Khi các bà mẹ quê tất bật gom góp tiền bạc sắm sửa áo mới cho con thì dòng sông cũng sắm sửa cho mình màu áo mới. Nó không mới so với năm trước nhưng nó mới so với mùa trước. Khi hơi gió bấc tràn về, khi những cơn mưa cuối mùa lùi xa thì dòng sông cởi bỏ chiếc áo nâu sòng dìu dịu màu phù sa rồi rón rén khoát lên bộ trang phục trong veo xanh mướt sắc mây trời. Lấp lánh theo viền áo, sông còn điệu đà nhấn nhá thêm chút ráng chiều với những tán còng xòe tròn, tán bạch đằng vuốt nhọn như ngòi bút xanh thẫm vẽ vào mênh mông những bức tranh mây.
__________________
Và cận Tết, nơi dòng sông xanh trong mát lành đang nhàn nhã dạo xóm làng thì nhà nhà vào mùa giặt giũ lau chùi tắm rửa cho cả một thế giới vật dụng vốn dĩ lặng lẽ trên bờ suốt một năm qua. Vật dụng theo người xuống sông tắm gội. Sông theo người lên bờ tắm táp những ngôi nhà. Dòng sông như bừng bừng cuộc tắm tập thể của những bàn ghế tủ giường. Những vật dụng như một dịp được bước ra khỏi chái bếp để tung tăng cùng sóng nước. Như một nghi lễ lau sạch những muộn phiền cũ kỹ cả năm ròng trước những ngày đón chào năm mới. Cũng trong nghi lễ chuẩn bị Tết, những chị những mẹ bưng thau đậu xuống sông đãi vỏ, bưng thau nếp xuống sông đãi cám. Là họ chuẩn bị cho nồi bánh tét ấm cúng của gia đình.
Dòng sông rộn ràng giữa mùa trong trẻo nên sự thanh sạch gần như trọn lòng và sự vui gần như vẹn ý. Niềm vui, niềm trong lành không dành riêng cho bất cứ ai. Giàu hay nghèo, hiền hay dữ, nhiều hay ít mọi người đều được đồng hành cùng sông trong từng mùa Tết thơm, Tết mát.
Sông vào lễ hội Tết trước những con đường, trước những cái chợ. Vì, sau khi giặt giũ thơm tho, tắm gội sạch sẽ cho cả ngôi nhà, cho bàn thờ gia tiên thì nhà nhà mới trang hoàng bông hoa và bánh trái. Chợ về nhà từ đó. Ra mùng, mai nở mới bắt đầu những cuộc đi chơi thăm thú thì những con đường mới đồng loạt vào hội ăn chơi.
Mùa Tết nếu bận bịu gì đó, mệt mỏi gì đó người ta không còn sức để tham gia cuộc “cách mạng hằng năm” với dòng sông thì tối thiểu cũng phải giặt giũ được mùng mền và gánh đầy nước cho những lu lớn lu nhỏ trong nhà. Nếu không làm được thì mùa ăn Tết năm đó coi như không còn nguyên bản Tết. Cuộc Tết với dòng sông muôn đời là một cuộc nhọc nhằn. Nhưng nếu không có những cơn cố chấp cuối năm thôi thúc những cuộc thu dọn trang hoàng tập thể thì dòng sống chẳng còn mốc để chờ, để ráng, để ngán và để nhớ. Dòng sông cũng uổng phí bộ lượt là sang cả của mình.
Mùa nối mùa êm ả. Chợt một ngày mùa cũ qua đi. Những người khỏe mạnh có thể vác cửa, vác bàn vác ghế xuống sông tắm cho chúng đã đổ nhau lên những cánh đồng công nghiệp của những đô thị lớn. Người còn ở lại cạnh sông quê là những đứa trẻ những người già. Những chăn chiếu mùng mền bàn ghế không còn dịp được đáo hạn mùa du lịch trên bến sông quen. Sông phải theo máy, theo ống về tận những ngách nhà xa nhất trong mùa tắm gội. Tết vẫn sạch, vẫn thơm với vòi nước ở góc bếp, ở sân nhà. Nhưng những bước chân quê xa dần dòng sông thân thuộc trong từng mùa Tết.
Tưởng như dòng sông thôi dự phần ngày Tết với dòng người.
Nhưng dòng sông vẫn có mùa Tết khác. Cũng là những ngày gió bấc về, cũng là những ngày trước Tết, sông mặc bộ áo mới của mình đón dòng người lũ lượt chảy xuống phà. Là những dòng người hối hả hồi hương. Những gương mặt phờ phạc vì suốt một năm dài chen chúc xứ người. Những gương mặt phờ phạc vì suốt một chặng đường dài chen chúc bởi kẹt xe. Họ chen chúc nhau trên những chuyến xe đêm xe ngày, phà sớm, phà tối. Túi nhỏ túi lớn chồng chất lên nhau. Người mẹ người con chồng chất lên nhau trong những chuyến xe chung xe riêng. Tất cả cuồn cuộn chảy về những bến nhà xưa. Sông nhìn thấy trong dáng dấp bơ phờ những gương mặt tuổi thơ từng một thời gắn bó. Nhưng dòng người quen đó gần như không còn nhìn thấy dòng sông. Họ chỉ thấy phà tới hay lui, chỉ nghe mỏi mòn sao chuyến phà này lâu lắc quá. Có đôi khi chợt thấy lòng giãn ra khi nhìn thấy màu nước. Có đôi chỗ chợt thấy đầu óc chùng xuống trước làn gió mát lành. Nhiêu thôi rồi mạnh ai nấy nhìn vào những tin nhắn ngóng chờ của mẹ của con. Số khác tranh thủ ngồi phà gọi điện báo tin “ba đã về”, “con đã về” tới bến phà rồi. Sau những đối đáp nôn nao là cuộc tranh thủ ngồi trên xe gắn máy hoặc dựa bạ đâu đó bên lan can phà nhắm mắt định tâm trong giấc ngủ ngồi mòn mỏi.
Dòng sông người chảy qua khiến dòng sông nước ngọt lành lặng lờ chảy phải nặng lòng thương. Bởi vì nó biết chỉ vài hôm nữa thôi, sau những ngày Tết tưng bừng nơi mái nhà quen thuộc, dòng sông người sẽ lại lướt qua nó làm một cuộc đi. Và đồng hành cùng với dòng sông người là dòng yêu thương quyến luyến còn dính dấp chốn quê nhà, nơi những đứa nhỏ, những bậc cha mẹ còn bám lại. Dòng người trôi về phía chợ ngày một thưa dần nhưng dòng nhớ thương chờ đợi cứ đong đầy vấn vít ngày một lớn lao.
Dòng thương nhớ ngập tràn ấy chảy dào dạt ngang sông, chảy qua hết mùa Tết này lại qua mùa Tết mới.
Sông không còn là nơi để thế giới đồ vật trẩy hội tắm rửa mỗi cuối năm. Nhưng dòng sông vẫn mặc tấm áo đẹp dọn sẵn bến cho dòng tâm trí tha hương. Sau những nhọc nhằn, người con xứ sở trở về thả ánh mắt xa xăm vào miền sông nước trong veo. Họ lại thấy mát, thấy tươi, tâm hồn lại được dỗ dành tắm táp dẫu vô thức lãng quên hay chú tâm lưu giữ.
Dòng sông Tết dịu dàng như luôn nhắn nhủ, cứ bình yên nghe con, dẫu đời có trôi về đâu thì dòng sông muôn đời vẫn đồng hành chuyên chở những mùa thương.
Bài: Võ Diệu Thanh
Thiết kế: Mẫn San