học đạt 99,99%, THCS đạt 96,25%, THPT đạt 62,09%. Tỷ lệ học sinh vào học các lớp đầu cấp: Lớp 1 đạt 99,94%, lớp 6 đạt 99,94%, lớp 10 đạt 99,50%.
Công tác đào tạo nghề được đổi mới gắn với yêu cầu của doanh nghiệp, chú trọng dạy kỹ năng, tác phong làm việc công nghiệp, ứng dụng công nghệ-thông tin trong giảng dạy, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.
Trong 9 tháng của năm 2019, các cơ sở dạy nghề của Đồng Tháp đào tạo trên 11.000 học viên, trong đó đào tạo theo địa chỉ 1.400 học viên. Tỷ lệ học viên sau khi được đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%. Chương trình “Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” đạt hiệu quả cao với trên 5.500 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hằng năm gửi về nước gần 1.500 tỷ đồng.
Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hoàn thành Đề án khoa học “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tỉnh đang xúc tiến hợp tác với Trường ĐH Bách khoa TPHCM nghiên cứu về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, làng thông minh. Ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong sản xuất hoa kiểng cảnh gắn với phát triển du lịch tại làng hoa kiểng Sa Đéc; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực. Ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản; giải pháp công nghệ xử lý rác thải, nước thải và bùn ao nuôi cá; xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp an toàn sinh học…
Cho rằng Đồng Tháp có những mô hình giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ rất tốt, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Làm cách nào để nhân rộng ra?
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường cao đẳng Cộng đồng… đã nêu khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết việc kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục gặp khó khăn cả về cơ chế, quy định luật cũng như thiếu hướng dẫn của bộ ngành. “Đơn cử như việc giao đất để làm giáo dục nhưng bảng giá đất được áp dụng chung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc quy định nhà đầu tư đã đấu giá đất để làm giáo dục thì không được hưởng các ưu đãi của Nhà nước”, ông Hùng dẫn chứng.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp nêu khó khăn trong triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT khá cứng nhắc. “Bộ chỉ nên có khung tập huấn giáo viên còn thực hiện cụ thể thì giao cho địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như nhu cầu của giáo viên”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Trần Thanh Liêm đề xuất.
Lắng nghe những ý kiến từ tỉnh Đồng Tháp và trao đổi của lãnh đạo các Bộ GD&ĐT, KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các vấn đề xã hội, đặc biệt là văn hoá, giáo dục có ý nghĩa sống còn, bởi kinh nghiệm nhiều nước phát triển lúc đầu chỉ chú trọng kinh tế mà bỏ quên môi trường thì phải mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục. Nhưng để khắc phục các vấn đề văn hoá tích tụ trong nhiều năm sẽ phải mất nhiều lần GDP và nhiều thế hệ. Vì vậy, những địa phương còn nhiều khó khăn như Đồng Tháp chú trọng đến giáo dục, văn hoá là rất đáng quý.
Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề lớn mà giáo dục Đồng Tháp cần giải quyết trong thời gian tới. Trước hết là nâng tỷ lệ học sinh bậc THPT, trung cấp nghề và trẻ dưới 5 tuổi. Tiếp đến là bảo đảm đủ trường lớp, giáo viên trong khi vẫn thực hiện giảm biên chế giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Ngoài kêu gọi xã hội hoá đầu tư, Đồng Tháp cần xem xét phương án đưa một số trường phổ thông công lập chất lượng cao được tự chủ, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân có khả năng chi trả mức học phí cao hơn, để tự lo lương cho giáo viên và dành phần ngân sách đó cho những nơi khó khăn hơn. Cùng với đó là thay đổi cơ chế quản lý, quản trị trường phổ thông với sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, học sinh, tập thể giáo viên.
Bên cạnh đó phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên. Một trong những nguyên nhân khiến học sinh quá tải là do phần lớn phương pháp giảng dạy khô cứng, nhàm chán”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chất lượng đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp nghiên cứu cơ chế đặt hàng, trước hết là cho Trường ĐH Đồng Tháp, để bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thường xuyên.
“Quan trọng nhất là các đồng chí phải đổi mới phương pháp quản lý giữa Sở GD&ĐT với các phòng, các trường; quản trị trong các trường; phương pháp giảng dạy của giáo viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy phải bắt đầu ngay, đừng đợi chương trình, sách giáo khoa”, Phó Thủ tướng nói.
Về định hướng phát triển KHCN, Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp đi vào những ứng dụng rất thực tế, đặc biệt phải nhân rộng ra các mô hình tốt. “Làm sao từ kinh nghiệm nhân rộng của Đồng Tháp có thể nhân rộng ra cả nước. Muốn vậy phải có cơ chế khuyến khích kinh tế đối với doanh nghiệp đầu tư vào KHCN”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.